Gian nan thực thi luật quy hoạch

TRỊNH DŨNG - QUỐC TUẤN 09/01/2022 08:05

Luật Quy hoạch ra đời (Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019) tạo thay đổi căn bản về tư duy, phương thức làm quy hoạch. Nó được xem là nhân tố mới mang tính tích hợp nhằm đạt mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững trên bình diện quốc gia và địa phương.

Luật Quy hoạch tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, các ngành kinh tế khác nhau. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Luật Quy hoạch tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, các ngành kinh tế khác nhau. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Luật này đang dẫn dắt đến cuộc cải cách lớn hơn dự liệu rất nhiều. Có thể từ đây, nhờ có vai trò “nhạc trưởng” rõ ràng hơn của quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, sẽ có sự thống nhất hơn trong dữ liệu đầu vào của hệ thống quy hoạch.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng trong quản lý từ quy hoạch lại đang gặp nhiều trở ngại sau 3 năm thực thi. Sự tác động của luật đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đang được kiểm chứng. Những vướng mắc từ việc thực thi chính sách thông qua các cuộc giám sát sẽ là cơ sở để những nhà làm luật điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp thực tiễn.

MỘT CUỘC CÁCH MẠNG

Luật Quy hoạch được kỳ vọng trở thành động lực phát triển. Trước mắt, việc thực thi các quy định của luật này có tác động chấn chỉnh nạn “quy hoạch treo”.

Chấm dứt “trăm hoa đua nở” quy hoạch

Hơn 600 hộ dân Câu Hà, Tứ Câu, Ngọc Vinh ở Điện Ngọc (Điện Bàn) “mắc kẹt” giữa khu quy hoạch “treo” Làng đại học Đà Nẵng 300ha “treo” gần 1/4 thế kỷ qua. Chính quyền không thể đầu tư xây dựng công trình dân sinh mang tính lâu dài.

Dân chúng bị tước quyền lập kế hoạch sản xuất đầu tư dài hạn, không được tách thửa, chia đất cho con, không được bán mua, cầm cố thế chấp đất đai nhà cửa... Họ sống khổ sở ngay trên mảnh đất của mình bởi cụm từ “đất quy hoạch”.

Đường Võ Chí Công (đoạn qua huyện Thăng Bình). Ảnh: D.T
Đường Võ Chí Công (đoạn qua huyện Thăng Bình). Ảnh: D.T

Dọc 70km theo đại lộ Võ Chí Công (từ cầu Cửa Đại đến Chu Lai), chỉ có 2 dự án đầu tư chính thức hoạt động. Số còn lại (31 dự án) được quyết định chủ trương, thỏa thuận nghiên cứu, cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam hồi tháng 3.2017 nhưng “đứng bánh” đến giờ.

Đó là những dẫn chứng về sự chồng chéo các quy định về đất đai, quy hoạch, đầu tư dẫn đến giẫm chân, lệch pha, lỗi nhịp, gây nên tình trạng lộn xộn trong nghiên cứu, xây dựng, hoặc “vẽ ra” đề án quy hoạch không lường định được khả năng tài chính thực hiện dẫn đến sự bất hợp lý trên thực tế.

Quá trình phát triển đã dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” về số lượng lẫn loại hình quy hoạch. Mỗi ngành đều có cách làm riêng, thống kê, dự báo riêng, thuật ngữ riêng, công cụ quản lý riêng nên khó có được tính đồng bộ của hệ thống... Không loại trừ có những quy hoạch “mọc ra” do các nhà đầu tư bất động sản, không phải do người làm quy hoạch quyết định...

Luật Quy hoạch kỳ vọng tạo nên sự thay đổi căn bản về tư duy, phương thức làm quy hoạch. Điểm mới nhất của luật này là tổng hợp, tích hợp tất cả quy hoạch vào một hệ thống có tính giản lược, hữu cơ, tương tác lẫn nhau, thông qua một “nhạc trưởng”. Loại bỏ tính nhiệm kỳ trong quy hoạch phát triển đô thị. Khắc phục tình trạng quy hoạch luôn bị thay đổi hoặc điều chỉnh, không đồng nhất về tầm nhìn, mục tiêu chiến lược, thiếu tính kế thừa - những lực cản gây lãng phí cho sự phát triển của từng địa phương. Và điều chỉnh quy hoạch không thể dựa vào ý chí chủ quan của người nắm quyền điều hành.

Ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội cho hay, các cuộc giám sát cho thấy khó tìm được các quy hoạch có tính thực tế.

Không ai quan tâm đến tính khả thi của quy hoạch, không quan tâm đến thị trường nên thay đổi quy hoạch liên tục. Quy hoạch vẫn theo kiểu đơn biệt và phân mảnh, mạnh ai nấy làm. Luật Quy hoạch hy vọng sẽ chấm dứt thực trạng này trên toàn quốc.

Quá nhiều điều cần khắc phục

Khá nhiều câu hỏi đặt ra từ cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Quảng Nam với các sở, ngành, địa phương về thực thi Luật Quy hoạch không dễ có câu trả lời xác đáng.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho hay, quy hoạch Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 (tầm nhìn đến năm 2050) đang trong bước thu thập số liệu ban đầu.

Quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, địa phương chỉ mới ban hành 2 quyết định điều chỉnh một số quy hoạch được tỉnh phê duyệt, chưa thể ban hành chính sách thay thế quy hoạch đã hết hiệu lực. Nhiều khu vực quy hoạch đã công bố sẽ thu hồi đất và đã quá thời hạn 3 năm kể từ ngày công bố nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tiến hành điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch.

Một khu vực thuộc dự án Làng đại học Đà Nẵng (Điện Ngọc, Điện Bàn). Ảnh: D.T
Một khu vực thuộc dự án Làng đại học Đà Nẵng (Điện Ngọc, Điện Bàn). Ảnh: D.T

Có thể thấy, chưa có bất kỳ phân tích, chưa đưa ra được công cụ hay tiêu chí nào để đánh giá kết quả việc lập quy hoạch với việc thực thi luật. Mọi vướng mắc cũ cần thời gian để thay đổi.

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh nói Làng đại học Đà Nẵng treo nhiều năm gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, mấy thế hệ không thay đổi, đã từng nóng trên các diễn đàn địa phương, Quốc hội đã có kiến nghị hay giải pháp nào chưa? Lợi ích người dân phải được tính đến. Không thể bắt dân chờ mãi trong vô vọng được.

Báo cáo của Sở TN&MT do ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc sở ký, nêu việc nắm thông tin, dự báo nhu cầu sử dụng đất các ngành, cấp hạn chế, thiếu độ chính xác, năng lực tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất yếu.

Trình độ, năng lực của cán bộ chuyên môn yếu nên chất lượng sản phẩm quy hoạch thấp. Việc công bố, công khai quy hoạch sử dụng đất ở địa phương, công bố hủy bỏ các dự án không có tính khả thi chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện, quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất. 

Các địa phương than phiền việc ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật gây khó khi điều chỉnh, sửa đổi nhiều lần dẫn đến sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn nhau.

Ông Phạm Văn Sang – Trưởng phòng TN&MT huyện Duy Xuyên nói toàn bộ đất đai ở Duy Hải, Duy Nghĩa được mặc định là đất thương mại, dịch vụ, khiến các diện tích đất khai hoang, không tranh chấp, sử dụng lâu năm vẫn không được cấp giấy. Không treo cũng thành treo, gây khó cho dân, cơ quan quản lý địa phương không thể nào giải thích rõ được.

DẤU HỎI CHẤT LƯỢNG

Thiếu tiền dẫn đến chất lượng các đồ án quy hoạch yếu, thiếu tính khả thi. Việc xã hội hóa (luật cho phép) còn thiếu hướng dẫn cụ thể khiến chưa thể huy động nguồn lực để lập những quy hoạch chất lượng.

Luật Quy hoạch tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, các ngành kinh tế khác nhau. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Luật Quy hoạch tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, các ngành kinh tế khác nhau. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tiền ít không thể có quy hoạch chất lượng

Sở Xây dựng cho hay đã có 194/203 xã có quy hoạch được phê duyệt. Các địa phương còn lại không lập quy hoạch nông thôn mới do định hướng phát triển lên đô thị. Theo ông Dương Văn Phước - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, nhiều quy hoạch xã hiện nay không hiệu quả bởi kinh phí chỉ vài trăm triệu đồng.

Quy hoạch xã này áp vào xã kia. Không những không định hướng tốt mà còn gây khó khăn cho tiến trình phát triển. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nhận định: “Chất lượng một số quy hoạch hiện nay không cao vì một đơn vị tư vấn phải ôm, xử lý quá nhiều quy hoạch”.

Hiệu quả công tác quy hoạch vẫn đang là dấu hỏi. Không ít trường hợp quy hoạch nông thôn mới vì đáp ứng các tiêu chí mới để xác nhận đạt chuẩn đã phải điều chỉnh quy hoạch như một kiểu “cung cấp chứng từ” cho đủ.

Ông Dương Văn Phước nói định mức kinh phí cho việc lập quy hoạch quá thấp. Có nơi lấy định mức quy hoạch nông thôn để làm quy hoạch đô thị, thì chất lượng quy hoạch không thể cao được và không sát thực tế. Cần phải xem xét nâng định mức này lên hoặc có giải pháp cụ thể.

Ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội cho hay, theo nguyên tắc lập quy hoạch, các nhà tư vấn sẽ phải trả lời cho được việc đưa ra các đánh giá khách quan, tiên lượng về tính khả thi của từng giải pháp cho cùng một đích đến.

Nhiều sự lựa chọn trên không gian lãnh thổ sẽ như thế nào? Một quy hoạch hiện thực, có tính khả thi thì cần nguồn lực ở đâu, tiến độ thực hiện bao lâu?... Hay nói cách khác, chất lượng quy hoạch thực thi trên thực tế mới là điều quan trọng cần chính sách nguồn lực.

“Không thể có một quy hoạch hoàn hảo. Nhưng một quy hoạch không thực tế sẽ còn tệ hơn không có quy hoạch. Sẽ trở thành quy hoạch treo, sẽ là mối đe dọa sự bình ổn của cuộc sống người dân. Quy hoạch làm ra cho nhiều, yếu chất lượng, không thực hiện được thì có nên thiết lập quy hoạch hay không?” - ông Thắng đặt vấn đề.

Xã hội hóa được không?

Luật Quy hoạch có điều khoản khuyến khích các địa phương huy động tiền tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Nhưng các bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách cụ thể để tiếp nhận các nguồn lực cho hoạt động quy hoạch, nên hầu như không thể thực hiện được.

Cũng không ít người lo ngại liệu xã hội hóa có bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch hay lại dẫn đến nguy cơ can thiệp của doanh nghiệp, tổ chức tác động đến quy hoạch theo chủ ý và có lợi cho một nhóm nào đó.

Lãnh đạo tỉnh thị sát vùng đông phục vụ cho công tác quy hoạch. Ảnh: D.T
Lãnh đạo tỉnh thị sát vùng đông phục vụ cho công tác quy hoạch. Ảnh: D.T

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư nói đã dự lường các tình huống này. Quy hoạch là của Nhà nước lập, thẩm định. Không ai can thiệp được. Tiền hỗ trợ của đơn vị, tổ chức sẽ nộp vào ngân sách nhà nước rồi chi tiêu như vốn đầu tư công.

Tổ chức, cá nhân nào muốn tài trợ bằng sản phẩm thì mời tham gia hội thảo phản biện, đóng góp ý kiến về quy hoạch, Quảng Nam không nhận sản phẩm tài trợ cho các quy hoạch.

Ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thành viên Đoàn ĐBQH Quảng Nam cho rằng, chưa chắc chỉ một mình Nhà nước thực hiện quy hoạch đã tốt mà cần có cơ chế kết hợp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Làm sao đó mà ý tưởng đóng góp của nhà đầu tư không được trái với yêu cầu quy hoạch chung là được. Nếu nhà đầu tư có ý tưởng tốt về quy hoạch thì cần tạo điều kiện thuận lợi cho họ và lúc đó doanh nghiệp cũng sẵn sàng bỏ kinh phí lớn để cùng làm. 

Chất lượng quy hoạch yếu thời gian qua dẫn đến câu chuyện đấu thầu hay chỉ định thầu với các đồ án quy hoạch đặc thù. Thành viên đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH Quảng Nam từng nêu câu hỏi về năng lực hay chất lượng của một đồ án ra đời khi các đơn vị bỏ thầu giá thấp trúng thầu.

Theo ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, chưa chắc đơn vị trúng thầu giá rẻ sẽ thực hiện các quy hoạch chất lượng. Cần đánh giá kỹ về năng lực của các nhà thầu tư vấn lập quy hoạch này. Cũng cần phải cân nhắc với các quy hoạch của doanh nghiệp, bởi có thể họ quy hoạch rất tốt, nhưng chưa chắc đồ án sẽ thích hợp khi áp vào thực tế.

Quan điểm của ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng là khu vực phát triển theo hướng nào (sinh thái hay phát triển đô thị thông minh...) cần phải chọn đơn vị tư vấn đúng chuyên ngành. Có những dự án, đơn vị tư vấn tại chỗ làm tốt hơn vì hiểu đặc trưng bản địa nhưng có những dự án định hướng chiến lược lâu dài thì cần những đơn vị tầm cỡ.

“Nếu xét đây là sản phẩm mang tính đặc thù thì nên giao quyền quyết định chọn thầu cho người có thẩm quyền để quy hoạch đi đúng định hướng phù hợp hơn là tổ chức đấu thầu” - ông Hùng nói.

Theo ông Vương Quốc Thắng, quy hoạch là công cụ đắc lực nhất để quản lý, điều tiết phát triển không gian kinh tế - xã hội. Nếu yếu kém hay vô dụng sẽ chẳng những không thực hiện được chức năng quản lý phát triển mà còn gây nên những tổn thất và rối loạn ở cấp độ toàn xã hội. Cần tính đến nguồn lực (từ Nhà nước hay xã hội hóa) để đạt được những quy hoạch chất lượng.

QUY HOẠCH CHỜ... QUY HOẠCH

Nhu cầu có quy hoạch để quản lý ở các cấp độ hành chính thực sự cần thiết. Điều đó tạo ra một giai đoạn chuyển tiếp, bởi khi quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên sẽ gặp các vướng mắc cần giải quyết.

Điều chỉnh quy hoạch sẽ dẫn đến ảnh hưởng việc phân bổ kế hoạch sử dụng đất của các địa phương. Ảnh: D.T
Điều chỉnh quy hoạch sẽ dẫn đến ảnh hưởng việc phân bổ kế hoạch sử dụng đất của các địa phương. Ảnh: D.T

Bối rối chờ nhau

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết đã đề nghị liên danh tư vấn đề xuất quy hoạch cái gì phải rõ cái đó, thể hiện được tư duy “đột phá, khác biệt, toàn diện, bền vững” của riêng địa phương cho đồ án quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Không để tình trạng na ná giống nhau các tỉnh. Không quá cầu toàn vào các dự báo. Quan trọng hơn là tầm nhìn.

Một loạt quy hoạch, kế hoạch hiện hành không còn giá trị áp dụng. Trong khi đó các văn bản hướng dẫn “đá nhau” khiến các địa phương lúng túng. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nói quy hoạch Quảng Nam sẽ hoàn thành các nội dung, trình thẩm định trong quý II và quý III năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.

Luật quy định các quy hoạch đều phải thực hiện song song. Nhưng quy hoạch tỉnh sẽ được phê duyệt trước, quy hoạch vùng và quốc gia phê duyệt sau. Nếu có sự sai khác sẽ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp, rất khó cho địa phương.

Có vẻ như các quy hoạch cấp huyện ít bị tác động theo các điều khoản quy định trong luật. Tuy nhiên, với việc loại bỏ các quy hoạch khác cũng như tổ chức, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống quy hoạch theo nguyên tắc có thứ bậc rõ ràng hơn, có sự tích hợp đa ngành cao, buộc phải có những điều chỉnh về quy trình.

Như vậy, quy hoạch tỉnh ngóng quy hoạch trung ương, còn quy hoạch huyện phải chờ quy hoạch tỉnh... Hầu hết quy hoạch xây dựng, kể cả quy hoạch chung đô thị khá bị động.

Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Xây dựng) nói quá trình lập quy hoạch vùng huyện cân nhắc, thay đổi liên tục. Cái khó của cấp huyện, kể cả tư vấn là ở mức độ nào thì đánh giá quy hoạch cấp dưới phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cũng bảo hiện có tình trạng quy hoạch cấp dưới chờ quy hoạch cấp trên. Bởi nếu quy hoạch không chuẩn thì ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng đất...

“Theo quy định các quy hoạch triển khai đồng thời. Làm đồng thời thì sau này phải điều chỉnh. Mà điều chỉnh sẽ dẫn đến ảnh hưởng việc phân bổ kế hoạch sử dụng đất cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực” - ông Toàn nói.

Cần sự thay đổi

Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải nói, quy hoạch tỉnh chưa hoàn thành. Rất cần quy hoạch hoàn chỉnh để có thể dễ dàng điều chỉnh một số dự án giao thông cần thiết, bức xúc nhưng bị vướng, không thể tiến hành được.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nếu dự án nào thực sự cần thiết, được Ban Thường vụ thống nhất thì mới làm. Còn lại vẫn phải chờ quy hoạch vì sợ làm tràn lan sẽ “vỡ quy hoạch”.

Luật ra đời thuận lợi, nhưng cũng nhiều vướng mắc. Bây giờ doanh nghiệp muốn làm nhà máy bia, điểm kinh doanh xăng dầu, cơ sở sát hạch dạy nghề... thì địa phương không biết căn cứ vào đâu để phản hồi cho doanh nghiệp.

Quảng Nam có 14 quy hoạch tích hợp, 18 quy hoạch địa phương, 19 quy hoạch lĩnh vực ngành (theo đề cương Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Có đến 32 nội dung cũ được tích hợp vào quy hoạch mới, không dễ thực hiện.

Ông Lâm Quang Thành - Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách (HĐND tỉnh) băn khoăn các quy hoạch ngành thường bổ sung, điều chỉnh liên tục. Không biết sẽ điều chỉnh như thế nào khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Một số quy hoạch được tích hợp thì đã hết hạn trong năm 2020. Chưa biết quy hoạch tỉnh có ban hành được trong năm 2022 không? Nếu điều chỉnh, bổ sung thì không đảm bảo, nhưng nếu không bổ sung thì nhiều hoạt động sẽ bị gián đoạn.

Hàng loạt vướng mắc từ thực thi các chính sách của Luật Quy hoạch. Từ sự chậm trễ của việc phê duyệt nối đuôi nhau các quy hoạch, rồi nguồn lực, xã hội hóa, đến lựa chọn tư vấn hay lấy ý kiến từ cộng đồng... đều cần có hướng dẫn dưới luật để tháo gỡ.

Ông Dương Văn Phước - Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Nam cho hay, thông qua giám sát đã ghi nhận nhiều kiến nghị của các sở, ngành, địa phương về một số bất cập trong quy định của luật, khó thực thi trên thực tế. Lỗi này thuộc về chính sách đưa ra nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể. Tất cả đang chờ vào một bảng tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc từ các tỉnh thành để có thể trình Quốc hội xem xét điều chỉnh hay sửa đổi.

CẦN ĐIỀU CHỈNH VÌ LỢI ÍCH CHUNG

Khi những bất cập, vướng mắc đã hiển hiện thì cập nhật, điều chỉnh là điều tất yếu để Luật Quy hoạch thể hiện đúng vai trò và đáp ứng được kỳ vọng về sự ra đời của nó.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn ĐBQH Lê Văn Dũng: “Sẽ đề xuất điều chỉnh quy định hợp thực tiễn”

 

Việc thực hiện quy định của Luật Quy hoạch đúng là còn nhiều bất cập. Ở quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quy hoạch, luật chưa quy định rõ cần lấy ý kiến ở giai đoạn nào và nội dung gì cho cụ thể, bởi một đồ án quy hoạch chứa đựng rất nhiều nội dung từ bao quát đến chi tiết. Và thêm nữa là đối tượng cần lấy ý kiến là ai phải hết sức cụ thể. Như vậy thì mới đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng và tiến độ hoàn thiện các quy hoạch.

Hướng dẫn về tranh thủ nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho công tác lập quy hoạch cũng chưa có trong khi ngân sách Nhà nước đầu tư thì chưa đáp ứng nhu cầu. Nhà đầu tư muốn đóng góp vào quy hoạch để tăng chất lượng, đẩy nhanh quy hoạch nhưng không có cơ chế. Quy trình, thủ tục thực hiện quy hoạch cũng còn rất rườm rà, có những quy hoạch kéo dài đến 5 năm chưa làm được rất cần phải xem xét sửa chữa.

Mối quan hệ trong quy hoạch của quy hoạch quốc gia với quy hoạch tỉnh, quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết với quy hoạch chung vẫn còn nhiều điều vướng mắc. Quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất còn mâu thuẫn với quy hoạch xây dựng… trong thực tiễn, nên chúng tôi sẽ đề xuất Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh mối quan hệ này cho hợp lý. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Thế Đức: “Thời gian sống của luật phải dài hạn”

 

Luật Quy hoạch đã tạo cơ sở pháp lý đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa... địa phương. Song, thực thi luật vẫn còn quá nhiều vướng mắc. Cần hệ thống chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch theo hướng đồng bộ, tích hợp giữa các ngành, lĩnh vực về cùng một đầu mối quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất. Quy hoạch phải lâu dài, hợp với tầm nhìn, hài hòa thực tiễn, hạn chế việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật gây chồng chéo, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện...

Xây dựng chính sách, pháp luật cần gắn thực tiễn, phù hợp theo từng giai đoạn phát triển xã hội, trình độ dân trí khu vực, địa bàn. Việc ban hành văn bản đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, tránh tình trạng các văn bản dưới luật, hướng dẫn ban hành chậm, dẫn đến luật mới có hiệu lực đã phải điều chỉnh, bổ sung, gây lúng túng cho việc thi hành tại địa phương.

Lộ trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nên rút ngắn thời gian thực hiện xuống tối đa, nhưng thời gian “sống” của luật phải dài hơi, ít nhất là 10 năm để bảo đảm việc đồng bộ phân kỳ đồ án theo quy định. Tránh tình trạng quy hoạch chưa hết hiệu lực đã phải điều chỉnh, sửa đổi do việc thay đổi của các văn bản pháp luật về quy hoạch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục Quốc hội Tạ Văn Hạ: “Xây dựng chính sách phải gắn thực tiễn”

 

Tích hợp quy hoạch rất khó. Vấn đề đáng quan tâm là căn cứ để xây dựng quy hoạch. Việc phân định giữa trung ương với địa phương, giữa các ngành với nhau trong nội dung quy hoạch cần được làm rõ, hạn chế tối đa việc đan xen để đảm bảo tính thống nhất. Kinh tế chi phối, đan xen trong tất cả ngành và lĩnh vực và quyết định tính khả thi.

Có thể tìm tài trợ, tìm nhà tư vấn kinh nghiệm để giúp quy hoạch dài hơi, có tầm chiến lược thay vì phải điều chỉnh, sửa đổi liên tục gây chồng chéo và băm nát không gian lãnh thổ địa phương. Các ngành sẽ là đơn vị “đặt hàng” cho lĩnh vực phát triển của mình. Các nhà tư vấn sẽ phải trả lời về tính khả thi của quy hoạch trên thực tế. Có phải đấy là những cách tiếp cập khác hẳn khi lập quy hoạch theo phương pháp mới?

Công tác thẩm định cần lựa chọn chuyên gia đủ tầm để thẩm định, phát hiện, điều chỉnh quy hoạch. Lập, điều chỉnh quy hoạch cần quy định chặt chẽ hơn như buộc phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, ưu tiên tiện ích công cộng, sinh hoạt cộng đồng, lấy ý kiến người dân có liên quan.

Các cuộc giám sát ghi nhận để có thể làm luật cho sát thực tế. Nếu chưa hợp sẽ phải sửa. Không thể để tuổi thọ của luật ngắn ngủi chỉ vì “chính sách trên trời, còn con người dưới đất” không thể thực hiện được.

Quảng Nam có 19 đô thị, gồm 1 đô thị loại II (Tam Kỳ), 1 đô thị loại III (Hội An), 1 đô thị loại IV (Điện Bàn) và 16 đô thị loại V. Trên địa bàn tỉnh có 146 dự án khu đô thị, trong đó 31 dự án hoàn thành, 22 dự án thi công dở dang. Đến nay cơ quan chức năng đã lập, phê duyệt 7/12 đồ án quy hoạch phân khu đô thị TP.Tam Kỳ và đang triển khai 1 đồ án quy hoạch phân khu nông nghiệp sinh thái tại phía nam thành phố. Các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An, thị xã Điện Bàn, đô thị Núi Thành giai đoạn 2025 - 2030 đang phê duyệt. Các đô thị còn lại đang triển khai nhiệm vụ quy hoạch.
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gian nan thực thi luật quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO