Sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung trong xây dựng đang là xu hướng phát triển mới. Tuy nhiên, phát triển gạch không nung (GKN) tại Quảng Nam rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Đến nay, cả tỉnh chỉ có 2 nhà máy GKN mới ra lò…
Theo các chuyên gia, với nhu cầu tăng 10 - 15%/năm thì năm 2020 Việt Nam sẽ tiêu thụ 30 tỷ viên gạch xây. Trong khi đó, để làm 1 tỷ viên gạch nung (GN) phải mất 1,5 triệu mét khối đất (tương đương 75ha có độ sâu 2m), đốt 150 nghìn tấn than và thải 0,57 triệu tấn khí CO2. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28.4.2010 phê duyệt Chương trình phát triển GKN đến năm 2020. Bộ Xây dựng có Thông tư số 9/2012 quy định sử dụng GKN trong các công trình xây dựng, đạt tỷ lệ 20% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020. Qua đó, tiết kiệm hàng năm khoảng 1.000ha đất nông nghiệp và giải quyết 15.000 tấn phế thải công nghiệp/năm (như tro, xỉ quặng…), nhất là miền Trung vốn đã hạn chế đất sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Nhà máy gạch không nung Đại Quang. Ảnh: X.L |
Gánh nặng gạch nung
Dọc đường Mỹ Sơn (ĐT610) có 5 nhà máy GN gần nhau. Vào thăm nhà máy gạch An Hòa - Phó Giám đốc Nguyễn Văn Ngô cho biết, nhà máy cổ phần hóa từ 2007, dây chuyền thời Đông Âu, 21 năm cứ túc tắc cho ra lò 15 - 30 triệu viên/năm, tạo việc làm cho 120 lao động. Trong 5 nhà máy trên tuyến ĐT610 thì Công ty TNHH Phan Ngọc Anh (Công ty PNA) có quy mô lớn nhất. Năm 2001 mới ra đời với 500 triệu đồng vốn, vậy mà năm 2012 Công ty PNA đã vay ngân hàng 50 tỷ đồng, đầu tư đồng bộ 7 dây chuyền hiện đại trong 3 cơ sở (tại Duy Hòa, Duy Phú và Duy Thu), công suất 60 triệu viên/năm. Năm 2015, công ty đã xuất xưởng hơn 97 triệu viên, doanh thu 76,2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7,62 tỷ đồng, giải quyết 500 lao động. Sáu nhà máy Duy Xuyên cho ra lò 150 triệu viên/năm, chiếm trọn 1/3 sản lượng gạch ngói hàng năm của tỉnh.
Hiện nay, Quảng Nam có 34 nhà máy GN hoạt động tổng công suất 700 triệu viên/năm. Sản lượng năm 2012 xấp xỉ 581 triệu viên. Dự báo nhu cầu năm 2015 khoảng 591 triệu viên và năm 2020 khoảng 953 triệu viên. Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 400/QĐ-UBND ngày 27.01.2014), từ nay đến 2020, duy trì sản xuất các nhà máy GN, kêu gọi đầu tư các cơ sở GKN với tổng công suất 141 triệu viên/năm đến cuối năm 2015 và 441 triệu viên vào năm 2020. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, nhu cầu của các nhà máy GN hơn 1 triệu mét khối đất sét/năm, song chỉ có 2 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ đất sét còn hiệu lực, tổng trữ lượng 386.489m3, công suất tối đa 84.000m3/năm. Bên cạnh đó, có một số tổ chức, cá nhân được cấp huyện cho phép khai thác đất sét để cải tạo đồng ruộng, nạo vét lòng hồ…, tổng khối lượng gần 1 triệu mét khối (từ trước đến nay). Như vậy, khối lượng đất sét UBND tỉnh cấp phép khai thác mới đáp ứng dưới 9%/năm nhu cầu, còn hơn 91% (khoảng 910.000m3) đất sét/năm là cấp huyện linh hoạt cho phép hoặc các nhà máy gạch khai thác “lậu” ngoài thị trường. Theo ước tính, nếu duy trì sản lượng 517 triệu viên GN/năm 2016 trong 5 năm (2016 - 2020), Quảng Nam sẽ sản xuất 2,58 tỷ viên GN, sẽ mất hơn 4 triệu mét khối đất nông nghiệp (tương đương 195ha đất, đào sâu 2m), đốt 390 nghìn tấn than và thải ra 1,5 triệu tấn CO2.
Ì ạch gạch không nung
Theo báo cáo của Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung - Tây Nguyên, phát triển GKN mới trong giai đoạn khởi động: Quảng Nam 2 nhà máy, Quảng Trị 3 nhà máy, Thừa Thiên Huế 4 nhà máy... Đặc biệt, Đà Nẵng đi đầu với 5 nhà máy GKN công suất 150 triệu viên/năm, bên cạnh 8 nhà máy GN 70 triệu viên/năm. Những năm qua thành phố đã có hơn 150 công trình vốn nhà nước sử dụng GKN. Tiêu biểu như Trung tâm Hành chính TP.Đà Nẵng có tổng diện tích sàn hơn 65.000m2, khối lượng GKN là 2.212m3 (đạt tỷ lệ 67%); chung cư tại khu tái định cư Phước Lý, tổng khối lượng GKN là 5.000m3 (đạt tỷ lệ 100%); chung cư 201 - Đống Đa với khối lượng GKN hơn 1.100m3 (đạt tỷ lệ 100%). Qua kiểm tra, công trình bảo đảm chất lượng; cường độ về chống thấm, cách âm, cách nhiệt hơn hẳn GN; giá thành xây dựng giảm hơn 20% do có thể vừa xây vừa trát khi thi công. Đồng thời tiết kiệm đất và than đốt, thiết thực giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường đô thị. |
Đầu năm 2016, đã ra đời nhãn hiệu GKN đầu tiên: “Gạch Nguyên Tâm”. Anh Võ Tấn Tuân, chủ doanh nghiệp này cho hay, anh may mắn gặp ông Lê Phước Hoài Bảo (khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình). Ông Bảo đã hướng dẫn cho doanh nghiệp thuê 3ha trong Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. Từ đó, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn ngân hàng 12 tỷ đồng, đặt dây chuyền sản xuất GKN của Trung Quốc, công suất 15 triệu viên/năm. Sản xuất 2 loại sản phẩm GKN 6 lỗ, kích thước 170 x 75 x 115mm; gạch đặc, kích thước 170 x 75 x 40mm, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Khoảng 12 triệu viên GKN được sử dụng cho những công trình xây dựng như trụ sở Cục Thi hành án Quảng Nam (TP.Tam Kỳ), Kho bạc Nhà nước Núi Thành, Trường THPT Đông Duy Xuyên…
Còn sản phẩm GKN thứ 2 mới “xuất xưởng” tại Cụm công nghiệp thôn 5 (xã Đại Quang, Đại Lộc). Ông Phan Công Mạnh, chủ doanh nghiệp kể, đam mê GKN nên vay ngân hàng một số vốn lớn để khởi nghiệp. Chỉ 6 tháng đã san mặt bằng 3ha, dựng nhà xưởng, lắp đặt 2 dây chuyền GKN hiệu Hồng Pha (Trung Quốc), công suất 30 triệu viên/năm. Hiện nhà máy có 2 sản phẩm: gạch Terrazzo ngoại thất, kích thước 400 x 400 và 300 x 300 mm; gạch bê tông 2 lỗ, kích thước 190 x 135 x 95mm. Ông Mạnh chia sẻ: “Phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, nhất là giao hàng kịp thời. Một doanh nghiệp đã hợp đồng cung cấp bột đá 5.000m3/tháng, bảo đảm đầu vào cho công ty. Song cả 30 triệu viên GKN Đại Quang là ra… Đà Nẵng, chưa “có cửa” vào thị trường Quảng Nam”.
Mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, đặc biệt có cả Nghị định 121/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà thiết kế, đơn vị thi công khi vi phạm quy định về sử dụng vật liệu không nung, nhưng trên thực tế lại khác, không ít bộ, ngành, địa phương vẫn còn xuê xoa, thậm chí xem nhẹ việc thay thế GN bằng GKN trong các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Do đó, mục tiêu “Phát triển và sử dụng GKN thay thế GN trong công trình xây dựng đạt tỷ lệ 20% năm 2015 và 40% vào năm 2020” mà Bộ Xây dựng đặt ra khó trở thành hiện thực. Ông Ngô Văn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh có 75 công trình xây dựng được sở thẩm định, bắt buộc thiết kế sử dụng GKN. Những công trình xây dựng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, đa số công trình mới khởi công năm 2016 không tuân thủ quy định và cũng khó thực hiện xử phạt.
XUÂN LAN