Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được triển khai thực hiện từ năm 2016 với mục tiêu đổi mới từ nhận thức đến hành động, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm hướng đến xây dựng một môi trường chăm sóc, giáo dục có nhiều đổi mới từ cơ sở vật chất, cách thức tổ chức hoạt động đến việc đánh giá sự phát triển của trẻ theo từng độ tuổi, điều kiện thực tế địa phương, trường lớp. Giáo viên khi xây dựng kế hoạch giáo dục không nhấn mạnh vào việc cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng đơn lẻ mà theo hướng tích hợp, coi trọng việc hình thành và phát triển các năng lực, kỹ năng sống cho trẻ. Đồng thời quan tâm đến cá nhân trẻ nhiều hơn để có biện pháp giúp trẻ phát triển đúng hướng, toàn diện. Mô hình này được triển khai từ năm 2016, thí điểm tại một số trường học, sau đó nhân rộng ra phạm vi toàn tỉnh.
Nói về kết quả sau 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020”, bà Trương Thị Thu Nguyệt - Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) nhìn nhận, “đã có những chuyển biến rõ nét trong nhận thức của ngành, phụ huynh về giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Điều này thể hiện ở con số, từ 5 trường được chọn xây dựng thí điểm, đến nay mô hình đã lan tỏa ra 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh với sự hưởng ứng tích cực từ các bậc phụ huynh. Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ nhận được quan tâm của chính quyền địa phương.
Trong 5 năm qua, các trường học mầm non cả tỉnh đã được đầu tư gần 656 tỷ đồng, góp phần tạo nên diện mạo trường lớp khang trang, sạch đẹp. Cũng theo bà Nguyệt, kết quả nổi bật còn thể hiện ở việc toàn ngành xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo tính sư phạm, tạo ra nhiều khu vui chơi, giúp trẻ được trải nghiệm, khám phá tìm tòi, mang lại sự hứng thú trong học tập. Đội ngũ giáo viên đã xây dựng và tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ học bằng chơi, bằng trải nghiệm, chú trọng cơ hội trải nghiệm cho trẻ.
Cần tiếp tục đổi mới
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, thời gian qua ngành lấy người học là đối tượng để thay đổi chất lượng, trong đó đối với giáo dục mầm non, tất cả hoạt động dạy và học đều lấy trẻ làm trung tâm. Khác với trước đây trẻ nhận kiến thức một cách thụ động, mất đi tính sáng tạo thì nay cách dạy được đổi mới, trẻ tiếp thu kiến thức chủ động hơn. Sau 5 năm triển khai chuyên đề nói riêng và các hoạt động đổi mới nói chung, đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
“Với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên năng động, nhiệt tình, tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ, chuyên đề đã góp phần làm thay đổi diện mạo, chất lượng giáo dục mầm non, tạo nền tảng tốt nhất cho trẻ vững tin bước vào lớp 1” - ông Quốc nói.
Vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” như cơ sở vật chất ở nhiều điểm trường lẻ, trường ở vùng miền núi xuống cấp, diện tích nhỏ không đáp ứng yêu cầu, một bộ phận giáo viên khi tổ chức hoạt động còn mang tính áp đặt, chưa phát huy hết khả năng tự lập của trẻ…
Vì vậy, định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành cho rằng toàn ngành sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả chuyên đề, quan tâm xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo tính sư phạm, an toàn tuyệt đối về mặt tâm lý và thể chất cho trẻ. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học tích cực theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện để trẻ trải nghiệm nhằm phát huy hết năng lực bản thân. Đồng thời tăng cường sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể, phụ huynh và cộng đồng nhằm hỗ trợ nhà trường trong việc thực hiện chuyên đề.