Họ - có người là nhân viên y tế thôn bản (YTTB), có người làm công việc của những cô đỡ thôn bản (CĐTB) ở vùng cao. Họ miệt mài chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi ở những vùng khó khăn, hay giúp chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ sơ sinh ở các vùng cao. Nhưng phụ cấp “không đủ để mua gạo ăn trong một tháng”, đối diện với rất nhiều khó khăn từ chế độ, chính sách… việc để họ gắn bó với công việc này, còn là một câu chuyện dài!
NHỌC NHẰN LÀM NGHỀ
Chế độ phụ cấp “bèo bọt”, trong khi địa bàn ngày càng mở rộng, nhiều nhân viên YTTB, CĐTB tại nhiều vùng cao vẫn gắn bó với công việc vì tình cảm, trách nhiệm với đồng bào mình.
Khó khăn
Chị Hồ Thị Huệ - nhân viên YTTB xã Phước Thành, huyện Phước Sơn tâm sự, làm công việc này nhiều khó khăn và áp lực, có những lúc cô muốn buông bỏ tất cả, nhưng nghĩ đến những phụ nữ và em nhỏ cần mình, những người già trên các nóc làng, Huệ lại cố, lại tự nhủ mình không được bỏ nghề. “Tính đến nay, mình đã có 16 năm làm YTTB, từ khi phụ cấp là 50 nghìn đồng/tháng, giờ cũng được 695 nghìn đồng. Khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Nói thật, nếu không vì yêu nghề thì khó để mình gắn bó cho đến tận bây giờ, nhất là khi tiến hành nhập các thôn lại với nhau, địa bàn rộng ra nhưng phụ cấp thì vẫn vậy” - Huệ nói. Một ngày của Huệ không chỉ có ở trạm y tế mà dong ruổi từ mọi ngóc của từng thôn ở xã Phước Thành. Hơn 600 nghìn đồng mỗi tháng không đủ để Huệ vừa trang trải chi tiêu trong nhà vừa lo cho hai đứa con ăn học. “Cũng may là chính quyền địa phương, trạm cũng tạo điều kiện để mình làm thêm một số công tác khác như cộng tác viên dân số… để kiếm thêm thu nhập, chứ nếu với mức lương đó thì rất khó cho mình” - Huệ nói thêm.
Gần 1.800 nhân viên YTTB được phân bố hoạt động trên khắp các thôn bản ở Quảng Nam, nhưng chưa đến một nửa phải đảm nhiệm vùng núi rộng lớn. Nhiều thôn bản bố trí đến 2 nhân viên, nhưng cũng không thể “phủ sóng” hết địa bàn dân cư. Đội ngũ này đã và đang trở thành những nhân tố quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và phòng chống dịch bệnh. Với khối lượng công việc khá nhiều, từ tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, sơ cứu ban đầu đến chăm sóc bệnh thông thường, hướng dẫn chăm sóc người mắc bệnh xã hội, bệnh không lây nhiễm tại nhà, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình…
Mặc dù đảm nhiệm công việc quan trọng nhưng hàng tháng, mỗi nhân viên YTTB chỉ được hỗ trợ từ gần 300 đến gần 700 nghìn đồng tùy theo vùng. Số tiền ấy gần như chỉ đủ để đổ xăng xe đi lại… Ông Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc TTYT huyện Phước Sơn cho rằng, phụ cấp cho YTTB không thay đổi nhưng địa bàn thì ngày càng mở rộng ra. “Phước Sơn đã sáp nhập một số đơn vị hành chính thôn, xã nên địa bàn phụ trách của nhân viên YTTB theo đó cũng mở rộng ra, thay vì phụ trách 1 thôn như trước đây thì thành 2 thôn. Toàn huyện có 38 nhân viên YTTB/42 tổ, thôn, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mỗi thôn có 1 nhân viên YTTB. Tình trạng này là do phụ cấp cho những người này còn quá thấp so với khối lượng công việc họ phải làm” - ông Long nói.
Đội ngũ nhân viên YTTB vùng cao chịu rất nhiều khó khăn và thua thiệt. Ông Long thổ lộ: “Cứ tưởng tượng, giữa các thôn với nhau có thể đi cả tiếng đồng hồ, thậm chí phải lội bộ. Rất vất vả. Nhưng những gì họ được chi trả chưa tương xứng, nên cũng dễ hiểu khi họ chán nản và bỏ bê công việc để tìm việc khác có thu nhập cao hơn”.
Những cô đỡ của bản
Đội ngũ nhân viên YTTB, ngoài những người làm công việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng dân cư, còn có những phụ nữ người dân tộc thiểu số làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ở nhiều vùng người dân sống cách xa cơ sở y tế, việc sinh đẻ của phụ nữ trông cậy phần nhiều vào các CĐTB. Thực tế, ở những địa phương có CĐTB, kiến thức và thực hành về sức khỏe sinh sản của phụ nữ đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ biết cách chăm sóc thai nghén, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai, sau sinh đã được cải thiện. Tỷ lệ chấp nhận khám thai, đến đẻ tại cơ sở y tế hoặc đẻ tại nhà có sự hỗ trợ của CĐTB tăng lên...
Những cô đỡ chính là nhịp cầu nối để phụ nữ đồng bào tiệm cận hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ông Chơ Rum Thanh Vòm - Giám đốc TTYT huyện Nam Giang nói, cán bộ y tế tiếp cận với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các xã vùng cao, biên giới. Sự khác biệt về yếu tố văn hóa như ngôn ngữ, phong tục tập quán ở đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến việc mang thai, sinh con làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Các yếu tố nghèo đói, giao thông khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, các dịch vụ chưa phù hợp với văn hóa của đồng bào dân tộc... cũng đã cản trở đồng bào đến sinh con tại các cơ sở y tế. Chính từ sự tuyên truyền, hướng dẫn của các CĐTB, chị em đã đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai, đến cơ sở y tế để sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi quy định…
Chị Alăng Thị Ngung - CĐTB của huyện Tây Giang, nhiều năm liền, đã phối hợp với trưởng thôn để tuyên truyền tới bà con về công tác chăm sóc sức khỏe như ăn chín, uống sôi… Hàng tháng, chị tranh thủ thời gian đến từng gia đình có phụ nữ mang thai đi khám thai, vận động chị em đến trạm đẻ, hướng dẫn họ về cách vệ sinh cá nhân, cách vệ sinh cho con nhỏ và cách cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Nhiều lần, chị phát hiện và chuyển viện kịp thời nhiều ca khó, nguy hiểm như ngôi ngang, chuyển dạ đẻ non, tiền sử sản giật, chuyển dạ kéo dài… Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, đội ngũ CĐTB giúp cho trạm y tế xã quản lý bà mẹ mang thai (đặc biệt phát hiện thai nghén nguy cơ cao), vận động bà mẹ đi khám thai và đẻ tại cơ sở y tế. Trường hợp sản phụ không thể sinh tại cơ sở y tế hoặc đẻ rơi do khoảng cách về mặt địa lý, thời tiết, giao thông, hoặc do tập tục lạc hậu... CĐTB cũng giúp họ được đỡ đẻ tại nhà theo đúng kỹ thuật, quy trình được đào tạo, đảm bảo sự an toàn cho mẹ và cho con.
Ngoài ra, CĐTB còn giúp vận động bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván tận nhà cho các thai phụ không có điều kiện tiếp cận với cơ sở y tế. Họ giúp địa phương trong công tác quản lý, báo cáo số liệu về tình hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại nơi cư trú như quản lý thai, số phụ nữ trong diện sinh đẻ, số phụ nữ sinh, số trẻ em từ 0 - 5 tuổi... Thế nhưng, thu nhập của họ hầu như chỉ đủ trang trải chi phí cho những chuyến đi qua các nóc, qua những ngọn núi, con đồi gập ghềnh...
PHỤ CẤP KHÔNG ĐỦ MUA GẠO ĂN
Nhiều nhân viên YTTB đồng loạt xin nghỉ, vì chế độ phụ cấp quá thấp. Đến nỗi, một cán bộ lãnh đạo y tế tuyến huyện phải kêu lên “phụ cấp không đủ mua gạo ăn, sao họ gắn bó nổi”.
Hồ Văn Lâm là nhân viên YTTB của thôn Khe Chữ, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Cứ mỗi tháng, Lâm phải lấy đủ số mẫu xét nghiệm sốt rét, báo cáo sinh tử, cân trẻ để kiểm tra có bị suy dinh dưỡng hay không, giám sát nước sạch, vệ sinh công cộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… Chưa kể tháng nào có chương trình tiêm chủng mở rộng thì cũng phải phụ giúp. Chừng đó khối lượng công việc, nhưng thu nhập của Lâm chưa đến 700 nghìn đồng/tháng. “Nếu đi làm công bốc dỡ keo, hay phụ hồ xây dựng thì mỗi tháng tiền công cũng cao gấp nhiều lần so với hiện tại. Nhưng vì mình muốn gắn bó với nghề y nên ở lại” - Lâm nói. Lên Khe Chữ công tác từ năm 2017, là lúc mà mưa gió, sạt lở tàn phá nơi này, Lâm cùng những người dân trong làng cõng không biết bao nhiêu người bệnh từ Khe Chữ về Tắc Pỏ để cấp cứu. Đã chạnh lòng nhiều lần về nghề, nhưng vẫn một hai ở lại nơi này, vì với Lâm, tấm chân tình của đồng bào Khe Chữ, còn nặng lắm!
Ông Trần Văn Thu - Giám đốc TTYT huyện Nam Trà My, người đã nhiều lần kêu gọi các cấp phải làm sao để tăng phụ cấp cho đội ngũ nhân viên YTTB, phải kêu lên: “Phụ cấp quá thấp, không đủ mua gạo để gia đình họ ăn trong một tháng”. Theo ông, Nam Trà My hiện nay có 106 nhân viên YTTB, phụ trách 35 thôn. “Về cơ bản, thì đã đáp ứng được yêu cầu về số lượng. Nhưng thực chất, đã có khá nhiều người bỏ việc vì phụ cấp quá thấp, trong khi khối lượng công việc rất nhiều. Tính ra như hiện nay, phụ cấp của họ chừng 700 nghìn, chưa đủ mua gạo cho gia đình ăn trong 1 tháng. Còn tiền sinh hoạt, con cái ăn học, phục vụ gia đình thì không thể nào đủ” - ông Thu nói. Với đặc thù của miền núi, nơi các thôn, nóc cách xa nhau, nên chỉ tính tiền xăng xe chạy từ nơi này qua nơi khác, đã phải gấp nhiều lần ở dưới xuôi. Trong khi đó, theo vị lãnh đạo TTYT huyện Nam Trà My, quyền lợi của họ vẫn chưa được chú trọng, vẫn không được đóng BHXH.
Trong khi đó, nơi nào, cấp nào cũng nhìn nhận nhân viên YTTB có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe của người dân miền núi. Chỉ có họ mới sâu sát được từng ngõ ngách của thôn bản. Ông Thu kể lại câu chuyện về hồi dịch bạch hầu năm 2016, chính những nhân viên YTTB phát hiện và báo với TTYT huyện về những triệu chứng của căn bệnh lạ, rồi sau này xác định là bạch hầu. “Nếu không có họ, thì dịch có thể lây lan trên diện rộng mà không thể kiểm soát” - ông Thu trầm ngâm.
Thu nhập thấp, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nhiều nơi, nhân viên YTTB đồng loạt xin nghỉ việc. Tại huyện Nam Giang, ở 9 thôn của thị trấn Thạnh Mỹ, hai năm nay đã không còn nhân viên YTTB hoạt động. Ông Phạm Hồng Hà - Phó Giám đốc TTYT huyện Nam Giang cho biết lý do là theo quy định của Chính phủ, nhân viên YTTB ở thị trấn không còn được hưởng trợ cấp nữa. “Bình thường, phụ cấp của họ đã thấp, nay cắt đi thì họ nghỉ việc cũng không thể trách được. Tuy là thị trấn, nhưng đây vẫn là vùng núi, các thôn cách rất xa nhau. Từ thôn Pà Dấu về tới Thạnh Mỹ cũng 23km, riêng tiền xăng xe người ta chạy cũng đã tiêu tốn rất nhiều, có phụ cấp chưa chắc đã đủ, giờ còn cắt đi thì rất khó để bắt người ta làm việc không công” - ông Phạm Hồng Hà nói.
Trong khi đó, địa bàn hoạt động ngày một nới rộng, thu nhập lại không thay đổi, cũng là lý do để đội ngũ này không mấy mặn mà. Các thôn sáp nhập, buộc phải tinh giản người lao động. Hoặc một người phải kiêm nhiệm nhiều thôn. Vì quá áp lực, hẳn đây cũng là một phần trong câu chuyện bỏ nghề của những người đã gắn bó lâu năm với nghiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng người dân miền núi. Vẫn biết, để nâng cao chất lượng y tế phải bắt đầu từ đội ngũ y tế cơ sở nhưng đến khi nào chế độ, chính sách mới đảm bảo để những cộng tác viên YTTB yên tâm với công việc họ đang đảm trách?
TRỢ LỰC BẰNG CÁCH NÀO?
Mặc dù có vai trò khá quan trọng, nhưng trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên YTTB vẫn còn là một vấn đề. Cùng với chế độ chính sách, việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ này cũng là vấn đề bức thiết.
Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tại Quảng Nam, đội ngũ cô đỡ thôn bản (CĐTB) rất cần thiết cho các thôn bản ở các huyện miền núi cao, nhất là Nam Trà My và các xã biên giới của Tây Giang, Nam Giang. Năm 2018, tỉnh có 15 CĐTB đã được đào tạo trong dự án đào tạo do Tổ chức Samaritan’s Puse tại Việt Nam tài trợ, hiện làm việc tại các thôn vùng cao của huyện Nam Trà My. Sau khi được đào tạo các CĐTB này trở về địa phương để giúp đỡ cho người dân tại thôn bản và trạm y tế xã. “Năm 2019, chúng tôi tổ chức đào tạo 23 CĐTB cho 14 xã biên giới của huyện Tây Giang, Nam Giang. Hiện nay, 68 thôn của 6 huyện miền núi cao đang cần có CĐTB” - ông Mai Văn Mười cho biết.
Để duy trì hoạt động của CĐTB, theo lãnh đạo Sở Y tế, một trong những tiêu chí ưu tiên để chọn học viên đi đào tạo CĐTB chính là những người đang là nhân viên YTTB để sau này lồng ghép hoạt động YTTB và CĐTB tại thôn. “Tuy nhiên, hiện nay đối với các xã miền núi đa số nhân viên YTTB là nam giới nên không thể đi đào tạo CĐTB được. Do vậy, các em nữ đi học CĐTB về sau này sẽ được tuyển dụng vào nhân viên YTTB, thay thế dần nhân viên YTTB hoạt động không hiệu quả” - ông Mười nói thêm. Hiện nay, lớp đào tạo trong vòng 6 tháng với các kiến thức ban đầu về tư vấn sức khỏe sinh sản đang được mở tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam dành cho các em nữ là người dân tộc thiểu số. Sau này, chính đội ngũ này sẽ là lớp kế cận góp phần vào vai trò là cánh tay nối dài của y tế cơ sở.
Với những người trong cuộc - là đội ngũ nhân viên YTTB đang hoạt động rất tích cực tại nhiều địa phương, ngoài mong muốn cải thiện thu nhập, họ hy vọng sẽ được quan tâm xem xét về chế độ BHXH. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm, sở đang tiến hành rà soát, tổ chức lại đội ngũ nhân viên YTTB, xây dựng đề án về chính sách YTTB theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng thêm mạng lưới CĐTB tại một số địa bàn khó khăn. Trong đó tăng mức phụ cấp hàng tháng và kinh phí hỗ trợ đào tạo kỹ năng là cần thiết nhất. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các địa phương để từng bước thực hiện việc lồng ghép nhân viên YTTB kiêm nhiệm thêm một số công việc tại thôn bản như: CĐTB, cộng tác viên dân số hoặc một số công việc ở ban dân chính thôn… vừa tạo điều kiện để họ có thêm thu nhập vừa hỗ trợ cho công tác.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều đại biểu đã yêu cầu cần có chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế cơ sở được thực hiện đúng quy định. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, hiện nay công tác đào tạo, phát triển nhân lực được nhiều trung tâm y tế chú trọng thực hiện, một số huyện có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân khá cao như Tây Giang, Phước Sơn…, đảm bảo cung cấp cơ bản các loại hình dịch vụ y tế được giao. Trong khi đó, số lượng viên chức y tế bố trí cho mỗi trạm y tế cơ bản đảm bảo nhưng cơ cấu đội ngũ một số nơi chưa hợp lý, thiếu bác sĩ tại trạm. Tại một số thôn bản vùng miền núi cao như Nam Trà My, Tây Giang số lượng nhân viên YTTB bố trí chưa đảm bảo. Chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, nhân viên YTTB nhìn chung còn thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu trong điều kiện hiện nay. Do thiếu nguồn nhân lực nên việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế ở một số nơi còn khó khăn. Sắp tới UBND tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11.5.2009, nâng mức phụ cấp đối với nhân viên YTTB.