Giáo dục an toàn giao thông cho cấp THPT: Rất cần thiết!

XUÂN THỌ 19/12/2016 15:24

  • Tập huấn giáo dục an toàn giao thông cấp THPT

(QNO) - Cuối tháng 11 vừa qua, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho giáo viên cấp THPT trên địa bản tỉnh trước khi đưa vào giảng dạy rộng rãi. Chúng tôi có cuộc trao đổi thêm với ông Phạm Đình Ly - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

P.V: Đầu tiên, ông có thể nói rõ thêm về chương trình giáo dục này?

Buổi tập huấn vừa rồi, là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình giáo dục “ATGT cho nụ cười ngày mai” (gọi tắt là chương trình - PV) năm học 2016-2017. Chương trình do Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GD-ĐT, Cục Cảnh sát giao thông kết hợp với Công ty Honda Việt Nam tổ chức.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2016-2017, trong đó đề cập nội dung các bên phối hợp tổ chức hội thảo tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy nội dung ATGT trong các trường THPT của các tỉnh, trong đó có Quảng Nam.

Chương trình được triển khai thí điểm từ năm 2011 tại 5 tỉnh cho gần 1.300 học sinh trên cả nước. Trong năm 2015, chương trình được mở rộng đến 31 tỉnh thành và nhận được sự đánh giá cao về nội dung đào tạo, tính thực tiễn cũng như hiệu quả giáo dục từ các em học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo trong trường và các cơ quan Trung ương, địa phương.

Vì vậy, năm học 2016-2017, chương trình này được nhân rộng, “phủ sóng” trên 63 tỉnh thành thông qua các tiết học giáo dục công dân hoặc ngoại khóa.

Tập huấn giáo dục ATGT cho cấp THPT hồi cuối tháng 11.2016. Ảnh: XUÂN THỌ
Tập huấn giáo dục ATGT cho cấp THPT hồi cuối tháng 11.2016. Ảnh: XUÂN THỌ

P.V: Chiếu theo sự phát triển của chương trình đã đề cập ở trên, thì đây có phải là một chương trình cần thiết, thưa ông?

Theo tôi thì đây là một chương trình rất cần thiết. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) trong tháng 8.2016, cứ 100 nghìn trẻ em thì có 20 trẻ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), tỷ lệ cao gấp 3 lần so với các nước trong khu vực. Trong đó, có hơn 80% các vụ TNGT xảy ra khi các em đang trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông.

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, thì phần lớn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của chính các em. Vì thế, việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục ATGT cho trẻ em là vô cùng cần thiết, giúp các em nâng cao kiến thức về luật giao thông đường bộ, phán đoán và lường trước được tình huống giao thông để từ đó đưa ra những xử lý kịp thời.

P.V: Thưa ông, vậy thì chương trình này được xây dựng như thế nào để phù hợp với các em?

Chương trình được Vụ Giáo dục trung học, Ủy ban ATGT quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông và Honda Việt Nam xây dựng dựa trên tài liệu hiện có về ATGT của Bộ GD-ĐT và giáo trình giảng dạy ATGT cho học sinh cấp 3 của Honda Motor, với kết cấu 5 bài gồm: tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ; hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ; dự đoán và phòng tránh nguy hiểm; cách đi xe đạp an toàn và kiến thức chuẩn bị điều khiển xe máy an toàn.

Trước khi được triển khai rộng rãi trong từng trường học, các giáo viên giảng dạy được tham dự buổi tập huấn. Thông qua các buổi tập huấn, giáo viên được chia sẻ sinh động về cách thức tổ chức các buổi học vui, để từ đó có thể tự tổ chức những tiết học ATGT hấp dẫn và bổ ích cho học sinh trường mình.

Trong quá trình triển khai tại trường, cán bộ Sở GD-ĐT, đại diện Honda Việt Nam và các Head - cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm của Công ty Honda Việt Nam sẽ dự giờ 1 tiết học để trao đổi, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ông Phạm Đình Ly - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT cho rằng rất cần thiết trong việc giáo dục ATGT cho cấp THPT. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Phạm Đình Ly - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT cho rằng rất cần thiết trong việc giáo dục ATGT cho cấp THPT. Ảnh: XUÂN THỌ

P.V: Chúng ta đang triển khai chương trình như thế nào, thưa ông?

Thực hiện chương trình công tác năm học 2016-2017, kế hoạch số 721/KH-BGDĐT ngày 30.9.2016 của Bộ GD-ĐT về việc triển khai công tác giáo dục ATGT cấp THPT năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục ATGT cấp THPT năm học 2016-2017.

Mục tiêu là đánh giá công tác giáo dục ATGT trong nhà trường và đề ra các giải pháp tăng cường nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ATGT đối với học sinh cấp THPT; tăng cường ý thức trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục và ý thức tự giác chấp hành, nêu gương việc chấp hành Luật Giao thông của học sinh cấp THPT; nâng cao hiệu quả và triển khai chương trình giáo dục và hội thi “ATGT cho nụ cười ngày mai”; trao đổi kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả trong công tác giáo dục ATGT và đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh khi tham gia giao thông.

Để làm được việc đó, chúng ta đã tổ chức hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán; đánh giá hiệu quả của việc giáo dục ATGT cho học sinh cấp THPT; kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả trong công tác giáo dục ATGT và đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh THPT khi tham gia giao thông; rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình, phương pháp, thời lượng giảng dạy về trật tự ATGT; hướng dẫn giảng dạy nội dung giáo dục ATGT theo tài liệu của chương trình.

Từ đầu tháng 12, trên cơ sở tài liệu được đăng tải trên website: truonghocketnoi.edu.vn, các trường chủ động, linh hoạt lựa chọn nội dung, thời gian, hình thức tổ chức dạy học nội dung giáo dục ATGT cho học sinh cấp THPT.

Các hình thức tổ chức giảng dạy nội dung chương trình có thể lựa chọn như: tổ chức ngoại khóa, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức dạy thành tiết học trong khung thời gian của tiết ngoài giờ lên lớp… Đồng thời, chúng ta cũng tổ chức cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai” cho học sinh lớp 10 và 11 tại các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú từ tháng 12.2016 đến 4.2107.

P.V: Xin cảm ơn ông!

XUÂN THỌ (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục an toàn giao thông cho cấp THPT: Rất cần thiết!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO