Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường. Trong tháng 2, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, xử lý 153 vụ gian lận thương mại, nộp ngân sách gần 35 tỷ đồng.
Phức tạp
Trong tháng 2, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tiến hành kiểm tra 101 vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử lý 70 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 272 triệu đồng. Riêng Đội Quản lý thị trường số 1 phụ trách địa bàn TP.Tam Kỳ ngoài tịch thu 7 túi xách, 4 ba lô, 13 xích cao su các loại, đang tạm giữ 18 ghế đa năng, 3 máy phun chất lỏng, 8 máy nén khí, 320kg mũ bảo hiểm các loại, 660kg chậu nhựa, 1 máy xúc, 1 xe lôi 3 bánh, 2 máy nén khí...
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng, diễn biến trên thị trường quá phức tạp, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, khi phát hiện thì liều lĩnh chống trả. Đội Quản lý thị trường số 4 phụ trách địa bàn huyện Thăng Bình đang tạm giữ 640kg áo quần may sẵn, 105kg vải, 628kg phụ kiện cửa, 21 máy nghiền đậu của các đối tượng gian lận thương mại. Theo ông Nguyễn Xuân Hữu - phụ trách Đội Quản lý thị trường số 4, phải thường xuyên trinh sát, nắm sát tình hình thị trường để phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ở khu vực miền núi, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng rất cam go. Đội Quản lý thị trường số 9 phụ trách các huyện miền núi và khu vực đường Hồ Chí Minh đang tạm giữ 39kg giấy dán tường, 511kg hàng dệt may, 228 đôi giày dép, 275kg mỹ phẩm, 138 ba lô, túi xách, 117 kính đeo mắt, 88 đồng hồ các loại, nhiều hàng hóa gian lận thương mại là tai nghe, thắt lưng, sữa, nồi cơm điện, hàng điện gia dụng, xe đẩy trẻ em, bếp từ, máy lau nhà...
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quảng Nam, trong tháng 2, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa đã gian lận thương mại với các hành vi buôn lậu, bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Rất báo động đối với nhiều mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, lâm sản, thuốc lá, hàng dệt may, điện tử gia dụng, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, qua đấu tranh đã xử lý 1 vụ sang mạn xăng không có giấy tờ hợp lệ trên biển, thu nộp ngân sách hơn 26,5 tỷ đồng.
Diễn biến khó lường
Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, tính đến ngày 1.3 đã xử phạt 2,5 triệu đồng đối với các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, nhà thuốc trên địa bàn về hành vi không niêm yết giá hàng hóa dịch vụ tại địa điểm bán hàng bắt buộc phải niêm yết giá. Theo ngành chức năng, dịch bệnh Covid-19 đã kéo theo sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng vật tư thiết bị y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, các loại thuốc tăng cường miễn dịch... Ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, có tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán khẩu trang; sản xuất khẩu trang, dung dịch sát khuẩn giả, kém chất lượng và thu gom, buôn lậu vật tư y tế.
Theo Công an tỉnh, thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả rất gian nan. Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 32 vụ việc nghiêm trọng với sự tham gia của 2 tổ chức gồm 53 cá nhân vi phạm pháp luật.
Theo đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước 390 triệu đồng (xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng, bán hàng tịch thu 40 triệu đồng). Ngành chức năng đã khởi tố nhiều bị can về “vận chuyển hàng cấm”, “buôn bán hàng cấm” với vật chứng là pháo nổ. Ngoài ra, khởi tố 1 bị can về “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 bị can về “mua bán trái phép hóa đơn”, 18 bị can về “tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy”. Cũng liên quan đến ma túy, Công an TP.Tam Kỳ phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 2 xác minh, trinh sát, đấu tranh triệt phá 4 vụ án về ma túy, bắt giữ 8 đối tượng trong tháng 2.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế mở, Nhà nước tạo thuận lợi với nhiều chính sách thương mại, hợp tác buôn bán, trao đổi hàng hóa với nước ngoài, năm 2020 dự kiến gian lận sẽ diễn biến khó lường, phức tạp hơn. Các ngành chức năng trên cơ sở nhiệm vụ phân công rõ ràng, cần phối hợp chặt chẽ hơn để chủ động đấu tranh, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, tạo môi trường trong sạch để phát triển thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn - Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quảng Nam, trong tháng 3, các ngành chức năng cần khẩn trương vào cuộc, năng nổ quản lý giá hàng hóa, chống bán hàng không theo giá niêm yết, kiểm soát tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa tin, bài về những vụ việc, đối tượng vi phạm điển hình, có tính chất phức tạp, nghiêm trọng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để tạo chuyển biến nhận thức về buôn bán, sản xuất hàng hóa theo quy định của pháp luật, ổn định thị trường tiêu dùng.