Giàn khoan thứ hai xuống biển Đông: Trung Quốc bất chấp tất cả

KIM OANH 21/06/2014 10:11

(QNO) - Bất chấp căng thẳng leo thang tại biển Đông kể từ ngày 1.5 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chính quyền Bắc Kinh xác nhận họ đã kéo một giàn khoan thứ hai đến biển Đông.

Hải Nam 9 hồi còn mang tên Transocean Richardson.
Hải Nam 9 hồi còn mang tên Transocean Richardson.

Trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, giàn khoan thứ hai mang tên Nan Hai Jiu Hao hay Nam Hải 9, dài 600m, từ ngày 18 - 20.6 được lai dắt từ tọa độ 17 độ 38 phút vĩ Bắc, 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trên biển Đông. Theo đài phát thanh quốc tế Pháp, nếu như Hải Dương 981 là giàn khoan thuộc sở hữu của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), thì Nam Hải 9 là một giàn khoan đã được CNOOC bán lại cho Công ty dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL). Đáng nói, việc đưa giàn khoan thứ hai xuống biển Đông là một hành động khiêu khích mới của Trung Quốc.

Tọa độ xuất phát của giàn Nam Hải 9 từ đảo Hải Nam trong khi điểm đến của nó là khu vực cửa vịnh Bắc bộ, nơi Việt - Trung vẫn đang đàm phán để phân định giữa hai bên. Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Cảnh sát biển đã, đang và sẽ theo dõi sát sao giàn khoan Nam Hải 9 và chuẩn bị các phương án đối phó với mọi tình huống.

Trong khi Việt Nam càng hòa dịu, tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình thì phía Trung Quốc lại càng hung hăng lấn tới mà cộng động quốc tế đánh giá là ngang ngược và khiêu khích, coi thường luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh khu vực. Khi ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đang ở Việt Nam tham dự cuộc họp Liên ban chính phủ Việt - Trung ngày 18.6, ông Trì tuyên bố: “Hai bên cần kiên trì trao đổi song phương, thông qua nỗ lực chính trị và ngoại giao, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng, kiểm soát cũng như nhanh chóng ổn định tình hình” thì bên kia, Trung Quốc cho lai dắt Nam Hải 9 vào khu vực biển Đông. Một ngày sau đó, tức 19.6, tàu Kiểm ngư Việt Nam số hiệu 762 bị tàu Trung Quốc số hiệu 242 đâm vào mạn trái đài chỉ huy làm toàn bộ phần boong trung từ đài chỉ huy đến sau lái bị lõm sâu vào trong 70cm, dài 20m…

Đài phát thanh quốc tế Pháp viết, song song với chiến pháp “tung giàn khoan giành lãnh thổ”, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chiến lược “ngoại giao vu khống”, đổ lỗi cho Hà Nội là bên gây hấn, trong lúc căng thẳng lại phát sinh từ chính vụ giàn khoan Hải Dương 981 rồi nay đến Nam Hải 9. Còn hãng tin Reuters của Anh, Trung Quốc tỏ rõ thái độ “kẻ cả”. Bên cạnh thái độ hung hăng của Trung Quốc là thái độ hòa nhã của Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam nhưng vẫn kiên quyết, tố cáo Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, đe dọa ổn định khu vực và đòi Bắc Kinh phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Bà Tôn Vân - chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ) nói: “Sẽ phải còn chờ xem địa điểm hạ đặt cuối cùng của giàn khoan Nam Hải 9 là ở đâu, nhưng có vẻ động thái đưa nó ra biển Đông vào thời điểm này đã được tính toán kỹ lưỡng. Quyết định này cho thấy Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ con đường khẳng định cái gọi là chủ quyền theo phương thức cưỡng bức”.

KIM OANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giàn khoan thứ hai xuống biển Đông: Trung Quốc bất chấp tất cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO