Ngay từ bây giờ, huyện Điện Bàn đã có kế hoạch, phương án đối phó với mùa mưa bão sắp tới.
Bài học kinh nghiệm
Năm 2013, Điện Bàn bị thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai gây ra. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện, địa phương có 3 người chết và 45 người bị thương. Tài sản bị thiệt hại khoảng trên 150 tỷ đồng, chưa tính hậu quả mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn phải gánh chịu. Trong đó, bão số 11 đổ bộ khiến cho 2 người chết và bị thương 40 người. Toàn huyện có 79 nhà sập hoàn toàn, sập trên 50% có 4 nhà, 527 nhà bị tốc hết mái. Gió bão khiến cho trụ sở các hợp tác xã nông nghiệp bị tốc mái 1.434m2, sạt lở 2.432m3 kênh mương, hơn 32 nghìn con gia cầm các loại bị chết… Cơ sở vật chất trường học, y tế, cơ quan, đơn vị cũng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Bão số 11 năm 2013 gây thiệt hại nặng cho người dân ở Điện Bàn. Ảnh: Công Tú |
Theo ông Đặng Hữu Lên - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện Điện Bàn, thực tế cho thấy một bộ phận dân cư còn mang tư tưởng chủ quan, nhất là chằng chống nhà cửa. Khi có dự báo bão cận kề, họ mới vội vã thực hiện dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Giữa nhà trường và gia đình chưa phối hợp tốt trong việc quản lý con em lúc lũ lụt lên nhanh, nên xảy ra những sự cố thương tâm. Khâu gia cố, đảm bảo an toàn trụ sở làm việc ở một số đơn vị chưa triển khai đảm bảo, đâu đấy chủ yếu còn mang nặng tính hô hào, nói nhiều mà hành động ít. Tại địa phương cơ sở, lực lượng ứng cứu trường hợp nguy cấp quá mỏng dẫn đến công tác ứng phó cũng như khắc phục hậu quả gặp khó khăn.
Kinh nghiệm “sống chung” với mưa gió, lũ lụt cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể trong công tác PCLB&TKCN là hết sức quan trọng. Cần thiết phải có sự thống nhất, phối hợp kịp thời và cụ thể đến từng vùng, từng địa phương. “Dựa vào lực lượng vũ trang để có kế hoạch xây dựng đội ngũ xung kích và trang bị phương tiện làm nhiệm vụ đột xuất khi có thiên tai xảy ra. Quy hoạch phát triển xã hội ở mọi cấp, mọi nơi cần phải tính đến yêu cầu PCLB&TKCN để hạn chế thiệt hại và tương lai đi lên bền vững. Các công trình xây dựng phải chú ý đến tiêu chuẩn phòng chống lụt bão, coi đây là nội dung phải thực hiện trong quá trình phê duyệt hồ sơ thiết kế xây dựng công trình” - ông Đặng Hữu Lên bày tỏ.
Chủ động ứng phó
“Để hạn chế thiệt hại do mưa bão, hạn hán năm 2014 và những năm tiếp theo, Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cũng như các sở, ban ngành tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng cho lực lượng quân sự, công an. Hỗ trợ lớp dạy lái thuyền cho cán bộ xã; tập huấn kỹ năng cho đội xung kích xã, thị trấn và các thôn, khối phố. Xây dựng trạm quan trắc thủy văn tại cầu Vĩnh Điện; từng bước dự báo khí tượng thủy văn cho từng khu vực trên địa bàn huyện. Hỗ trợ làm kè ở các điểm sạt lở xung yếu, đầu tư nâng cấp hệ thống đê, kè đang xuống cấp; đồng thời xây dựng đập kiên cố ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện”. (Ông Đặng Hữu Lên- Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn) |
Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão năm 2014, Điện Bàn và các xã, thị trấn đã nghiêm túc tổ chức họp bàn về các tình huống có thể xảy ra và phương án chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Mọi thành viên đều xác định, công tác PCLB&TKCN là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chính vì vậy, từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan đơn vị, hộ gia đình phải làm tốt công tác chuẩn bị trước mọi tình huống bằng tinh thần “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác ứng phó thiên tai, mà trọng tâm là lấy địa bàn thôn, xóm và hộ gia đình làm cơ sở. Mỗi thôn, khối phố tổ chức đội, tổ xung kích để hỗ trợ nhân dân trước, trong và sau lụt bão.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN Điện Bàn cho biết, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát tất cả đối tượng dễ bị tổn thương do lụt bão theo từng cấp báo động và địa điểm có khả năng bố trí nhân dân sơ tán cho từng đối tượng; ưu tiên sơ tán xen ghép nơi cộng đồng. Trước mùa mưa bão, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phạm vi của gia đình mình như: Chằng chống nhà cửa; bảo quản tài sản tránh bị ngập ướt; dự trữ lương thực, nước uống trong khoảng 15 ngày khi có dự báo bão lụt sắp xảy ra; thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ việc đi lại của con em mình... Khi có thông tin bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở biển Đông thể hiện xu hướng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Điện Bàn; hoặc dự báo xuất hiện lũ xấp xỉ và trên báo động III, Đài Truyền thanh - truyền hình Điện Bàn tăng thời lượng phát sóng để thông báo diễn biến và truyền đạt nội dung chỉ đạo của cấp trên đến mọi người dân. Tuyên truyền đến tận địa bàn dân cư thông qua hệ thống loa truyền thanh thôn, khối phố và hệ thống loa cầm tay.
Điện Bàn cũng lưu ý phải đảm bảo duy trì tổ chức trực ban và lực lượng thường trực suốt 24/24 giờ trong lúc thiên tai diễn ra. Theo ông Chơi, giữa từng địa bàn cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện, kịp thời thông tin tình hình lụt bão và thiệt hại tại địa phương. Ngay sau bão lụt đi qua, các địa phương lập tức vận động nhân dân gia cố nhà cửa, chặt cây cối thông đường, vệ sinh môi trường. Tổ chức lực lượng kịp thời hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả bão lụt, nhất là sớm đảm bảo hệ thống trường lớp, y tế, cắm biển cảnh báo các đoạn đường nguy hiểm. Các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.
CÔNG TÚ