Dù biết phải đối diện với nhiều bất trắc, nhưng nghề lặn biển bắt tôm, bắt cá của người dân thôn Thuận An (xã Tam Hải, Núi Thành) cứ gắn với cuộc đời họ như một cái “nghiệp” giữa trùng khơi.
“Kình ngư” Lê Mười vừa trở về sau chuyến đi lặn dài ngày. Ảnh: V.HÀO |
Kế mưu sinh
Thôn Thuận An có 480 hộ thì đến hơn 180 hộ có người mưu sinh bằng nghề lặn biển; nhiều gia đình có 2 - 3 người theo nghề này. Chúng tôi gặp ông Lê Mười (43 tuổi) vừa trở về từ chuyến lặn kéo dài hơn 20 ngày ngoài Cù Lao Chàm (Hội An). Ông kể, nghề lặn biển của thôn này có từ thời xa xưa, khi lớn lên, thanh niên, trai tráng trong làng nối gót lớp người đi trước gắn đời mình với những bộ đồ nhái, nịt chì, súng bắn cá tự chế… để đi lặn biển mưu sinh. “Thời gian trước, anh em chúng tôi rủ nhau đi lặn khắp xứ, vào tới các vùng biển tận Nha Trang, Bình Thuận rồi ngược ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Còn bây chừ, nguồn tài nguyên biển hiếm dần nên chỉ đi lặn ở vùng biển Cù Lao Chàm hoặc đi lặn vào lúc đêm cho tới sáng rồi về ở các bãi biển gần đây thôi. Cái nghề chi mà cực, bấp bênh lại còn nguy hiểm. Hơn 20 năm đi lặn gần xa, giờ tôi muốn bỏ nghề cũng không bỏ được” - ông Mười tâm sự.
Theo các thợ lặn, công việc này chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch. Muốn theo được nghề đòi hỏi sức khỏe phải dẻo dai, thân thể phải tráng kiện mới trụ được sức ép của nước ở độ sâu đến vài chục mét. Những ngày này, người dân theo nghề lặn ở Thuận An chia thành tốp vài ba người đi trên những chiếc ghe máy ra vùng biển Cù Lao Chàm lặn tôm, cá. Chuyến đi kéo dài khoảng 3 tuần, nếu trúng mánh, bắt được tôm hùm hay một số loại hải sản quý hiếm khác, mỗi người có thể thu nhập 5 - 7 triệu đồng. Còn đối với việc lặn gần bờ tối đi sáng về ở các khu vực như mũi Bàn Than, cửa An Hòa (Núi Thành), thu nhập thấp hơn, chủ yếu bắn cá, mò ốc và hái rong mơ. Có thâm niên gần 15 năm trong nghề lặn biển, anh Huỳnh Ngọc Anh (36 tuổi) cho biết, giờ bản thân không đủ sức để theo những chuyến lặn xa; hồi trai trẻ anh có thể ngụp lặn dưới độ sâu hơn 20m nhưng chừ chỉ dám lặn ở độ sâu chừng 5m. “Chừ tôm cá có còn nhiều như trước nữa mô, vì miếng cơm manh áo nên phải đi lặn thôi chứ biết làm nghề gì khác. Nghề lặn này nguy hiểm lắm, chỉ cần sơ suất nhỏ là mất mạng như chơi” - anh Huỳnh Ngọc Anh trầm ngâm.
Nhiều bất trắc
Khi lặn, ngoài những đồ bảo hộ thiết yếu, người thợ phải đeo ngang hông một dây nịt chì nặng 5 - 15 kg. Nếu bị vộp bẻ, chuột rút thì đó là một hiểm họa khó lường. Đôi chân bước khập khiễng, ông Nguyễn Công (40 tuổi) cho biết đó là di chứng của mỗi lần bị rút cơ khi lặn ngoài biển. “Tui bỏ nghề một năm nay rồi. Nghề này giống như một canh bạc, sống chết khi nào không ai biết được. Sau mỗi chuyến đi lặn về là chân tay cứ tê cứng, ù tai, giảm thị lực” - ông Công nói. Còn ông Lê Mười chia sẻ, chuyến đi lặn ở tận trong Bình Thuận cách đây hơn 5 năm là một chuyến đi “để đời”, khi đó ranh giới giữa sự sống vài cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. “Hồi đó tụi tôi gồm 12 người cùng thôn Thuận An rủ nhau vào vùng biển trong đó để lặn mò tôm cá. Khi tôi đang lặn dưới độ sâu hơn 20m thì bất ngờ bình khí ôxy bị nổ, may là khi đó anh em lặn cùng phát hiện và dìu tôi lên khỏi mặt nước kịp thời” - ông Mười kể.
Ngoài những di chứng để lại như bị bại liệt, teo cơ, cũng có không ít trường hợp người dân làng biển này phải đánh đổi cả mạng sống của mình với nghề lặn. Trưởng thôn Thuận An - ông Trần Đình Nam cho biết từ trước đến nay đã có nhiều người tử nạn khi đi lặn biển. Tai nạn chết người gần nhất tại địa phương xảy ra vào tháng 3.2014, nạn nhân là anh Nguyễn Tấn Hoàng (29 tuổi) khi gặp sự cố về ống thở lúc đang lặn tại cửa biển An Hòa. “Nghề lặn ở đây có từ lâu đời, bây giờ một số ít đã chuyển đổi sang ngành nghề khác như đi câu mực, lưới vây, tuy nhiên số người đi lặn vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều người xem đó như là cái “nghiệp”, bỏ không được” - ông Nam nói. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải - ông Phan Như Tường cho biết: “Địa phương vẫn khuyến khích người dân Thuận An tìm kiếm công việc khác phù hợp để tránh những hệ lụy về sức khỏe sau này. Nhưng vì miếng cơm manh áo, đôi lúc lại trúng mánh như vào mùa tôm nhí nên họ lại kéo nhau đi lặn”.
VĂN HÀO