Hàng ngày, hàng giờ Trương Thị Bảo Trâm và Nguyễn Thị Lâu (trú tại thôn 6 xã Bình Dương, Thăng Bình) vẫn vượt qua nỗi đau thể xác để có thể đến trường tìm con chữ. Bởi các em vẫn tin rằng tương lai sẽ tươi sáng nếu mình có tri thức.
Trương Thị Bảo Trâm (giữa) cùng với các bạn trong lớp 5A, Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Ảnh: T.CHÂU |
1. Tiếng trống trường vang lên, khi các bạn học ùa ra sân hòa vào từng nhịp điệu của bài tập thể dục, người ta vẫn thấy Trương Thị Bảo Trâm (học sinh lớp 5A) ngồi lặng lẽ trong lớp. Từ ngày được đi học, Bảo Trâm hầu như không hề biết những hoạt động bên ngoài lớp học là gì. Với em mỗi ngày đến lớp, chiếc bàn dành cho người khuyết tật đã trở thành người bạn thân thiết nhất. Nhìn em ngồi bên chiếc bàn, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy Bảo Trâm trở mình với khuôn mặt đầy vẻ đau đớn. Cô Lê Thị Thùy Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A cho hay: “Đôi chân không thể tự đi được, những buổi học ngoại khóa Bảo Trâm chịu thiệt thòi. Chúng tôi chỉ giúp đỡ em trong việc học, còn các sinh hoạt cá nhân khác phải gọi ba má em đến. Thế nhưng vượt qua bệnh tật, 4 năm liền Bảo Trâm là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Lê Văn Tám”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bảo Trâm bị mất cảm giác ở đôi chân trong một cơn sốt khi lên 10 tháng tuổi. Trong suốt hơn 10 năm, gia đình Bảo Trâm đã đưa em đi khắp các bệnh viện trong nước để chữa trị nhưng đến đâu các bác sĩ cũng lắc đầu. Theo chẩn đoán của bác sĩ, Trâm bị u tủy sống. Càng lớn đôi chân của Bảo Trâm càng teo lại. Cột sống dần bị cong, lưng ngày một khòm. Dù sức khỏe như vậy, thế nhưng chưa bao giờ Trâm muốn dừng lại việc học của mình. Hơn 4 năm qua, Bảo Trâm đã được tiếp sức từ cha mẹ. Dù nắng hay mưa, thầy và trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám vẫn nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ ngày ngày bồng xấp ngửa một đứa trẻ chạy ùa vào trường. Cô Trần Thị Toàn - mẹ Bảo Trâm cho biết: “Thời gian tôi mang thai em của Bảo Trâm, dù trong người rất mệt nhưng thấy con buồn, nên tôi cũng cố gắng đưa đến lớp. Thương, con bé rất ham học”.
Trong những giờ học trên lớp, Bảo Trâm không thể di chuyển được như các bạn. Đối với các bài tập Toán hay Tiếng Việt, tấm bảng con luôn được Trâm phát huy hết tác dụng. Trâm tự điền vào bảng rồi giơ lên cho thầy cô giáo bộ môn kiểm tra. Bản thân Bảo Trâm bị bệnh tật nên mọi hoạt động trên lớp đều rất khó khăn. Thế nhưng theo các thầy cô giáo, Bảo Trâm là người sống rất tình cảm. Những gì em không thể nói ra được thì viết thư tâm sự gửi đến các thầy, cô giáo. Từ nhỏ Bảo Trâm đã ý thức được điều không bình thường trên cơ thể mình. Cô bé cảm thấy tủi thân, có lúc mặc cảm, tự ti, nhất là khi thấy những đứa trẻ cùng trang lứa có thể chạy nhảy chơi đùa thoải mái. Tuổi thơ của Bảo Trâm trôi qua với nhiều ngày tháng buồn tủi. Tuy nhiên, sự yêu thương, đùm bọc của gia đình đã giúp Trâm hiểu được rằng, gia đình quan trọng thế nào và em phải làm gì đó để đền đáp lại những yêu thương cha mẹ dành cho mình. Suốt những năm học cấp một, cha mẹ phải thay nhau đưa đón Trâm đến trường để em không phải bỏ lỡ buổi học nào. Thương cha mẹ đường xa đưa đón, bỏ lỡ công việc nhà, Bảo Trâm càng cố gắng học thật tốt để làm cha mẹ vui lòng.
2. Hôm chúng tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Thị Lâu (học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Bình Dương), Lâu vẫn đang tủi khóc vì mấy hôm nay không thể đi học. Mùa này thường hay trái gió trở trời, mấy ngày nay thời tiết biến chuyển liên tục, đôi chân của Lâu bị co rút đau đớn, không thể đến lớp. Bà Phạm Thị Ba - mẹ Lâu cho hay: “Dù nắng hay mưa, Lâu vẫn đòi đi học cho bằng được. Những hôm đi về, chân tay đau mỏi, tôi phải ngồi xoa bóp cho bớt đau. Tôi nói đau riết ri thôi thì nghỉ học chứ chừ con sao học được. Hễ cứ nói đến hai tiếng nghỉ học là nước mắt con Lâu trào ra, khóc suốt”.
Nguyễn Thị Lâu buồn vì mấy hôm nay không được đi học. Ảnh: G.BIÊN |
Di chứng của chiến tranh khiến cho tay chân của Nguyễn Thị Lâu từ khi sinh ra đã bị co rút. Thế nhưng bệnh tật không ngăn nổi bước chân đi tìm cái chữ của Lâu. Mỗi sáng sớm, người dân thôn 6 xã Bình Dương vẫn thấy một cô bé dáng người nhỏ nhắn lệnh khệnh từng bước đến trường. Mặc dù không hoàn toàn khỏe mạnh như bao bạn bè khác, nhưng Lâu vẫn luôn cố gắng nỗ lực hết mình, suốt những năm học phổ thông em đều là học sinh khá, giỏi. Thầy cô, bạn bè ai cũng quý mến cô học trò nhỏ, cho dù đi lại khó khăn, làm việc gì cũng không thể nhanh hơn chúng bạn, nhưng bù lại Lâu có một ý chí tuyệt vời. Ý chí ấy đã giúp Lâu vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, mà ngay cả những người có một cơ thể lành lặn cũng chưa chắc gì đã làm được. “Nhiều khi 5 giờ sáng đã thấy Lâu đi học rồi, bởi em đi chậm. Những lúc thấy em đi bộ, tôi thường chở đến tận lớp” - anh Nguyễn Thanh Sang, Bí thư Chi đoàn thôn 6 nói. Ông Cao Thành Phiện - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có rất nhiều trẻ em bị khuyết tật nhưng các em vấn cố gắng khắc phục khó khăn để đến trường. Ngoài những chính sách hỗ trợ cho đối tượng khuyết tật theo quy định, UBND xã thường xuyên vận động trao quà cho các em nhân các ngày lễ, tết. Điều chúng tôi trăn trở là phải tìm một nguồn nào đó để hỗ trợ thường xuyên, ổn định cho các em”.
Vẫn biết việc nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật để đến với ánh sáng tri thức sẽ còn lắm những vất vả, gian nan, nhưng chúng tôi vẫn tin vào nghị lực phi thường của Trương Thị Bảo Trâm và Nguyễn Thị Lâu. Các em chính là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực biết vươn lên trong cuộc sống với hoài bão, ước mơ và lý tưởng sống cao đẹp.
THÀNH CHÂU - GIANG BIÊN