Giữ rừng phòng hộ ở khu vực giáp ranh của huyện Thăng Bình đang đặt ra cấp thiết, nhưng rất gian nan vì nhiều bất cập.
Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Đông Tiển diễn ra hồi tháng 8.2016. Ảnh: CHÂU NGUYỄN |
Những “khoảng trống”
Xã Bình Trị có 320ha rừng phòng hộ. Số diện tích rừng này bảo vệ hồ chứa nước Đông Tiển, cung cấp nước tưới cho hàng trăm héc ta đất nông nghiệp sản xuất ở các xã Bình Trị, Bình Định Nam và Bình Định Bắc. Khu vực này chính là “điểm nóng” trong công tác giữ rừng ở huyện Thăng Bình suốt thời gian dài. Đã có nhiều vụ phá rừng phòng hộ Đông Tiển diễn ra, mới nhất là hồi tháng 8.2016. Theo ông Lê Viết Mãnh - Chủ tịch UBND xã Bình Trị, có quá nhiều “khoảng trống” trong công tác giữ rừng phòng hộ trên địa bàn. “Rừng phòng hộ Đông Tiển giáp ranh với các xã Bình Phú, Bình Lãnh (huyện Thăng Bình) và Tiên Sơn (Tiên Phước). Việc cắm mốc, phân định ranh giới không rõ ràng tồn tại trong suốt thời gian dài khiến tình trạng chồng lấn, khó kiểm soát. Đặc biệt là người dân ở các xã khác đến khai thác trái phép nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để” - ông Mãnh nói.
Theo UBND xã Bình Trị, có đến 4 lực lượng tham gia bảo vệ rừng phòng hộ Đông Tiển là công an xã, xã đội, địa chính và lâm nghiệp với tổng cộng 16 người. Tuy nhiên, có quá nhiều bất cập tồn tại dai dẳng, khó giải quyết dứt điểm trong ngày một ngày hai. “Lực lượng công an, xã đội chỉ tham gia khi bắt buộc phải huy động để xử lý vi phạm phá rừng được phát hiện chứ họ không thể đi tuần tra, kiểm soát phá rừng hằng ngày được. Có cán bộ địa chính xã nhưng việc phân định địa giới của 2 huyện Thăng Bình và Tiên Phước đến nay vẫn không lưu giữ giấy tờ rõ ràng nên khó quản lý. Đặc biệt là cán bộ lâm nghiệp được chúng tôi ký hợp đồng lao động, trả lương hằng tháng không nhiều mà công việc rất “nhạy cảm”, hay diễn ra đấu tranh, tranh chấp với các đối tượng manh động nên có vấn đề tế nhị khó nói” - ông Mãnh nói thêm.
Theo ông Lê Văn Thôi - Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú, địa phương đang ngày đêm giữ 500ha rừng phòng hộ đầu nguồn bảo vệ hồ chứa nước Phước Hà. Rừng phòng hộ này giáp ranh với xã Tiên Sơn và Tam Lộc (huyện Phú Ninh) nhưng ranh giới địa chính không rõ ràng nên diễn ra chồng lấn, tranh chấp đất rừng rất rắc rối. Ông Thôi cho rằng, rừng phòng hộ mà bị tàn phá thì nguồn nước sẽ bị suy kiệt, dẫn đến hàng trăm héc ta đất sản xuất trên địa bàn xã và các vùng lân cận không thể canh tác lúa, hoa màu được. Hiện tại địa phương có cán bộ lâm nghiệp phụ trách, làm việc theo hợp đồng, lương ba cọc ba đồng mà lại không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên công việc khó có thể trôi chảy. Mỗi khi phát hiện hành vi phá rừng, lực lượng lâm nghệp phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, thủ đoạn tinh vi, manh động chống trả của lâm tặc nên e ngại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lần thực thi công việc kiểm soát, bảo vệ rừng, các lực lượng giữ rừng của 2 xã Bình Trị và Bình Phú được hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày. Việc di chuyển bằng xe máy quanh bìa rừng có diện tích lên đến hàng trăm héc ta thì số tiền trên không thấm vào đâu nên dẫn đến tâm lý ngại… công việc. Giữ rừng phòng hộ rất khó khăn vì khu vực này có địa hình hiểm trở, nhiều đèo dốc, sự đe dọa của lâm tặc mà lại không có chế độ đãi ngộ, bảo hiểm nên các lực lượng giữ rừng phòng hộ chùn chân.
Thiếu hỗ trợ
Ông Lê Viết Mãnh cho rằng giữ rừng quá gian nan mà lực lượng làm nhiệm vụ lại thiếu quá nhiều công cụ hỗ trợ, nhiều khi tay không… bắt giặc. Mỗi khi xử phạt thì chính quyền cấp xã chỉ phạt hành chính 2 - 5 triệu đồng, không có sức răn đe. Có trường hợp phá rừng phòng hộ lặp đi lặp lại của chỉ một vài đối tượng. Không xử lý nghiêm nên hành vi phá rừng khó chặn đứng, thậm chí tiếp diễn liên tục. “Tôi đề xuất với cấp trên là cần có quy định xử phạt nghiêm hành vi phá rừng phòng hộ nhưng chưa được vận dụng. Ví như vụ phá rừng phòng hộ hồi tháng 8.2016 là Công xã Tiên Sơn tổ chức. Việc này lẽ ra phải được xử lý thật nghiêm, đưa ra tòa nhưng vẫn chưa xử phạt. Không bị xử phạt nặng nên nhiều lâm tặc đã “nhờn” luật. Nhiều khi chính quyền cấp xã bất lực trong tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay bảo vệ rừng phòng hộ” - ông Mãnh nói. Cũng theo ông Mãnh, cái khó nữa trong công tác bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn là thiếu “tai mắt” của nhân dân. “Trước đây người dân sống quanh khu vực rừng nhưng từ khi xây hồ chứa nước Đông Tiển họ phải chuyển đến khu vực khác định cư, rất xa rừng. Hồi đó, người dân tham gia giữ rừng đông, mạnh lắm mà chừ thì hầu như ngó lơ chứ không thông tin về xã để ngăn chặn các hành vi phá rừng được kịp thời” - ông Mãnh nói.
Ở mỗi khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn Thăng Bình đều có cán bộ kiểm lâm cấp huyện được bố trí. Tuy nhiên, theo chính quyền cấp xã thì hoạt động này còn bất cập. Theo UBND xã Bình Trị, cán bộ kiểm lâm đứng điểm rất ít có thời gian trực tiếp bảo vệ rừng. “Lâu lâu họ mới đến xã làm việc, khoảng 1 - 2 lần/tuần. Chúng tôi biết vậy vì họ cần chúng tôi ký giấy tờ để xác nhận có đến địa phương làm việc. Ở nhiều địa phương khác, rừng phòng hộ có ban quản lý được lập nên, hoạt động quy củ còn ở Bình Trị thì chúng tôi tự thân vận động. Có những tình huống chúng tôi gọi điện thoại đến Hạt Kiểm lâm huyện nhờ can thiệp nhưng cán bộ kiểm lâm đến không kịp thời. Khi đó thì lâm tặc đã tẩu thoát mất rồi, dấu vết cũng không tìm được” - ông Mãnh nói.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, giữ rừng phòng hộ rất cấp thiết nhưng không thuận lợi, lắm nguy nan. “Công tác giữ rừng phòng hộ ở vùng giáp ranh gặp quá nhiều cái khó trong thời gian qua. Bởi vậy, chúng tôi đề xuất cấp trên yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện trực tiếp tham mưu công tác giữ rừng bằng một quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng giữ rừng trên địa bàn cũng như khu vực lân cận, huyện khác. Những nội dung cụ thể về giữ rừng theo quy chế đó thì chúng tôi không nắm rõ vì chưa tiếp cận được” - ông Vũ nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT