Giang Nam và "cô du kích" trong thơ

TRẦN ĐĂNG (thực hiện) 01/07/2018 09:41

“Chơi” với nhà thơ Giang Nam cũng đã lâu rồi nhưng mới đây tôi mới biết sự thật về câu chuyện giữa “Quê hương” và “cô du kích”. Nhân vật trong bài thì đã về với tổ tiên từ 5 năm trước, nhưng bài thơ viết về nhân vật ấy thì còn sống mãi với thời gian.

Nhà thơ Giang Nam (trái) và tác giả. Ảnh: NGUYỄN CHUNG
Nhà thơ Giang Nam (trái) và tác giả. Ảnh: NGUYỄN CHUNG

Ông khoe với tôi rằng suýt nữa thì mất cái vé tàu bay từ Sài Gòn về Cam Ranh: “Tôi bị kẹt xe, lại vừa “kẹt nước ngập” nên đến sân bay làm thủ tục bị trễ. Nhân viên nhà tàu bay họ thấy ông già lớ ngớ nên hỏi “ông ơi, ông đi chuyến nào ạ?”. Tôi đưa vé ra thì… tàu chuẩn bị bay rồi. Nhìn cái tên Giang Nam, cô bé nhân viên chợt hỏi: “Ủa chớ ông là nhà thơ… “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm” đó hả?”. Tôi gật đầu xác nhận. Thế là cô bé đó dặn tôi “đứng im chỗ này” và chạy đi trao đổi với ai đó một lúc khá lâu rồi quay lại: “Ông đi chuyến sau nhé”. Tôi đi vé giá rẻ, nghĩa là đến làm thủ tục trễ thì mất, phải mua tiếp chuyến sau, nhưng trong trường hợp này, tôi được… miễn mua vé lần nữa. Tôi cứ suy nghĩ mãi, không biết do cái tên trên chứng minh nhân dân là Giang Nam hay là do trời mưa ngập nước và kẹt xe nên họ “tha” cho ông già này?”. Tôi nói với ông: “Chắc là do cái tên Giang Nam chớ Sài Gòn mưa ngập và kẹt xe thì như cơm bữa, còn lâu nhà tàu bay họ mới “tha” cho chuyện hành khách đến trễ!”. Ông gật gù: “Thì ra cái “uy” nhà thơ cũng được ấy chứ, anh nhỉ?”. Nói rồi ông cười thành tiếng - điều khá hiếm ở nhà thơ đang ở tuổi 90 này.

Lấy được vợ nhờ giỏi… tiếng Pháp

Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929 tại Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, trong một gia đình nông dân nhưng cha ông là người coi trọng chữ nghĩa, luôn nuôi ước mơ là cho con cái “học hết chữ” mới thôi. Nhà ông đông anh em, nhưng trước Cách mạng Tháng Tám, có đến 3 người con trai trong gia đình ra tận Quy Nhơn để theo học “trường Tây”. Hỏi ông, cha là nông dân chay, lấy đâu ra tiền mà nuôi những 3 người con ra học ở Quy Nhơn? Ông nói rằng, người anh trai cả Nguyễn Lưu hồi đó đã đi dạy học nhưng học thêm để lấy bằng thành chung nên gia đình không phải nuôi nữa. Người anh kế tên Nguyễn Quang (sau này là giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ) vì học xuất sắc nên được học bổng toàn phần của chính phủ Pháp. “Riêng tôi thi vô Trường Collège Võ Tánh Quy Nhơn xếp thứ… 28 trên 60 học sinh của các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Đứng thứ 28 thì không có học bổng nên cha tôi phải bán một con bò để nuôi tôi trong năm đầu. Nhưng qua một học kỳ, tôi vọt lên đứng thứ 3, chỉ sau anh trai Nguyễn Quang và một người nữa ở Tuy Hòa. Tôi giữ vị trí thứ 3 ấy suốt 4 năm. Đứng thứ 3, dĩ nhiên là cha mẹ không phải nuôi nữa vì có học bổng. Nhưng chỉ học đến tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp, chúng tôi phải về quê. Mãi đến tháng 9.1945, trường gọi mấy anh em ra thi lấy bằng, bấy giờ là dưới thời của Chính phủ Trần Trọng Kim. Bằng chưa kịp nhận thì “cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ”, tôi lên đường kháng chiến”, nhà thơ hồi tưởng.

“Cô du kích” tại Củ Chi, Sài Gòn năm 1973. Ảnh : NVCC
“Cô du kích” tại Củ Chi, Sài Gòn năm 1973. Ảnh : NVCC

Trò chuyện với tôi, thi thoảng nhà thơ Giang Nam lại chêm một vài từ tiếng Pháp - điều thường thấy ở các cụ cao niên từng học trường Tây. Tôi hỏi ông vì sao từ năm 1945 đến nay, ông không đụng đến thứ ngôn ngữ ấy nữa mà vẫn không quên? Ông nói người Pháp họ dạy ngoại ngữ rất kỹ. Hồi đó, học sinh ăn ở luôn trong khu nội trú của trường. Cô giáo dạy chúng tôi môn tiếng Pháp là người Pháp, vợ ông hiệu trưởng của trường. Nhà trường bắt buộc học sinh ở nội trú đều phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, nếu không chấp hành, nhỡ giám thị bắt được là kỷ luật nặng. Vì vậy, tiếng Pháp đã thành máu thịt của những học trò học trường Tây thời đó, quên thế nào được!

Hèn gì người ta đồn rằng “cô du kích”, tức bà nhà, mê ông là vì ông giỏi tiếng Pháp chứ không phải do làm thơ hay…

Đúng là như vậy. Nhà tôi là người khá kỹ tính. Cô ấy sinh ra trong một gia đình chuyên làm nghề chế biến nước mắm và có truyền thống cách mạng. Năm 15 - 16 tuổi, cô ấy đã lên chiến khu để làm văn thư của Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa. Cô khá xinh, lại thùy mị nên nhiều chàng trong cơ quan cũng theo đuổi. Ai ngỏ lời, cổ cũng nói có người yêu rồi, đến độ, mấy anh lớn tuổi trong cơ quan “truy lùng” cho ra cái anh người yêu của Chiều (tên nhà tôi) nhưng đó chỉ là một cách nói khéo của cổ để khước từ những lời tỏ tình của họ mà thôi. Tôi thì làm bên bộ phận tuyên truyền của tỉnh, thi thoảng mang giấy tờ qua Văn phòng Tỉnh ủy để… “thẩm định”. Thấy cô bé này cũng hay hay, tôi hạ quyết tâm… tán. Nói cho oách vậy chớ có tán tỉnh gì được, chỉ là “chăm” mang giấy tờ từ bộ phận tuyên truyền sang bên Văn phòng Tỉnh ủy thôi.

Thế rồi một hôm, Việt Minh tóm được tay Tổng Đế ở Vạn Ninh và mang ra xử tội. Ai trong cơ quan cũng đi xem, riêng Chiều không đi. Tôi thấy thời cơ để mình nói cái điều thầm kín đã đến nhưng cũng chả dám nói mà chỉ trao cho cô ấy lá thư. Nội dung chi tiết thì tôi quên rồi, đại khái là “anh muốn đặt vấn đề với em”, hồi đó hay dùng cụm từ này để nói về chuyện yêu đương. Tôi kẹp lá thư ấy trong tập công văn như mọi lần. Một lá thư “tỏ tình” duy nhất ấy thôi chứ không phải thơ, thế mà lại “được vợ”. Sau này tôi mới biết, nhà tôi khi ấy đọc rất chăm chú các tài liệu, trong đó có nhắc đến việc tôi được trên chỉ định tham gia phái đoàn của Việt Minh, phiên dịch trong các cuộc hội đàm với Pháp. Năm ấy tôi 26 tuổi, được điều qua bên quân đội, mang quân hàm đại úy, nằm trong Ban liên hiệp đình chiến, lại là thông ngôn chính nên tôi là “phương án” được nhà tôi chọn lựa cho chuyện “trăm năm”, chớ hồi ấy tôi đã có thơ phú gì đâu.

“Khai tử” vợ bằng một bài thơ

Trong bài thơ “Quê hương”, ông có nói đến việc ông đã nắm được tay “cô du kích” và cô ấy cũng “để yên trong tay tôi nóng bỏng”, vậy sự thật về “cô du kích” và bà Phạm Thị Chiều làm văn thư ở Văn phòng Tỉnh ủy là như thế nào?

Hai cô ấy là một thôi. Có người trêu rằng tôi dám “qua mặt” tổ chức, cho vợ vào du kích để địch giết chết cô ấy; rằng tôi bịa chuyện chứ làm gì có… Đúng là nói bịa cũng được mà nói đó là sự thật thì cũng không sai. Chuyện thế này: Tôi cưới nhà tôi ngay sau ngày đình chiến 1954, ở với nhau đúng hai hôm, tôi khoác ba lô ra Quy Nhơn để đi tập kết. Dĩ nhiên là “đi giả vờ” chứ ngay sau đó, tôi luồn rừng để trở lại Khánh Hòa nhưng hoàn toàn không gặp được vợ nữa dù cùng ở Nha Trang. Tôi đóng vai một công nhân làm ở xưởng gỗ, còn nhà tôi thì về sống “yên ổn” ở nhà cô ấy tại Vĩnh Trường. Sau thấy địch bố ráp quá, tổ chức buộc cả hai vợ chồng “lánh” vào Biên Hòa. Con gái duy nhất của tôi ra đời trong thời gian này. Ở với nhau chẳng bao lâu thì tôi trở lại Khánh Hòa, lên luôn chiến khu Đá Bàn. Trong một lần “hớ hênh” của người đưa thư, đối phương phát hiện vợ tôi cũng là Việt cộng. Họ bắt cả hai mẹ con vô tù và đưa ra tòa án binh. Có một luật sư mà tôi ơn nghĩa suốt đời, đã bào chữa cho vợ tôi để cô ấy thoát án, không phải đày ra Côn Đảo mà thả ngay tại tòa cùng đứa con nhỏ. Thế mà thông tin thế nào cơ sở lại báo rằng, cả hai mẹ con đã bị giết chết tại nhà tù Phú Lợi. Tôi nhận hung tin ngay tại chiến khu vào một chiều mưa sụt sùi thê thiết. Tôi ngồi vào bàn viết, bài thơ Quê hương đã được hoàn thành sau đó đúng hai tiếng đồng hồ, gần như không phải sửa chữ nào!

Phải nhiều năm sau đó, từ chiến khu, tôi mới nhận được tin “đính chính” rằng nhà tôi cùng đứa con vẫn còn sống. Tôi đã phải xuyên rừng từ Khánh Hòa vào tận miền Nam để gặp lại vợ con. Vậy là, “cô du kích” Phạm Thị Chiều và cô con gái thì vẫn sống bên tôi cho đến năm 2013, nhà tôi mới mất. Còn “cô du kích” trong thơ thì đã chết từ năm 1960 rồi. Trong văn học, có những “nghịch lý” như vậy. Thôi thì, văn chương có đời sống riêng của nó, còn nhân vật ở ngoài đời lại có sự tồn tại mà không liên đới đến những gì được viết về mình. Nhà tôi luôn cười vui mỗi khi ai nhắc đến việc ông Giang Nam “khai tử” vợ. Bà ấy nói: “Nhờ vậy mà tôi mới qua được ngưỡng tám mươi đó”.

TRẦN ĐĂNG (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giang Nam và "cô du kích" trong thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO