Đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy chưa bao giờ là dễ dàng với lực lượng chức năng, mỗi gia đình và toàn xã hội. Với những người từng sa vào khói trắng càng cần nghị lực, ý chí để vượt qua cám dỗ, làm lại cuộc đời.
CÁM DỖ VỚI NGƯỜI TRẺ
Trong nhiều vụ sử dụng ma túy và tổ chức sử dụng ma túy trái phép bị phát hiện gần đây, các đối tượng hầu hết có độ tuổi khá trẻ. Những loại ma túy được sử dụng thường là ma túy tổng hợp, ma túy dạng “đá” gây ra ảo giác, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật.
Tội phạm “trẻ hóa”
Con số thống kê được Bộ Công an đưa ra, trong số hơn 200 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đối tượng dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến 30 tuổi chiếm gần 50%. Có khoảng 60% sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 đến 25 - độ tuổi này ngày càng bị trẻ hóa.
Cùng với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại của ma túy tổng hợp, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 13 - 14 tuổi đã sử dụng ma túy. Đó chính là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của ma túy đối với giới trẻ.
Vào cuối tháng 6.2022, Công an TP.Tam Kỳ đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt giam 2 bị can gồm Trần Quốc Ninh (SN 2001) và Võ Tân (SN 2000, cùng trú Phú Ninh) để điều tra hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Theo cơ quan điều tra, các đối tượng liên quan đến ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp thường rất trẻ, phần lớn dưới 25 tuổi.
Đáng chú ý, vào tháng 4.2021, đơn vị này bắt giữ hai đối tượng Lê Đức Trí (SN 2001) và Nguyễn Đức Truyền (SN 2001, cùng trú Tam Kỳ), có liên quan đến vụ mua bán 200 viên thuốc lắc và 50g ketamine (ma túy đá). Đây là vụ mua bán ma túy với lượng tang vật khá lớn, mà cầm đầu là hai thanh niên chỉ mới 20 tuổi trên địa bàn Tam Kỳ được cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ.
“Ma trận” ma túy
Tình hình tội phạm ma túy gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lo nhất là nguy cơ sử dụng ma túy tổng hợp đang lan rộng ở giới trẻ; phương thức và thủ đoạn của các đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng loại ma túy này ngày càng tinh vi, manh động hơn.
Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, thời gian qua đã phát hiện hàng loạt vụ việc sử dụng ma túy trái phép trong các quán karaoke, nhà nghỉ.
“Phần lớn các đối tượng đều có tuổi đời rất trẻ. Do lối sống thiếu lành mạnh, thích hưởng thụ, ăn chơi, các đối tượng này tụ tập sử dụng thuốc lắc, ma túy đá. Có vụ việc chúng tôi phát hiện hàng chục đối tượng sử dụng ma túy trong cùng một quán karaoke. Đây là thực trạng đáng báo động, cần có sự vào cuộc của nhiều cấp ngành, nhiều đơn vị để từng bước ngăn chặn, phòng ngừa” - Thượng tá Phan Thanh Hồng cho hay.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy với những tác hại khôn lường đến sức khỏe, nhận thức của thanh thiếu niên, gia tăng nguy cơ phát sinh tội phạm.
Tội phạm ma túy được đánh giá là “tội phạm của tội phạm”, rất tinh vi, xảo quyệt, cùng nhiều phương thức thủ đoạn và thường xuyên thay đổi. Trong thời gian gần đây, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ nhiều loại ma túy dạng mới khác được ngụy trang dưới nhiều hình thức, vỏ bọc hết sức tinh vi. Các loại ma túy này gây rối loạn cảm xúc, lo lắng, căng thẳng, ảo giác, rối loạn tâm thần và ý thức thoát ly thực tại.
Đặc biệt nguy hiểm hơn là từ mạng xã hội, nhiều đối tượng đã tìm cách lôi kéo thanh thiếu niên sử dụng các loại ma túy mới dạng “cỏ Mỹ” (thảo mộc tẩm ướp hóa chất có tác dụng gây ảo giác như cần sa), “tem giấy” và “nấm thần” bên cạnh các loại ma túy tổng hợp như ketamine, thuốc lắc.
Những loại ma túy này hình thành một “ma trận”, gây tò mò cho các bạn trẻ, khiến nhiều người trẻ thiếu kiến thức, bản lĩnh, không được kịp thời giáo dục trở thành nạn nhân, sử dụng và dần dần trở thành tội phạm liên quan đến ma túy…
PHẠM TỘI TINH VI
Nếu trước đây, tội phạm ma túy tập trung ở các bãi vàng thì đến nay xuất hiện ở hầu hết địa phương, từ thành thị lan sang các vùng nông thôn hẻo lánh. Không gian hoạt động của tội phạm ma túy càng khó kiểm soát.
Quyết liệt ngăn chặn
Tiên Phước là địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy. Trong những năm qua, Công an huyện đã quyết liệt phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy.
Như vụ việc vào ngày 13.8.2021, Công an huyện phát hiện, bắt quả tang Lê Hoàng Khải (sinh năm 1991, thôn 4, Tiên Lộc) đang bán trái phép chất ma túy cho đối tượng nghiện, đã tạm giữ 1 gói ma túy đá khối lượng 0,04g.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng, Công an huyện tạm giữ một gói ma túy, khối lượng 0,5g, 1 gói thảo mộc có chứa chất ma túy, các đồ vật để sử dụng ma túy... Khám xét khu đất bên ngoài cửa sổ nhà đối tượng, công an còn phát hiện, tạm giữ 3 gói ma túy đá có khối lượng 30,71g.
Công an huyện cho biết trong 3 năm gần đây đã phát hiện, bắt giữ 33 vụ/34 đối tượng phạm tội ma túy, tạm giữ 46,846g heroine, 34,23g ma túy đá; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 85 vụ/213 đối tượng sử dụng ma túy, phạt tiền 169 triệu đồng; lập hồ sơ đưa 179 lượt đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đồng thời tham gia vận động gần 200 lượt người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện bằng Methadone. Công an các xã, thị trấn tham mưu Chủ tịch UBND xã, thị trấn ra Quyết định quản lý sau cai nghiện với 27 đối tượng đã thực hiện xong việc cai nghiện ma túy.
Thượng tá Lê Thanh Phát - Trưởng Công an Tiên Phước cho biết, nhờ quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm mà từ địa bàn có 1 xã trọng điểm loại I về ma túy và 6 xã trọng điểm loại III về ma túy năm 2019, đến nay giảm xuống chỉ còn 3 xã trọng điểm loại III về ma túy.
“Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh nên người dân rất sợ, không dám tố giác. Hiện xuất hiện nhiều loại chất gây nghiện, chất kích thích không nằm trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, việc bổ sung các chất này vào trong danh mục chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý” - Thượng tá Phát cho biết.
Thủ đoạn tinh vi
Tháng 3.2022, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh phối hợp các lực lượng nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh với nhóm đối tượng chuyên cung cấp ma túy tại các quán karaoke, bar, pub do Ngô Thị Tố Anh (SN 1993, Bình Nguyên, Thăng Bình) cầm đầu.
Thông qua mạng xã hội, người mua ma túy sẽ liên lạc, thỏa thuận cách giao dịch. Các đối tượng này hoạt động khá tinh vi, thường chỉ bán ma túy cho “mối quen” và tìm mọi cách để xóa dấu vết giao dịch. Phải mất rất nhiều thời gian công an mới lần ra manh mối, bắt giữ nhóm đối tượng, thu giữ lượng lớn tang vật gồm 84 viên thuốc lắc và 34 gói ma túy dạng đá (ketamine).
Một điều tra viên chia sẻ, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng ma mãnh, đặt ra thách thức lớn cho lực lượng phòng chống tội phạm ma túy. Tội phạm ma túy hoạt động tinh vi, chặt chẽ hơn, có tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể từ khâu liên lạc, giao nhận ma túy, cảnh giới cơ quan chức năng. Địa bàn hoạt động cũng rộng hơn, không theo quy luật cụ thể nào.
Mạng xã hội được các đối tượng khai thác triệt để trong việc tạo các nhóm kín, phục vụ giao dịch ma túy. Khi vận chuyển, mua bán ma túy, các đối tượng thường sử dụng nhiều loại phương tiện, ngụy trang trong các gói trà, thuốc, dùng nhiều tài khoản thanh toán đứng tên người khác để thanh toán trực tuyến nhằm che giấu tung tích, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
VƯỚNG MẮC CAI NGHIỆN TẬP TRUNG
Cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Nam (xã Sông Trà, Hiệp Đức) từ đầu năm 2022 đến nay gặp nhiều vướng mắc, không thể tiếp nhận học viên vào cai nghiện tập trung.
Theo Cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Nam, từ ngày 1.1.2022, Nghị định 116 ngày 21.12.2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực, thì việc tiếp nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện theo quy định, số lượng học viên (HV) được tiếp nhận giảm mạnh so với các năm về trước.
Từ đầu năm đến ngày 12.7.2022, Cơ sở chỉ tiếp nhận được 19 HV vào cai nghiện (gồm 14 HV cai nghiện bắt buộc, 5 HV cai nghiện tự nguyện). Tổng số HV đang có mặt tại Cơ sở là 86 HV.
Ông Nguyễn Thanh Trung - Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Nam cho biết: “Việc số lượng HV được tiếp nhận, quản lý HV cai nghiện tại Cơ sở giảm mạnh như hiện nay là do trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116 vẫn còn khó khăn, vướng mắc nhất định.
Đồng thời chưa có Quy chế phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 109 ngày 8.12.2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy.
Do đó, việc phối hợp giữa Cơ sở cai nghiện ma túy với các địa phương trên địa bàn tỉnh để xác định tình trạng nghiện còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đa số địa phương chưa thể xác định tình trạng nghiện để tiến hành các quy trình, thủ tục tiếp theo nhằm đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Ngoài ra, theo ông Trung, theo quy định của các văn bản trước đây về diện tích phòng ở của mỗi HV là 4m2/người, thì tổng diện tích phòng ở của Cơ sở có khả năng quản lý 250 học viên. Nay quy định diện tích phòng ở bình quân là 6m2/người, đối với HV phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày thì diện tích phòng ở bình quân là 8m2/người.
Do đó, khả năng quản lý HV của Cơ sở giảm xuống chỉ còn 155 HV. Con số này còn quá thấp so với tổng số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Cơ sở vẫn chưa được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý đối với người được tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại Điều 112, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cơ sở đã được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và bổ sung nhân lực để quản lý nhóm đối tượng này.
Hiện cơ sở cũng không có bác sĩ để phụ trách công tác cắt cơn, giải độc và điều trị bệnh cho học viên mà chỉ có y sĩ. Theo ông Trung, việc tuyển dụng bác sĩ gặp khó do vị trí công việc nhiều khó khăn, nguy hiểm và chưa có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với vị trí này.
PHAO CỨU SINH CHO NGƯỜI NGHIỆN
Nỗ lực điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone (điều trị Methadone) đang cho thấy những hiệu quả nhất định. Methadone được ví như “phao cứu sinh” cho những người nghiện, phần nào giúp họ trở lại cuộc sống bình thường…
Từ ngày 1.1.2022, Nghị quyết số 33 về Quy định mức thu dịch vụ và chính sách hỗ trợ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (thuốc Methadone) trên địa bàn tỉnh có hiệu lực.
Người tham gia điều trị nghiện được sử dụng thuốc Methadone miễn phí, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí thực hiện dịch vụ cấp phát thuốc, với khoảng 2,8 tỷ đồng/năm.
Hiệu quả từ Methadone
Vào 6h sáng hằng ngày, ở điểm uống thuốc Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam), lượt người đến uống Methadone khá đều đặn. Anh V. (trú Tam Kỳ) cho biết, cứ đầu ngày là anh đến điểm cấp phát thuốc này.
“Thời gian đầu uống Methadone, cũng khá mệt, Nhưng vài ngày sau thì ổn. Hơn 1 năm kiên trì tôi đã khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, không còn nghĩ đến những hành vi như xưa nữa. Bây giờ cũng thấy mình có thể từ bỏ được hẳn ma túy” - V. nói.
Những người tham gia điều trị Methadone tại CDC Quảng Nam phần lớn từ Tam Kỳ, Núi Thành, Trà My… Một số người thể hiện quyết tâm không sử dụng ma túy trở lại khi dùng Methadone liều cao. Đã có những người cai nghiện thành công và quay trở lại đăng ký được làm tình nguyện viên cho chương trình điều trị bằng Methadone ở cộng đồng.
Tại cơ sở cấp phát thuốc Methadone đặt ở Trung tâm Y tế Tiên Phước, số người tham gia điều trị nghiện có 163 người. Gia đình ông Đ. (Tiên Cảnh) khi được giới thiệu phương pháp cai nghiện bằng Methadone đã vui mừng và tìm đến cơ sở này để đăng ký điều trị sớm cho con.
Đại diện Trung tâm Y tế Tiên Phước cho biết, đa số người cai nghiện bằng phương pháp này đều cho rằng việc điều trị bằng Methadone ở ngay địa phương là giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho họ, giúp cuộc sống của họ ít bị xáo trộn, có thể vừa điều trị, vừa đi làm.
Tại Tiên Phước, 20% trong tổng số người điều trị cai nghiện bằng Methadone đã có việc làm ổn định, có thu nhập để làm lại cuộc đời của một người bình thường.
Tỷ lệ người điều trị còn thấp
Bác sĩ Võ Trường Lưu - Phó Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, phụ trách Cơ sở điều trị cai nghiện Methadone tại CDC Quảng Nam cho biết, số người tham gia điều trị cai nghiện bằng Methadone trên toàn tỉnh hiện nay là 469 trường hợp, trong khi có hơn 1.600 người nghiện có hồ sơ quản lý.
Chương trình điều trị Methadone bắt đầu triển khai tại Quảng Nam từ năm 2014 đến nay. Hơn 8 năm, toàn tỉnh có 1.076 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone.
Hiện Quảng Nam có 1 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và 5 cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Tỉnh cũng đã triển khai các điểm uống Methadone ở một số địa phương.
Trong năm này, mục tiêu chương trình điều trị Methadone của Quảng Nam là sẽ giảm 95% tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm 80% tần suất sử dụng và tiến tới ngừng ma túy trong nhóm tham gia điều trị.
Việc tham gia điều trị Methadone xuất phát từ nhu cầu của bệnh nhân, vì vậy các cơ sở điều trị không thể quyết định số bệnh nhân vào điều trị. Người nghiện ma túy chưa có sự giúp đỡ để tiếp cận với dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện chính là rào cản để chương trình điều trị Methadone triển khai rộng rãi hơn.
Hiệu quả từ chương trình điều trị Methadone đã được chứng minh. Tuy nhiên, vẫn rất cần sự chung tay của cộng đồng để chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone thật sự trở thành “phao cứu sinh” cho những người lỡ vướng vào ma túy…
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết: “Để điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone hiệu quả, ngoài sự quan tâm chăm lo, giúp đỡ của người thầy thuốc, gia đình và xã hội, còn rất cần sự quyết tâm của chính bệnh nhân - yếu tố này quyết định rất lớn đến sự thành công trong điều trị.
Bệnh nhân phải kiên trì uống thuốc hằng ngày chứ không được điều trị gián đoạn. Mục tiêu của điều trị duy trì bằng thuốc Methadone là giảm hoặc ngừng sử dụng bất hợp pháp heroin và các chất dạng thuốc phiện khác, cải thiện tình trạng sức khỏe, cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng ở những bệnh nhân đang điều trị”.
CHUNG TAY VÌ XÃ HỘI LÀNH MẠNH
Cuộc chiến với tội phạm ma túy, ngăn ngừa người nghiện ma túy gia tăng cần sự chung tay của toàn xã hội.
Hỗ trợ người sau cai nghiện
Hỗ trợ người sau cai nghiện quay lại con đường thiện lương cần có sự cộng đồng trách nhiệm. Như tại xã Tiên Thọ (Tiên Phước), anh T.V.Đ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, đoàn thể để từng bước quay lại làm ăn, nuôi đàn con thơ 5 đứa.
Nhưng gia cảnh đông con, hai vợ chồng anh Đ. vẫn là hộ nghèo. Xã Tiên Thọ đã phân công hội, đoàn thể vào cuộc, hỗ trợ cây con giống để anh trồng cây ăn quả trên diện tích 2ha đất vườn nhà.
Tính đến ngày 14.6.2022, trên địa bàn tỉnh có 1.684 người nghiện ma túy (trong đó 1.174 người nghiện có hồ sơ quản lý; hơn 70% người nghiện ma túy tổng hợp; 60,9% người nghiện trong độ tuổi 16 - 30); 156/241 xã, phường, thị trấn thuộc 16/18 huyện, thị xã, thành phố có người nghiện ma túy (trừ Tây Giang và Nông Sơn).
Anh Đ. tâm sự: “Hồi đó cũng vì ôm mộng đổi đời mà lên bãi vàng, đời cũng đổi nhưng theo hướng tệ hại, bệ rạc do ma túy. Nhìn đàn con, tôi phải nghĩ lại, quyết tâm.
Chỉ có quyết tâm của bản thân thì mới cứu nổi mình, nếu không sẽ bị rủ rê, cám dỗ trở lại ngay. Tôi mong sẽ được cảm thông và giúp đỡ cả về nguồn vốn làm ăn, lẫn những lời động viên về tinh thần để làm lại cuộc đời, lo cho con cái”.
Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, từ khi Luật Phòng, chống ma túy mới có hiệu lực cho đến nay, huyện vẫn chưa thực hiện được công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng do chưa triển khai công tác xác định tình trạng nghiện, không có cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
“Là địa bàn phức tạp về ma túy, nên huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân giáo dục con em và góp phần tố giác tội phạm ma túy. Nhưng việc này còn nhiều khó khăn, do thanh thiếu niên còn chưa nhận thức đúng về sự nguy hại của ma túy tổng hợp, coi đó là loại ma túy không gây nghiện, ít nguy hiểm dẫn đến gia tăng số người sử dụng loại ma túy này.
Công tác giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng chưa mang lại hiệu quả, do các đối tượng không quyết tâm nên dễ tiếp tục sa vào con đường phạm tội” - ông Huy nói.
Kiên trì giảm người nghiện
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh: Cần tạo sức đề kháng ngay từ cơ sở
“Cuộc chiến với tội phạm ma túy rất lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm ma túy và tác hại của ma túy, chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của người dân trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm ma túy.
Trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, gia đình, nhà trường phải được phát huy, cộng hưởng, duy trì thường xuyên, liên tục để tạo ra sức đề kháng ngay từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu phòng chống ma túy và tội phạm ma túy trong tình hình mới”. THÀNH CÔNG (ghi)
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, việc giảm người nghiện ma túy khá cam go, nếu không có sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm thì khó thực hiện. Việc thống kê số người nghiện vẫn chưa chính xác; hiệu quả điều trị mang lại còn thấp khi người tái nghiện cao; người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng còn ít; cộng đồng còn kỳ thị xa lánh đối với người nghiện ma túy... Điều này đã tạo nên những rào cản khiến công tác giảm thiểu người nghiện khó thực hiện.
“Kể từ khi thực hiện quy định mới tại Nghị định 116, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, vướng mắc phát sinh nên việc cai nghiện bắt buộc gặp khó trong tiếp nhận người nghiện vào điều trị.
Những vướng mắc này sở đã tham mưu UBND tỉnh có kiến nghị Trung ương tháo gỡ. Muốn làm tốt công tác này cần có sự chung tay, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy” - bà Ngọc nói.
Ông Phùng Văn Huy cho rằng, để hạn chế tỷ lệ tái nghiện cao, cần có hẳn cơ sở sản xuất kinh doanh trong Cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Nam.
Đối tượng vừa cai nghiện vừa tham gia sản xuất kinh doanh, hết nghiện vẫn tiếp tục làm việc có sự quản lý chặt chẽ để tránh tái nghiện. Bản thân họ sẽ không quay lại con đường cũ, lo được cho bản thân và có đóng góp cho xã hội thông qua lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh tại cơ sở cai nghiện.
Việc giải quyết việc làm cho người sau cai rất khó do các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương không tiếp nhận. Còn tự vay vốn giải quyết việc làm ở lĩnh vực nông nghiệp thì không được mấy người có quyết tâm. Thế nên, đây vẫn là cuộc chiến gian nan cần sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng xã hội và ý chí của người sau cai nghiện.