Mô hình “giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” do Sở LĐ-TB&XH xây dựng thí điểm tại xã Tiên Châu (Tiên Phước) đã được 3 năm. Qua triển khai, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới giảm một cách hiệu quả bởi sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Giảm bạo lực
Đã hơn 2 tháng nay, xóm nhỏ ở thôn Thanh Khê (xã Tiên Châu) không còn cảnh một người chồng mỗi khi say xỉn về lại chửi mắng, đánh đuổi vợ con chạy ra vườn hay qua nhà hàng xóm trốn. Không còn cảnh cứ mỗi đêm khuya, bà con hàng xóm của ông P. phải tỉnh giấc vì tiếng xe máy nẹt pô hay tiếng kêu la thất thanh của vợ con ông khi ông say rượu về nhà. Xóm làng trở nên bình yên, những tiếng thở dài của bà con lối xóm đã vãn. Gia đình ông P. yên ắng hơn khi ông biết từ chối “con ma men”. Vợ ông P., bà T. tâm sự: “Lúc bình thường không có rượu thì anh ấy là người biết lo cho gia đình, lo đi làm để nuôi con ăn học. Nhưng hễ có rượu vô là không còn biết trời đất gì nữa, say về thì bao nhiêu bực dọc cứ đổ lên đầu vợ con. Tôi chỉ biết chạy trốn ra vườn hay qua nhà hàng xóm, để anh ấy ở nhà la ó đã đời rồi ngủ say tôi mới dám về nhà. Sáng dậy, cứ như không có chuyện gì xảy ra, anh vẫn đi làm bình thường, nhưng về mà có rượu là lại đánh mắng vợ con”. Vậy đó, nhưng vì đám con thơ nheo nhóc, vì gia đình, bà T. cố gắng chịu đựng. Và cuối cùng, “con người” trong ông P. đã chiến thắng “con ma men” khi được bà con xóm giềng, những người có trách nhiệm ở thôn Thanh Khê vào cuộc khuyên nhủ. “Dạo này chồng tôi cũng còn uống rượu chứ không phải bỏ hẳn, nhưng mà uống có điểm dừng, về đến nhà quan tâm con cái học hành, cùng vợ lo việc gia đình. Từ hồi cưới nhau rồi có con đến giờ, tôi mới được sống trong cảnh bình yên khi chồng đã hồi tỉnh” - bà T. nói trong nước mắt hạnh phúc.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet) |
Thôn Thanh Tân từ chỗ có 10 gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực vì nhiều lý do như ghen tuông vô cớ, say rượu, gia trưởng... nay chỉ còn 2 gia đình vẫn xảy ra chuyện vợ chồng cãi vã nhưng bớt đi cảnh chồng đánh vợ. Có những lý do dẫn đến bạo lực rất đơn giản, như chỉ vì cãi nhau trong khi bày cho con học là “lũy tre” hay “lùm tre”, cãi nhau về ý nghĩa của từ “khống chế” một môn học, vợ về nhà mẹ đẻ giúp đậy lúa khi trời mưa liền bị chồng cho là mang của về nhà cho mẹ đẻ... Giảm được bạo lực, vợ chồng lo làm ăn, có gia đình ở Thanh Tân còn thoát được hộ nghèo như gia đình ông N., ông C., ông Â.
Những địa chỉ tin cậy
Mô hình “Giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” được xây dựng ở Tiên Châu, lần lượt 5 thôn của xã thành lập câu lạc bộ (CLB) và tổ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời xây dựng 11 địa chỉ tin cậy (nhà tạm lánh) trên toàn xã. Các CLB, tổ phòng chống cứ 3 tháng sinh hoạt một lần, hoặc sinh hoạt bất thường khi có sự việc bạo lực xảy ra, thu hút sự tham gia đông đảo của gia đình ở các thôn, trong đó đặc biệt chú trọng vận động những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực tham gia CLB. Nhờ đó, từ chỗ là một xã hay có bạo lực xảy ra, đến nay tình trạng này ở Tiên Châu đã giảm đáng kể. Trong năm 2014, trên địa bàn Tiên Châu có 11 gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, các tổ phòng chống và ban ngành của xã đến từng hộ nhắc nhở, động viên, ngăn chặn hành vi bạo lực, thậm chí lập biên bản. Đến nay chỉ còn 5 gia đình vẫn xảy ra tình trạng bạo lực, nhưng tác hại đã được giảm thiểu. Những trường hợp này thường xuyên được nhắc nhở, các tổ phòng chống thường theo dõi để kịp thời ngăn ngừa bạo lực có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hạnh - Chủ nhiệm CLB thôn Thanh Tân, chia sẻ: “Có sự can thiệp của các tổ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, và các thành viên CLB hay gặp gỡ, động viên gia đình có bạo lực nên những tác hại của bạo lực nếu có xảy ra cũng giảm đi nhiều so với trước. Đây thực ra cũng là vấn đề tế nhị, nên các thành viên trong ban chủ nhiệm CLB phải biết cách tiếp cận để khuyên răn, nếu không rất dễ phản tác dụng”. Với những gia đình trẻ hay xảy ra bạo lực, ông Hạnh với tư cách người lớn tuổi lại là thôn trưởng nên thường xuyên đến thăm và dùng lời lẽ để khuyên nhủ người chồng lẫn người vợ, nhất là lúc người chồng không có rượu. Gia đình có bạo lực ban đầu không tham gia CLB, mời đến tham gia hay đến tận nhà mời thì người chồng thường chống chế bằng những lý lẽ như “vợ tôi tôi dạy, mắc chi mấy người”, “chuyện nhà người ta động gì đến ai”... Tuy nhiên, ông Hạnh kiên trì liên tục lui tới để thuyết phục, dần dà rồi những người chồng ấy cũng cho vợ tham gia hoặc bản thân cũng tham gia CLB. Khi xảy ra bạo lực gia đình, các thôn mời vợ chồng đến làm việc riêng để giải quyết. Trong sinh hoạt, các CLB tập trung tuyên truyền, phổ biến luật và những câu chuyện liên quan chứ không kiểm điểm cá nhân nào đó trước toàn thể thành viên CLB.
Nhà của những người gồm chủ nhiệm CLB, thôn trưởng, trưởng chi hội phụ nữ, công an viên, trưởng ban công tác mặt trận thôn trở thành những địa chỉ tin cậy, hay còn gọi là nhà tạm lánh cho những người bị bạo lực. Nhà tạm lánh luôn mở cửa bất cứ lúc nào có người kêu cứu giúp đỡ, dù là chủ nhà đang đi làm cũng phải chạy về hay đang đêm ngon giấc cũng tỉnh dậy giúp đỡ nạn nhân. Nhà bà Đỗ Thị Thu Hương - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Thanh Khê là một địa chỉ như thế. Bà Hương tâm sự: “Nửa đêm nửa hôm có người chạy đến kêu cứu mình phải can thiệp, can thiệp thì bị vạ lây, bị đe dọa nhiều lần, nhưng phải can thiệp để giúp người bị bạo lực. Trước khi xây dựng mô hình, trong thôn có hơn 10 gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, trừ vài ba trường hợp đã ly hôn, còn lại đều hết bạo lực. Vì người vợ không nói ra nên bạo lực tinh thần chúng tôi không rõ có còn âm ỉ hay không, chứ bạo lực thân thể thì đã hết”.
DIỄM LỆ