Đó là mục tiêu của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh ban hành. Kế hoạch nêu rõ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Cụ thể, phấu đấu đến năm 2030 có 70% số sở, ban ngành, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 100% cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có cán bộ chủ chốt là nữ, nếu trong cơ quan tổ chức có tỷ lệ nữ cán bộ công chức, viên chức, người lao động từ 30% trở lên. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực y tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Cụ thể, hàng năm, trong số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực GD-ĐT, theo chỉ tiêu kế hoạch, tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 95% vào năm 2020. Đồng thời bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực văn hóa và thông tin, từng bước xóa bỏ bạo lực và nâng cao nâng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới…
Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể đối với công tác bình đẳng giới. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Các sở, ban ngành, đơn vị cấp tỉnh và mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch hành động bình đẳng giới đến năm 2020 tại đơn vị mình…
BẢO NGUYÊN