Giàn trầu của nội

NGUYỄN VĂN CHIẾN 17/09/2023 07:34

Tôi trở lại quê nhà sau nhiều tháng ngày đằng đẵng ly hương nơi phố thị. Bước chân ra khu vườn, bên hông nhà đập vào mắt tôi là giàn trầu mướt xanh. Cũng đã rất lâu rồi, kể từ ngày nội về với thiên đàng tôi mới trở lại nơi này, nơi mà hai bà cháu đã có những kỷ niệm thật đẹp. 

Bà cháu. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Bà cháu. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Tôi nhớ ngày còn ở nhà, giàn trầu của nội lúc nào cũng xanh mướt, lá nào lá nấy to bản. Buổi sáng tôi thường theo nội ra tưới nước cho trầu. Tay nội thoăn thoắt ngắt lá vàng, lá già rồi xếp vào chiếc rổ tre nhỏ. Nội dạy tôi đối với dây trầu thì phải nhẹ nhàng để trầu khỏi giận mà lá úa không sống nữa.

Nội tôi cũng như nhiều người già trong làng có thói quen ăn trầu cau. Nội có một cái túi vải be bé đeo bên hông đựng chiếc cối giã trầu nhỏ. Lúc nào rảnh nội lại ra hông nhà hái một lá trầu thêm miếng cau, chút vôi, vỏ cây chay và bắt đầu giã ăn. Tôi cũng chẳng biết thói quen đó có từ bao giờ, chỉ biết rằng mùi lá trầu nồng nồng phảng phất quen thuộc từ rất nhỏ. Mỗi lần nội kể chuyện, đọc sách cho tôi thì hương trầu cứ thoang thoảng.

Tôi đặc biệt thích thú nhìn nội hái lá trầu, tước vỏ cau rồi bỏm bẻm nhai trệu trạo. Nội bảo “miếng trầu là đầu câu chuyện”, vì thế các lễ hội, cưới xin hay lễ, tết đều cần có trầu cau là như vậy. Trầu cau trở thành một phong tục thật đẹp đẽ đối với con người Việt Nam. Có lễ cưới nào trong làng nội cũng là người xung phong đến để têm trầu, xếp trầu vào cơi để cho gia chủ mời khách. Giàn trầu của nội cũng chính vì thế mà “hoạt động” hết công suất phục vụ ngày vui.

Cách nội mỗi lần hái trầu cũng khiến tôi phải suy ngẫm. Trước khi hái nội đều chắp tay xin trầu cho nội được hái. Nội bảo trầu cũng giống như bao cây cối khác, chúng cũng biết buồn, biết vui và biết lắng nghe. Tôi gật gù học theo nội, tỉ tê tâm sự với trầu những câu chuyện không tên. Tôi học cách xin trầu mỗi khi hái lá vào cho nội. Tôi sờ lên tấm lá mướt xanh rồi áp lên má thấy cả sự mát dịu khẽ chạm vào da thịt.

Nội trồng trầu để ăn hàng ngày, phục vụ các lễ cưới xin, lễ Tết. Dùng không hết nội lại hái mang ra chợ ngồi bán. Bố tôi gàn nội, bán trầu chẳng được bao nhiêu, lỉnh kỉnh đi lại mệt nhưng nội không chịu. Và mỗi phiên chợ trở về nội lại dúi cho tôi tấm kẹo bột, bịch nước đậu hay chiếc bánh tẻ. Tôi thích thú đón nhận món quà của nội và tự dưng yêu giàn trầu hơn bao giờ hết.

Cứ tưởng giàn trầu chỉ có ích với người già nhưng cũng có lúc tôi phải dùng. Tôi bị đau mắt đỏ, nội ra hái lá trầu vào hơ trên chén nước nóng, đợi lá héo dần rồi đắp lên mắt cho tôi. Ít ngày sau mắt tôi thuyên giảm đi trông thấy. Những lúc cảm cúm nội cũng lấy một ít lá trầu xông tắm cho tôi. Chính từ bàn tay của nội tảo tần múc từng gàu nước rồi khoát lên người, tôi như được vỗ về bởi bàn tay thô ráp, mộc mạc.

Thời gian thấm thoát trôi đi, vậy mà bà tôi đã qua mấy mùa trầu về với cát bụi. Tôi trở về ngôi nhà xưa, bên giàn trầu xanh mướt nhưng thiếu bóng nội. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn từng chiếc lá rồi mường tượng ra hình ảnh của nội bên giàn trầu năm xưa. Ký ức ùa về khiến tôi rưng rưng rơi lệ. Tôi chợt nhận ra mình có một tuổi thơ hạnh phúc khi được bên nội, bên giàn trầu thân thương. Bên những lá trầu tôi lại thủ thỉ nỗi nhớ thương nội da diết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giàn trầu của nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO