Bất chấp khó khăn, các chiến sĩ công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban chỉ huy quân sự huyện Tây Giang vừa triển khai công tác rà phá, tiêu hủy bom, mìn, vật liệu nổ. còn sót lại sau chiến tranh tại đỉnh núi T’râm (huyện Tây Giang). Công việc tuy thầm lặng nhưng cũng đầy nguy hiểm, đôi khi phải chấp nhận hy sinh cả tính mạng.
Vận chuyển bom đến địa điểm an toàn để tiêu hủy. Ảnh: Đ.H |
Nhiều hiểm nguy
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi theo chân các anh bộ đội công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vượt gần 3 cây số đường rừng lên đỉnh núi Tr’râm (thuộc địa phận xã A Xan) để thực hiện nhiệm vụ rà phá và tiêu hủy toàn bộ số bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh tại đây.
Mỗi chiến sĩ cõng trên lưng gần 50kg gồm quân trang, quân dụng và thiết bị dò tìm bom mìn, băng rừng vượt qua những con dốc đứng. Hàng chục dân quân xã A Xan cũng được tuyển chọn hỗ trợ việc vận chuyển lương thực, trang thiết bị. Họ đi trước dẫn đường, phát cây mở tuyến vì đa số họ là người địa phương thông thuộc địa hình. Già làng Pơloong Đưm dù tuổi đã xế chiều nhưng vẫn hăng hái tham gia, vì già là người biết rõ, khu vực nào có bom mìn, đồn bốt.
Sau gần một tháng triển khai phát dọn và rà phá trên phạm vi 6ha tại đỉnh núi T’râm đơn vị đã thu hơn 400 vật liệu nổ. Trong đó, có 56 quả cối 61, 51 quả cối chiếu sáng, 7 quả cối 81, 3 quả cối 82, 219 viên đạn M30, 218 viên đạn carbine, 73 viên đạn colt 45, loại 11 quả lựu đạn; đạn 6 quả DKZ, 7 tấm ri loại 3 mét, 1 thùng xăng và các loại vật chất khác. Trước đó, Bộ đội công binh tỉnh cùng với các chiến sĩ Ban CHQS huyện đã tiêu hủy thành công 3 quả bom từ trường (mỗi quả nặng gần 200kg). |
Theo già làng Pơloong Đưm, trước đây đỉnh núi T’râm là nơi Mỹ, ngụy đóng quân, xây đồn bốt, có cả sân bay trực thăng dã chiến nên được gọi là Đồn T’râm. Địch dùng nơi đây để triển khai hỏa lực mạnh nhằm khống chế, chia cắt quân cách mạng từ Bắc vào Nam và từ Lào sang. Theo già làng Đưm, hiện trên địa bàn 4 xã vùng cao, trong đó có A Xan còn rất nhiều loại bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. “Đã có nhiều trường hợp bà con phát nương làm rẫy vướng phải bom mìn bị thương tật” - già Đưm nói. Là người nhiều năm tham gia công việc này, Trung sĩ Lê Văn Đức - Tiểu đội trưởng Ban Công binh, Bộ CHQS tỉnh, chia sẻ: “Đặc thù của công tác rà phá bom, mìn không “cho phép rút kinh nghiệm”, bởi chỉ sơ suất một chút thôi là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài việc được đào tạo bài bản về chuyên môn thì trang thiết bị rà phá phải hiện đại, độ chính xác cao. Có như vậy mới tạo sự tự tin cho mình khi làm nhiệm vụ và bảo đảm thực hiện công việc hiệu quả, an toàn”.
Cẩn thận từng khâu
Sau khi xác định khu vực có nhiều bom mìn, chiến sĩ công binh, dân quân chia nhau khảo sát, nghiên cứu kỹ về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, xây dựng phương án và tiến hành việc rà phá. Tất cả các khâu đều phải chính xác tuyệt đối, vì xác đinh sai, đào không khéo dễ “dính mìn” như chơi. Trung tá Nguyễn Huệ, trợ lý binh chủng Ban CHQS huyện Tây Giang cho hay: “Mỗi lần cầm xẻng xúc đất tìm bom, mìn đều lo lắng. Mọi việc diễn ra rất chậm và cẩn thận đúng quy trình giáo án. Có những quả đạn cối chôn vùi dưới đất hàng chục năm mà vẫn còn mới toanh. Sợ nhất là đạn cối và lựu đạn, hai loại này rất nhiều, dày đặc và rất dễ nổ. Các loại đạn, cối, bom, mìn... sau khi “khai quật” xong sẽ được tập hợp lại một hố, bảo quản an toàn, chờ khâu xử lý tiếp theo. Công việc rà phá bom mìn quá gian nan vất vả. Hằng ngày, các anh phải dối diện với thời tiết lạnh, mưa rừng liên miên, rồi muỗi vắt, ruồi vàng... Khi màn đem buông xuống cũng là lúc các anh nghỉ ngơi, lấy sức để ngày mai tiếp tục công việc. Trong số chiến sĩ công binh, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, không ít cán bộ, chiến sĩ tuổi đời còn trẻ song cũng có thâm niên cả chục năm với nghề ngày ngày đối mặt thần chết. “Do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều chuyến công tác dài ngày, xa gia đình, nhưng cán bộ, chiến sĩ đều có chung suy nghĩ, đã chọn và khoác lên mình màu áo lính thì khó khăn nào cũng vượt qua hết” - Trung sĩ Lê Văn Đức cho hay.
Theo ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là những mối nguy hiểm tiềm ẩn, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ gây đau thương cho người dân. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại đỉnh T’râm nói riêng và trên đại bàn huyện Tây Giang nói chung đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ngay sau khi hoàn thành công tác rà phá, UBND huyện cùng với Ban CHQS huyện đã khen thưởng cho các chiến sĩ tham gia rà phá đợt này. Qua đó, kịp thời động viên, cảm ơn các anh đã bất chấp hiểm nguy để đem lại bình yên cho vùng đất nơi đây. “Việc làm của các chiến sĩ công binh và lực lượng vũ trang huyện đã và đang góp phần rất lớn trong việc chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, trả lại màu xanh cho vùng biên Tây Giang. Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Tây Giang rất cảm ơn các đồng chí” - ông Mia nói.
ĐÌNH HIỆP