Dù đã thay da đổi thịt song đất nghèo Đầu Gò (xã Đại Sơn, Đại Lộc) vẫn còn những gian nan, cách trở, đời sống nơi đây còn khó so với mặt bằng chung của huyện.
Đầu Gò là một ngôi làng nghèo nằm bên ngã ba sông Bung và sông Thành Mỹ (sông Cái) đổ về hợp lưu thành dòng Vu Gia. Đầu Gò được gọi là đất “Mõm Lợn”, nơi ba mặt giáp sông và sau lưng là núi, có 67 hộ dân sinh sống với hơn 250 nhân khẩu.
Nếu đến đây vào 10 năm trước, sẽ dễ chạnh lòng trước một ngôi làng nghèo xác xơ, xung quanh toàn nhà tranh, tre, nhà lợp tôn, đường sá trong thôn chỉ toàn là đường đất. Việc kéo điện về làng bên kia sông cũng là nỗ lực rất lớn của nhiều cấp, nhiều ngành. Đầu Gò nay đã có trường mẫu giáo, có trạm y tế, có đường bê tông chạy dọc trục đường chính của thôn. Nhưng, sự thay đổi đó vẫn còn khiêm tốn.
Để tới Đầu Gò, từ trụ sở UBND xã Đại Sơn, phải mất 2 lần qua đò gian nan. Đầu tiên là qua bến đò Tân Đợi - Hội Khách, tiếp tục chạy xe cả chục cây số đường bê tông nhỏ lên hết thôn Tam Hiệp. Ở rẻo đất cuối cùng, bỏ xe máy, qua đò lần nữa để tới Đầu Gò. Còn nếu đi từ quốc lộ 14B từ Đại Hồng, qua Khe Hoa (Đại Sơn), đi qua Tân Đợi, Tam Hiệp, chỉ mất một lần đò đi Đầu Gò. Nhưng, chặng đường nào cũng tốn rất nhiều thời gian.
Với trẻ em Đầu Gò, mỗi ngày đi tìm con chữ là cả một hành trình nhọc nhằn. Học sinh tiểu học, THCS phải thức dậy từ sáng sớm ra sông chờ đò, rồi đạp xe cả chục cây số qua Tam Hiệp, rồi lại chờ đò qua bên kia sông, nắng cũng như mưa...
Người dân Đầu Gò chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy trồng thơm, trồng keo, chăn nuôi nhỏ lẻ. Thôn vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, còn nhiều nhà tạm cần được nâng cấp. Bài toán giảm nghèo với câu chuyện tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo và công tác xóa nhà tạm là khó khăn, thách thức không nhỏ.
Cây keo, cây thơm gần đây giá cả bấp bênh, một phần do địa bàn xa xôi, cách trở, việc khai thác, vận chuyển nông sản gian nan, chi phí bốc vác, vận chuyển cao dẫn đến nguồn thu còn rất ít. Chưa kể, giá cả, thị trường nông sản luôn biến động, dịch Covid-19, mưa lớn, lũ lụt kéo dài tác động lớn tới nền sản xuất và thu nhập của người dân sống dựa vào nương rẫy...
Ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho hay tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn gần 10% và xã đang nỗ lực giảm nghèo để phấn đấu đưa Đại Sơn về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024. Xã, huyện cũng nỗ lực đầu tư từ các nguồn lực của Chính phủ, nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tập trung cho thôn Đầu Gò và các thôn đặc biệt khó khăn khác. Đại Sơn hiện chưa có chợ dân sinh và cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện, chắc chắn chợ sẽ được đầu tư, tạo thuận lợi về mặt giao thương, trao đổi hàng hóa.
Cầu dân sinh Hội Khách - Tân Đợi đã khởi công song do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng và lũ lụt cũng ảnh hưởng phần nào tới tiến độ thi công. Người dân Đầu Gò, Tam Hiệp nói riêng và nhân dân Đại Sơn nói chung mong chờ cây cầu sớm hoàn thành để thuận tiện đi lại, thông thương. Có cầu, các vấn đề dân sinh được cải thiện và con số hộ nghèo cũng được đẩy lùi...