(QNO) - Hội hoa xuân TP.Tam Kỳ năm nào cũng đón hàng trăm chủ nhà vườn, cây cảnh và người bán hoa từ khắp nơi như Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam), Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thức với họ nhiều đêm ở Quảng trường mới hay ngoài chuyện dầm sương dãi nắng, không ai không mang tâm trạng thấp thỏm không yên khi đồng hồ gõ nhịp gần đến giao thừa…
Dầm sương dãi nắngAnh Nguyễn Duy Thiên (xã Tịnh Hòa, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) như đã quen với cuộc sống màn trời chiếu đất khi có thâm niên hàng chục năm với nghề bán hoa tết. Anh ngậm ngùi kể: “Cứ tối đến, tôi tìm chỗ nào trống như gốc cây, ghế đá thì chui vô ngủ đại. Muỗi cắn mãi cũng thành quen vì giữa bãi hoa thế này nếu có giường thì kiếm đâu ra chỗ mắc màn”. Anh Thiên bảo: vì đi một mình từ Quảng Ngãi ra TP. Tam Kỳ bán hoa, chẳng có ai theo lo chuyện cơm nước, ngủ nghỉ nên không dựng được lều tạm đành chấp nhận cảnh tối đến quấn chăn để chống ngủ mà khỏi bị lạnh bởi sương.
|
Tưới nước cho hoa, công việc được thực hiện từ 4 giờ sáng đến khoảng 8 giờ mới xong. |
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Một mang theo 100 chậu quất từ Hội An lên Tam Kỳ từ khoảng 20 tháng Chạp tham gia Hội hoa xuân TP.Tam Kỳ. Hành trang anh Một mang theo chỉ có chiếc giường xếp, tấm mền cũ và chiếc màn. “Mình bán ít cây, lô đất nhỏ nên cứ tối đến là vác mền màn đi ngủ nhờ ở các lán trại khác. Vả lại chỉ mình tôi nên làm lều rắc rối, đụng đâu ngủ đó cũng dễ dàng” - anh Một tâm sự.Không chỉ lo cái ngủ mà cái ăn uống cũng là điều khiến nhiều người bán hoa tết mệt mỏi, một phần vì không hợp khẩu vị, không đảm bảo vệ sinh mà giá cả khá đắt đỏ. Sau vài ngày ăn cơm hộp, ông Trần Phước Hùng (Đại Lộc) cùng các con, cháu bắt đầu ngán ngẩm vì cảnh cơm lúc khô lúc nhão, thức ăn không được tươi ngon. Bí thế ông Hùng đành bảo người con gái tìm nhà người thân ở Tam Kỳ xin nấu nhờ mang cơm ra hàng hoa ăn hằng ngày. Ông Hùng nói thêm: “Mấy bữa đầu mua cơm hộp nhưng tôi lo cho sức khỏe mấy đứa cháu đi cùng nên đành nhờ vả người quen rồi bảo con gái đi chợ nấu ăn. Vừa hợp vệ sinh mà lại tiết kiệm nữa”.
|
Mệt mỏi đợi khách mua hoa. |
Không may mắn có nơi nấu nướng như ông Hùng, ông Võ Văn Đô (xã Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đành cùng 3 đứa cháu đi cùng cứ thay phiên nhau lùng khắp TP.Tam Kỳ để tìm kiếm quán cơm ngon hơn. Và thay đổi quán cơm cũng là cách đổi khẩu vị tránh ngán ăn. Ông Đô chia sẻ: “Chưa biết qua chuyến bán hoa này các cháu nó có sụt ký nhiều không chứ tôi lớn tuổi cứ thấy cơm hộp là nuốt không trôi. Buổi sáng thì có mấy người bán đồ ăn dạo ngay trong khu vực bán hoa, không biết có sạch sẽ gì không nhưng cũng phải nhắm mắt mà ăn lấy sức bán. Khổ hơn là ăn quán đắt quá, bốn người chúng mỗi ngày mất gần 500 nghìn tiền ăn, tính ra hơn 10 ngày đi bán hoa tốn kém 5 triệu đồng tiền ăn uống chưa kể tiền nước uống, cà phê, thuốc lá cho các cháu nó.”
Nỗi lo ế ẩm“Khách bây giờ họ tinh lắm, chẳng bao giờ chịu mua hoa trước ngày 29 âm lịch cả dù mua trước thì hoa sẽ đẹp hơn, tươi hơn. Họ đợi đến ngày cuối năm mới mua hoa nhằm ép chúng tôi bán giá bèo, rẻ mạt hơn”. – ông Trần Phước Hùng chua chát nói. Ông Hùng vào tận vườn ở Quảng Ngãi để chọn 400 chậu cúc đại đóa đẹp. Ấy vậy mà đến khuya ngày 28 âm lịch, đếm lại số chậu, ông Hùng thấy thất vọng lắm vì chưa bán được phân nửa số chậu cúc. “Chỉ còn ngày hôm nay (29 tháng chạp) nữa là tết rồi, cầu mong sao bà con mua nhiều và đừng ép giá chúng tôi. Giờ giá cúc đã bị khách ép giảm xuống từ 50 đến 200 ngàn đồng một chậu rồi, ép giá thấp quá chắc chúng tôi mang hoa về nhà trưng tết chứ chẳng muốn bán lỗ làm gì” – ông Hùng buồn bã.
|
Ông Lê Công Hải mệt mỏi, thất vọng ngồi bệt xuống vỉa hè vì đến ngày tất niên mà vẫn còn gần 100 gốc mai chưa bán được. |
Cùng nỗi lo với ông Hùng, ông Võ Văn Đô đang lo lắng cho số phận của gần 400 chậu cúc đang nằm đợi người mua. Có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng và bán hoa, đằng đẵng 5 tháng ròng chăm sóc các chậu cúc của ông trổ rộ đúng dịp tết. Ông Đô vui mừng cùng 3 đứa cháu thuê xe chở 600 chậu ra đất Tam Kỳ với hi vọng bán hết sẽ thu được 10 triệu đồng tiền lãi về chia nhau. Nhưng khổ nỗi, cầu vượt quá cung cộng với tâm lý khách hàng ép giá, đến ngày cuối rồi mà 400 chậu cúc vẫn cứ nằm đó chẳng thấy một tín hiệu mua tấp nập nào. “Mấy chậu bán rồi chủ yếu bán cho các cơ quan, doanh nghiệp họ đi mua cúc đẹp và một bộ phận người dân có tiền mà thôi. Tiền thuê xe chở ra đã gần 3 triệu, thuê bãi hết 10 triệu nữa nếu bán không hết thì tết này tui trắng tay”, – ông Đô thở dài nhìn bãi cúc vàng rực vẫn còn đầy của mình.Ảm đạm hơn, những bãi mai đã trổ bung bông vàng khắp cả vùng tại Hội chợ hoa xuân TP.Tam Kỳ mà chẳng khách đoái hoài đến. Khách đến thì đông lắm nhưng cũng chỉ thưởng lãm, bình luận rồi đi mà chẳng hề hỏi han người bán. Có chăng khi hỏi giá cũng hỏi cho biết rồi lắc đầu bảo sao đắt thế! Ngồi bệt xuống vỉa hè, ông Lê Công Hải (Cát Tường, Phù Cát, Bình Định) thở dài ngao ngán: “Chắc lỗ nặng rồi các chú ạ. Đêm 19 tháng Chạp thuê chiếc xe tải chở 120 gốc mai ra đây hết 7 triệu tiền xe mà giờ mới bán được 20 gốc. Hi vọng sao trước gia thừa tối nay tui bán được phân nửa lấy tiền về xe là may mắn lắm rồi. Kiểu này năm sau tui bỏ bán ở bãi ngoài này”. Có chăng tín hiệu vui chỉ dành riêng cho những người bán quất vì loại cây này được người dân chuộng hơn nhiều. Tuy nhiên, so với công sức của người bán ra thì cũng chẳng thấm bao nhiêu. Anh Nguyễn Một nói: “Giá sàn bán ra cho một chậu quất thấp quá từ 400 trở lên tùy chậu. Bán hết thì lãi được tiền công mình trồng chứ không thì lỗ tiền xe, tiền ăn ở. Tôi may mắn và đỡ lo hơn những người khác vì mình trồng ở nhà nếu bán không hết thì đem về chăm sóc năm sau lại bán. Chứ nhiều người mua bán lại thì chẳng có đất mà chăm sóc, giữ cây lại được đành bán lại cho các chủ vườn họ lại ép giá rẻ mạt cũng phải bán chứ không biết làm sao.
|
Tranh thủ trải tấm bạt, ông Trần Quốc Hùng và các cháu ăn vội bữa cơm trưa đạm bạc để lấy sức bán hoa. |
Nỗi lo lời lỗ càng thêm nặng trĩu khi người bán hoa chia sẻ tiền thuê bãi ở khu vực Tam Kỳ là khá cao so với các địa phương lân cận khác, bốc vác, xe ôm cũng thừa cơ nâng giá, giá chở hoa lên vì hầu hết những người bán hoa đều không phải người địa phương nên “lạ nước lạ cái” chẳng biết nhờ vả ai. Ông Lê Công Hải tâm sự: “Tiền thuê bãi ngốn gần 13 triệu rồi, mà bốc vác ở đây làm khó quá, tôi đánh xe mai ra họ ép giá bốc 30 nghìn đồng/gốc xuống cũng đành chịu chứ không ai bốc, mà sau này cũng sợ họ gây khó khăn. Không biết bán buôn thế nào chứ tiền bãi, tiền bốc vác đã làm chúng tôi mất đi nhiều hơn khoản tiền lãi đáng ra chúng tôi và gia đình được hưởng”.
|
Chỗ ngủ thế này là tốt nhất với những người bán hoa rồi. |
Chẳng ai biết quanh năm người bán hoa dành dụm vốn liếng mới đi buôn một chuyến, cũng chẳng ai biết họ nằm đất ngủ sương và cũng chẳng ai biết họ chưa bao giờ đón giao thừa với gia đình, trở về nhà là cái tết đã đến rồi. Chỉ biết, mỗi ngày bán hoa càng thêm khó khăn, người bán hoa vì mưu sinh đã chấp nhận tất cả như đánh một canh bạc được ăn cả ngã về không”, mà qua cái khoảnh khắc thiêng liêng lúc giao thừa mới biết kẻ thắng người thua. Tết với những người đi bán hoa là một cuộc trở về với phần nhiều những nỗi buồn, mệt mỏi hơn cái vui đúng ra họ phải có trong mùa xuân.
DOÃN HOÀNG - ĐOÀN ĐẠO