Gian nan vẫn trọng hiền tài

QUỐC TUẤN 16/11/2017 09:44

Dù không cầm súng trực tiếp chiến đấu nhưng giới văn nghệ sĩ, trí thức từng hoạt động trên chiến trường Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ vẫn để lại những đóng góp đáng kể nhờ sự kết nối và tạo điều kiện tận tình của lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An chia sẻ kỷ niệm trong những năm hoạt động trên chiến trường Quảng Đà tại hội thảo 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà. Ảnh: QUỐC TUẤN
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An chia sẻ kỷ niệm trong những năm hoạt động trên chiến trường Quảng Đà tại hội thảo 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà. Ảnh: QUỐC TUẤN

Dấn thân vào nơi khốc liệt

Là mặt trận ác liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng điều đó không làm chùn bước các văn nghệ sĩ, trí thức dấn thân ở Quảng Đà để khổ luyện và làm nhiệm vụ. Theo tài liệu của nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ trong tập bút ký “Tuổi trẻ biết xông pha”, từ tháng 11.1964, hàng loạt nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, có người quê gốc ở Quảng Đà, có những người sinh ra trên khắp mọi miền đất nước đã lần lượt xông pha vào mảnh đất kiên trung này để cống hiến tuổi thanh xuân. Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (quê thị xã Điện Bàn), nguyên là phóng viên chiến trường Báo Cờ Giải Phóng của Ban Tuyên huấn Khu ủy 5, hồi đó có rất nhiều trí thức, nghệ sĩ tên tuổi háo hức muốn có mặt tại chiến trường Quảng Đà để hoạt động, họ xem đây là một mặt trận hấp dẫn để dấn thân và trưởng thành. Chính nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cũng đã tình nguyện rời miền Bắc để trở về mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” cống hiến trong nhiều năm liền trước khi quay lại Hà Nội sau Hiệp định Paris (1973).

Có thể kể ra rất nhiều nghệ sĩ tài hoa đã chiến đấu bằng tài năng, ngòi bút của mình, góp phần công sức kể cả máu xương của mình để giành lại hòa bình cho quê hương, cho dân tộc. Có 3 người con ưu tú đã nằm xuống mảnh đất Duy Xuyên khi đang trên đường thâm nhập mặt trận tìm tài liệu hoặc đang chuẩn bị biểu diễn phục vụ cho người dân là nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà văn Chu Cẩm Phong và nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Ngoài ra còn có nhà báo Nguyễn Trọng Định (Báo Nhân Dân) hy sinh tại xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn hay nhạc sĩ Văn Cận hy sinh ở xã Điện Quang (Gò Nổi) khi vừa nhập vào đoàn văn công Quảng Đà chuẩn bị biễu diễn…

Trân quý nhân tài

Ngoài việc là một chiến trường khốc liệt, có nhiều “đất” để thỏa khát vọng dấn bước, thì việc lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà luôn ưu ái, trân trọng tài năng cũng là điều để giới trí thức, văn nghệ sĩ sẵn sàng xung phong đến đất này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An chia sẻ rằng, những lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà để lại trong ông ấn tượng sâu sắc về sự tận tình, xem như người nhà trong sinh hoạt cũng như chiến đấu. Như trong những lần đi tải gạo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An và một số anh em văn nghệ sĩ khác được đồng chí Phạm Đức Nam - lúc này là Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ưu tiên tải gần, tải ở những nơi bớt nguy hiểm hơn vì được cho là “chân yếu tay mềm” hơn so với cán bộ, chiến sĩ khác.

NSND Trần Văn Thủy, người nổi tiếng với các bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” cũng từng chia sẻ với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An rằng, việc ông thực hiện được một bộ phim tài liệu đặc sắc ở chiến trường Quảng Đà mang tên “Những người dân quê tôi” nhờ sự giúp sức rất lớn của anh em Ban Tuyên huấn Quảng Đà, nhất là đồng chí Triều Phương. Ngoài ra, còn rất nhiều lần khác Bí thư Hồ Nghinh trực tiếp mời cơm rồi tìm chỗ lưu trú ổn định cho nhà báo Dương Đức Quý, nhà văn Chu Cẩm Phong và được ông tin cậy chia sẻ những câu chuyện, tin tức quan trọng về chiến trường… Khi hay tin nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh ông Hồ Nghinh chết điếng và bắt nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An đi xác minh tin này nhiều lần. Những lúc đào hầm, làm nhà, lãnh đạo Đặc khu ủy cũng ưu tiên phần việc nhẹ nhàng, hay những khi đau ốm được củ sâm, viên thuốc tốt các đồng chí đều san sẻ cho anh em văn nghệ sĩ, trí thức. Cũng vì tình cảm yêu mến, che chở của các đồng chí lãnh đạo mà trong những lúc nguy khó nhất, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức vẫn không sờn gan, nhụt chí. Tiêu biểu như thời điểm sau Tết Mậu Thân (1968), dù bị địch khủng bố thả bom làm 9 người trong đoàn văn công Quảng Đà hy sinh nhưng đơn vị vẫn quyết tâm xốc lại tinh thần, chỉ hai ngày sau đã tiếp tục tập duyệt và biểu diễn tại huyện Duy Xuyên thay vì hủy bỏ kế hoạch để bảo toàn lực lượng.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gian nan vẫn trọng hiền tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO