Giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người khuyết tật

HOÀNG LIÊN 22/10/2014 09:39

Hai năm trở lại đây, người khuyết tật (NKT) Đại Lộc càng được quan tâm, nâng cao vị thế trong cộng đồng, đặc biệt là trong hoạt động quản lý, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Sẵn sàng ứng phó

Triển khai trong 3 năm (2012-2014), dự án Quản lý rủi ro thiên tai (RRTT) dựa vào cộng đồng hướng tới NKT tại Đại Lộc (do Bộ Ngoại giao Đức, Tổ chức Malteser International tài trợ) đã có chuyển biến. Địa bàn 2 xã Đại Lãnh và Đại Hồng được triển khai dự án. Tại các thôn, số liệu về NKT đã được thu thập đầy đủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khâu ứng phó, sơ tán, sơ cứu kịp thời trong bão lũ. Từ sự hỗ trợ của dự án, mỗi thôn được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị gồm: 1 ghe thuyền, 16 áo phao, 12 đèn pin, loa cầm tay phục vụ hoạt động. Nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của NKT và gia đình NKT, các đợt diễn tập, ứng phó với lụt bão, tìm kiếm cứu nạn đã được tổ chức quy mô tại các thôn thuộc vùng dự án.

Sơ đồ hiểm họa thiên tai xã Đại Lãnh, công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro đắc lực. Ảnh: H.L
Sơ đồ hiểm họa thiên tai xã Đại Lãnh, công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro đắc lực. Ảnh: H.L

Ông Đỗ Hoài Linh - Trưởng ban quản lý RRTT thôn Hà Dục Bắc (Đại Lãnh) cho hay: “Sau khi đã kiện toàn đội ngũ ban quản lý và đội cứu hộ, các thôn đều lên kế hoạch diễn tập, sơ cứu, sơ tán trên địa bàn thôn mình. Đặc biệt, nếu trước, trong phương án di dời dân khẩn cấp của thôn, NKT chưa được ưu tiên di dời sớm thì nay chúng tôi đặc biệt ưu tiên NKT, bên cạnh những đối tượng dễ bị tổn thương khác như: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ có con nhỏ…”. Cũng theo ông Linh, ngoài sơ đồ hiểm họa chung của xã Đại Lãnh, Ban quản lý RRTT thôn Hà Dục Bắc và các thôn khác đã xây dựng sơ đồ hiểm họa riêng của thôn. Sơ đồ hiển thị đầy đủ thông tin, chi tiết về mức độ ngập theo từng cấp báo động, những vùng đặc biệt nguy hiểm và ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, tiềm ẩn nguy cơ… để đối tượng NKT nào cũng có thể quan sát, tiếp cận được. Sơ đồ cũng nêu rõ những con đường sơ tán cụ thể khi có bão lũ, thiên tai xảy ra.

Theo quy trình, khi nhận được thông tin về diễn biến lụt bão, trưởng ban quản lý RRTT cấp thôn lập tức thông báo triệu tập đội cứu hộ gồm 20 người. Tại các tổ, nơi nào có NKT, tổ trưởng phải kết hợp với đại diện NKT ở đó và gia đình NKT chuẩn bị sẵn sàng, khi có báo động, lập tức di dời NKT đến nơi an toàn được bố trí sẵn… “Tham gia dự án, chúng tôi được cung cấp nhiều thông tin hữu ích, được trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ trong xử lý, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, điều mà từ trước tới nay chúng tôi chưa hề được trang bị” - ông Đỗ Hoài Linh chia sẻ. Ông Hồ Thành - Trưởng ban quản lý RRTT thôn Hà Tân (Đại Lãnh) thông tin thêm: “Bên cạnh trang bị kỹ năng, kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, dự án còn hỗ trợ, cung cấp đầy đủ phương tiện, trang thiết bị để ban quản lý và đội cứu hộ hoạt động trong mưa lũ. Các khóa diễn tập thực tế là cơ sở kiểm chứng, đánh giá về tính thực tế của kế hoạch”.

Tính nhân văn sâu sắc

Có thể thấy, điểm mới thể hiện tính nhân văn của dự án trong công tác phòng tránh, giảm thiểu RRTT tại Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam nói chung chính là yếu tố dựa cộng đồng hướng tới NKT. Dự án đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, của bản thân NKT và gia đình về phòng tránh và giảm nhẹ RRTT. Về phía chính quyền địa phương, ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho hay, Đại Lãnh là một địa phương bị tác động rất lớn trong lũ lụt, cũng là địa phương có số lượng NKT rất đông, lên tới 200 người. Nếu trước địa phương và đoàn thể chưa nhận thức rõ về việc đưa NKT vào diện ưu tiên di dời sớm bên cạnh những đối tượng dễ bị tổn thương khác thì nay, dự án đã phát huy hiệu quả trong cộng đồng thể hiện ở việc đi từ thay đổi nhận thức tới hành động. Đến nay, ngoài sơ đồ hiểm họa chung của xã, 10/10 thôn của xã cũng đã xây dựng được sơ đồ hiểm họa riêng của thôn mình, phục vụ tốt cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã.

Ông Trương Tấn Bửu - Chủ tịch Hội NKT huyện Đại Lộc nhận xét: “Qua 3 năm triển khai, dự án đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo NKT và chính quyền địa phương, hội viên NKT và góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc NKT”. Cũng theo ông Bửu, một tín hiệu tốt dễ nhận thấy là khi tham gia dự án, NKT từ chỗ rụt rè, mặc cảm, tự ti đã phần nào tích cực hòa nhập với cộng đồng, nhiều cá nhân điển hình được bầu vào ban quản lý RRTT cấp thôn và là thành viên nòng cốt. Thông qua đây, Hội NKT các cấp đã có cơ hội tiếp cận sát hơn với hội viên, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của hội viên để có những định hướng, kế hoạch phù hợp.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO