Giáo dục mầm non ngoài công lập: Dễ mở, khó quản lý

14/06/2017 08:31

Nhu cầu nhóm trẻ mầm non luôn là vấn đề quan tâm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở các địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp như Núi Thành, Điện Bàn, Tam Kỳ. Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động vẫn đang là bài toán khó?

Một cơ sở giữ trẻ tư thục. Ảnh: L.A
Một cơ sở giữ trẻ tư thục. Ảnh: L.A

KHÔNG PHÉP VẪN HOẠT ĐỘNG

Trong khi các trường mầm non công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ thì sự ra đời của các trường mầm non tư thục, nhất là các nhóm trẻ tư thục là yêu cầu tất yếu. Dù vậy, vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở giữ trẻ chưa được đầu tư, không được cấp phép vẫn hoạt động.

Chất lượng theo kiểu “truyền miệng”

Sáng sớm đầu tuần, hòa trong dòng người đang ùn ùn đổ về làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), chị Phạm Thị Lan địu cháu nhỏ 7 tháng tuổi phía trước ngực, cháu lớn hơn 2 tuổi buộc chặt sau lưng để đi gửi trẻ. “Mỗi lần chở con đến nhà trẻ xong, đi làm mà cứ lo nơm nớp. Bởi tôi chọn nhà trẻ theo sự giới thiệu của bạn bè, chất lượng cũng chỉ “nghe nói” chứ chưa có sự kiểm chứng cụ thể” - chị Lan nói. Theo chân chị, chúng tôi đến một cơ sở mầm non tư thục ở khu phố 2, phường Điện Nam Bắc. Còn vợ chồng chị Trần Thái An (công nhân ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) chọn một cơ sở có gắn camera tại phường Điện Nam Trung để yên tâm hơn khi gửi con 18 tháng tuổi. “Đi làm, qua internet cũng có thể nhìn thấy con ăn, chơi, ngủ ra sao nên tin tưởng hơn những chỗ khác. Tìm được chỗ gửi trẻ theo ý rất khó, không thể đòi hỏi vừa đảm bảo cơ sở vật chất lẫn cái tâm làm nghề, nên được chừng nào hay chừng đó thôi” - chị An nói

Nhóm trẻ của bà T.T.H. (khối 3, TT.Núi Thành, huyện Núi Thành) vào ngày thường đang trông giữ 6 trẻ nhỏ. Theo quan sát của chúng tôi, điểm giữ trẻ của bà H. cũng là nơi bà dùng để ở, được tận dụng làm nơi giữ trẻ. Bà H. vốn là thợ cắt tóc, đến lúc tuổi cao về phụ con giữ cháu, người khác thấy thế mang con đến nhờ và trông giùm, gửi tiền công. Thấy việc này cũng có thu nhập, bà H. bắt đầu nhận thêm trẻ để giữ cùng với cháu của bà. Ban đầu bà H. nhận giữ 2 - 3 trẻ, sau thấy nhu cầu người lao động nhiều nên bà đã thuê hẳn một căn phòng vừa làm chỗ ở và giữ trẻ. Căn phòng chỉ rộng chừng 30m2 , được kê đủ thứ vật dụng gia đình ở phía trong, phía ngoài để cho những đứa trẻ chơi đùa. Thời điểm cao nhất, cơ sở của bà H. nhận giữ khoảng 10 cháu có độ tuổi từ 6 tháng đến khoảng 3 tuổi. Trẻ em được trông giữ ở đây chủ yếu là con em của công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Cách đây hơn 3 tháng, bà H. có thuê thêm một người ở địa phương cùng phụ trông trẻ. Người này cho biết, trước đây đi làm nghề may nhưng mắt ngày một yếu dần nên phải nghỉ việc và xin đi trông trẻ để kiếm thêm thu nhập.

Chúng tôi tò mò hỏi về giấy phép hoạt động của cơ sở, bà H. thật thà cho biết: “Thật tình cũng chẳng có giấy phép nào cả, vì tôi không có bằng cấp, chứng chỉ gì nên không cấp phép được. Mấy năm nay thỉnh thoảng cũng có đôi ba đoàn xuống kiểm tra, biết tôi không có giấy phép nhưng vẫn tạo điều kiện cho làm. Lâu lâu họ có mời tôi đi dự tập huấn về cách trông trẻ, phương pháp chăm sóc trẻ, còn việc đi học để lấy bằng thì không được vì tôi lớn tuổi rồi”. Bà H. cũng cho biết, phụ huynh họ gửi con vào cơ sở của bà chủ yếu xuất phát từ sự tin tưởng, người trước mách người sau đến gửi, chứ xét về điều kiện cơ sở vật chất thì còn hạn chế. “Cũng may là suốt 7 năm qua chưa có phụ huynh nào phàn nàn về việc trông giữ trẻ của tôi. Làm cái nghề này cũng lo lắm, lỡ có chuyện gì là họ chửi thẳng vào mặt chứ không đùa. Bởi thế, mình phải làm bằng cái tâm mới yêu thương trẻ được” - bà H. bộc bạch.

Biết nhưng không siết

Xã Tam Hiệp (Núi Thành) là địa phương có nhiều doanh nghiệp đóng chân khiến cho số lượng công nhân sinh sống ở địa phương cũng tăng cao. Cùng với những nhu cầu về sinh hoạt, nhà ở… thì vấn đề gửi trẻ, học tập của con em công nhân khiến cho địa phương khá lo lắng vì trường, lớp chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ông Lê Chí - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, hiện nay trên địa bàn xã mới chỉ có một trường mẫu giáo công lập được đầu tư xây dựng, đáp ứng việc học tập cho khoảng 500 em trong độ tuổi từ 3 đến  5. Còn các cháu dưới 3 tuổi chủ yếu được phụ huynh gửi vào các lớp, nhóm trẻ mầm non tư thục, nhiều nhất vẫn là các nhóm trẻ mang tính chất gia đình. Nhiều gia đình phải đưa con em vào thị trấn Núi Thành để gửi một phần vì địa phương thiếu trường lớp, giáo viên mầm non, nhưng một phần vì điều kiện ở thị trấn tốt hơn.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tính đến tháng 5.2017, toàn tỉnh có 267 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 236 trường công lập và 31 trường mầm non tư thục đã được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, hiện có 12 trường mầm non tư thục đã có quyết định thành lập nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động do đang còn trong quá trình xây dựng. Đồng thời toàn tỉnh có khoảng 2.987 nhóm, lớp mầm non, mẫu giáo trong đó có 563 nhóm trẻ tư thục và 101 lớp mẫu giáo tư thục. Đến nay còn 177 nhóm trẻ tư thục không có giấy phép hoạt động và 5 lớp mẫu giáo không phép do giáo viên chưa đảm bảo trình độ đào tạo theo quy định.

Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ (0 - 35 tháng tuổi) ra lớp là 10.183/50.694, tỷ lệ 20,1%, trong đó công lập 1.046/10.183 (10,3%) và tư thục là 9.137/ 10.183 (89,7%); tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo (3 - 5 tuổi) ra lớp là 69.038/ 78.299, tỷ lệ 88,2%, trong đó công lập là 59.589/ 69.038 (86,3%) và tư thục là 9.449/ 69.038 (13,7%). Riêng về mảng tư thục, so với năm học 2014 - 2015 tăng 20 trường mầm non, tăng 18 lớp mẫu giáo và tăng 199 nhóm trẻ.

Ông Chí nói: “Các nhóm trẻ này một phần đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ trong nhân dân, nhất là lực lượng công nhân nhưng một phần cũng góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi của địa phương. Địa phương cũng thường xuyên phối hợp với trường mẫu giáo đi kiểm tra nhưng việc quản lý, cấp phép cho các nhóm trẻ tư thục ở địa phương gặp nhiều khó khăn vì xét theo các điều kiện quy định chưa đảm bảo. Vì thế địa phương khuyến cáo người giữ trẻ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu”. Tam Hiệp hiện có 2 lớp mẫu giáo, 5 nhóm trẻ tư thục được cấp phép hoạt động, còn 7 nhóm trẻ tư thục khác vẫn chưa được cấp phép. Tuy nhiên, với số lượng công nhân đông thì trên thực tế số nhóm trẻ chưa được cấp phép vẫn còn nhiều mà ngành giáo dục cũng như địa phương chưa thống kê hết.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Núi Thành, dù được đánh giá là địa phương làm tốt công tác quản lý hoạt động giáo dục mầm non ngoài công lập, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều nhóm trẻ tư thục chưa được cấp phép. Đến thời điểm ngày 5.4.2017, toàn huyện Núi Thành có 63/118 nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động. Theo ông Trần Công Hiệu - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành, công tác quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó có một vài địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn, xem đó là trách nhiệm của Phòng GD-ĐT.

Nhiều địa phương chưa có biện pháp triệt để kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở mầm non không phép, cũng như chưa có văn bản thông báo cho chủ cơ sở cam kết khắc phục các điều kiện thiếu sót, hạn chế, an toàn tính mạng cho trẻ khi nuôi dạy và chưa đôn đốc nhắc nhở chủ cơ sở thực hiện hồ sơ thủ tục để được cấp phép thành lập… Ông Hiệu cho biết thêm: “Một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không đảm bảo các điều kiện nhưng vẫn hoạt động điều này thể hiện sự quản lý, chỉ đạo của chính quyền các cấp còn lỏng lẻo. Mặt khác, do điều kiện thực tế nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là công nhân ở khu công nghiệp quá cao, không gửi con em của mình vào các nhà trẻ, nhóm lớp này thì không thể đi làm tại các công ty, xí nghiệp. Điều này lý giải vì sao số lượng các nhóm, lớp trẻ mầm non ngoài công lập trên địa bàn huyện chưa được cấp phép vẫn còn nhiều. Việc quản lý nhà nước đối với những cơ sở này hết sức khó khăn”. (VINH ANH - DIỄM LỆ)

QUẢN LÝ PHẢI MỀM DẺO

Không thể phủ nhận thực tế rằng, các cơ sở mầm non ngoài công lập đã góp phần giải quyết nhu cầu gửi trẻ của người dân. Vấn đề còn lại là quản lý ra sao để đảm bảo an toàn cho trẻ em được gửi ở cơ sở tư thục.

Nên đầu tư kêu gọi xã hội hóa giáo dục mầm non ngoài công lập để có được những cơ sở mầm non tư thục khang trang, đạt chuẩn. Ảnh: L.A
Nên đầu tư kêu gọi xã hội hóa giáo dục mầm non ngoài công lập để có được những cơ sở mầm non tư thục khang trang, đạt chuẩn. Ảnh: L.A

Cần cơ chế khuyến khích

Điện Bàn hiện có đến 4.994 trẻ được học tập, chăm sóc ở các cơ sở tư thục. Nhóm trẻ dưới 3 tuổi phần lớn nằm ở nhóm mầm non tư thục. Bà Đinh Thị Ngọc Anh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn, cho biết, toàn thị xã có 21 trường mầm non tư thục được cấp phép thành lập, trong đó có 14 trường đã được cấp phép hoạt động và 73 nhóm trẻ, nhóm lớp tư thục. Phòng đang xem xét hồ sơ của 10 nhóm mầm non tư thục xin cấp phép hoạt động. Sau đợt tổng rà soát vào năm 2015 đến nay, các nhóm không phép còn rất ít, chỉ là những nhóm trẻ gia đình giữ vài ba cháu gộp lại, do địa phương trực tiếp quản lý. “Việc quản lý nhóm trẻ tư thục phải mềm dẻo, vừa kiểm tra vừa hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ để họ dần hoàn thiện cơ sở vật chất, tìm người có chuyên môn nghiệp vụ quản lý, giữ trẻ. Có khi phòng phải làm giúp cơ sở tư thục hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp phép.Giáo dục tư thục không có một chế độ đãi ngộ nào cả, nên phòng cũng khuyến cáo các cơ sở bằng tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương với trẻ em cố gắng đảm bảo an toàn tuyệt đối về tinh thần, thể chất cho các cháu” - bà Anh nói.

Cũng theo bà Anh, Điện Bàn mà không có hệ thống trường tư thục thì trường công lập bị “vỡ trận”, dù còn nhiều thiếu thốn nhưng cơ sở mầm non tư thục đã làm giúp xã hội một việc rất quan trọng. Vì thế, ngành giáo dục cần có cơ chế khuyến khích giúp các cơ sở tư thục hoàn thiện cơ sở vật chất như trang thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ vì điều này rất có lợi. Ví dụ cụ thể nhất là nếu một trường công lập có 200 cháu thì một năm Nhà nước phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng, chưa kể xây dựng cơ bản. Nhưng trường tư cũng 200 cháu, Nhà nước không đầu tư đồng nào, nhưng họ vẫn tự lo liệu được. Vì thế cơ chế khuyến khích, động viên cơ sở mầm non tư thục là điều cần thiết, nhằm giúp các cơ sở hoàn thiện hơn, hướng đến chuẩn hóa trường học tư thục. Đồng thời tỉnh cũng nên có cơ chế khen thưởng những cơ sở mầm non tư thục làm tốt việc chăm sóc trẻ để động viên họ làm tốt hơn nữa.

Tăng cường xã hội hóa

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Mầm non (Sở GD-ĐT tỉnh) cho biết: “Đến thời điểm này, 100% trẻ học tại các trường mầm non, mẫu giáo trong và ngoài công lập đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối. 100% trường mầm non, mẫu giáo trong và ngoài công lập đều có giấy chứng nhận trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích do UBND huyện, thị xã, thành phố cấp. Đối với cơ sở  giáo dục mầm non đang hoạt động mà chưa được cấp phép, Sở GD-ĐT có văn bản chỉ đạo các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ để chủ nhóm, lớp hoàn thiện các điều kiện để được cấp phép và kiên quyết đình chỉ hoạt động với những cơ sở không đảm bảo an toàn cho trẻ. Chú trọng công tác kiểm tra sau khi cấp phép hoạt động về các điều kiện duy trì chất lượng chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng, giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ”.

Theo kiến nghị của UBND xã Tam Hiệp, Phòng GD-ĐT huyện Núi Thành và các cấp có thẩm quyền, nhất là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cần tạo điều kiện bố trí địa điểm, đất đai cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng trường mầm non chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động. Đây là một hướng đi cần nhận được sự ủng hộ của các cấp, nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về chỗ gửi trẻ của người lao động. Đồng thời, từ đó cũng sẽ dễ quản lý hơn là để các nhóm trẻ tự phát trong dân.

Là một ngành chịu trách nhiệm trong việc chăm lo đời sống công nhân lao động, nhất là những đoàn viên công đoàn là công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đang đầu tư xây dựng khu thiết chế văn hóa gồm nhiều hạng mục phục vụ công nhân, trong đó có nhà trẻ cho con công nhân lao động. Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, việc xã hội hóa giáo dục mầm non là điều cần thiết, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp tập trung đông công nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đầu tư xây dựng trường mầm non ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, gồm 8 phòng học với 35 trẻ/phòng khi đi vào hoạt động. Dù chưa thấm tháp gì so với nhu cầu của người lao động, nhưng có còn hơn không. Ông Chương cho biết: “Ngoài trường mầm non này, trong khu đô thị Phú An Thịnh đang đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, sẽ có dự án nhà trẻ để giải quyết chỗ gửi trẻ cho người lao động. Theo tôi, Nhà nước nên tạo điều kiện về đất đai để kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục đạt chất lượng. Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn, hướng dẫn cho nhà đầu tư những thủ tục cần thiết để họ đi vào hoạt động. Như thế, con em công nhân lao động được gửi ở những nơi an toàn, tin tưởng, nhà nước cũng dễ quản lý hơn”.

Trên phương diện quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiến nghị: “Thiết nghĩ việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không chỉ riêng ngành nào, mà các ngành phải phối hợp để cùng thực hiện tốt hơn. Trẻ em ở các cơ sở mầm non tư thục chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi nên khả năng tự bảo vệ không có, cần được can thiệp bảo vệ tốt hơn nữa. Luật Trẻ em đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017, là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền của trẻ em. Tôi đề nghị ngành GD-ĐT cùng phối hợp với ngành LĐ-TB&XH tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em đến tận các chủ cơ sở giữ trẻ tư thục; cùng đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho đội ngũ làm công tác giữ trẻ, nhất là ở cơ sở tư thục”. (LÊ DIỄM - ANH NGUYỄN)

ĐIỂM SÁNG TAM KỲ
Việc tăng cường quản lý nhóm, lớp thuộc khối mầm non tư thục trên địa bàn TP.Tam Kỳ đang được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện thời gian qua, bước đầu mang lại hiệu quả kiểm soát ở lĩnh vực này.

Giám sát một nhóm trẻ tại thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng. Ảnh: LÊ THU
Giám sát một nhóm trẻ tại thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng. Ảnh: LÊ THU

Theo thống kê đến tháng 4.2017, TP.Tam Kỳ có tổng cộng 125 nhóm, lớp mầm non tư thục. Trong đó có 62/125 cơ sở chưa đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động hoặc đã đủ điều kiện nhưng vẫn chưa có giấy phép hoạt động, chiếm tỷ lệ 49,6%. Để các nhóm, lớp mầm non tư thục; nhóm trẻ độc lập trở thành địa chỉ tin cậy về nuôi dạy trẻ, các địa phương, cơ quan chức năng của TP.Tam Kỳ tăng cường phối hợp hoạt động giữa chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành liên quan để nâng cao chất lượng. Đơn cử phường Tân Thạnh có tổng cộng 8 nhóm, lớp mầm non tư thục, trong đó có 2 cơ sở chưa được cấp phép hoạt động, ít nhất so với các xã, phường còn lại. Để có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương với nhiều cách làm hay trong công tác quản lý đối với các cơ sở mầm non tư thục. “Chúng tôi xây dựng câu lạc bộ gia đình chăm sóc trẻ, trong đó các nhóm trẻ do phường quản lý được đưa vào sinh hoạt. Qua các buổi sinh hoạt, các nhóm, lớp này trao đổi, chia sẻ với nhau những nội dung liên quan đến hoạt động của nhóm trẻ. Đối với những nhóm trẻ dưới 7 cháu, chưa được cấp phép hoạt động, phường cho thực hiện bản cam kết, có sự giám sát của các ngành đoàn thể và khối phố. Bên cạnh đó, đối với những nhóm trẻ này, hàng năm chúng tôi tổ chức tập huấn về kiến thức nghiệp vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm” - ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh cho biết thêm.

Hay như Hội LHPN TP.Tam Kỳ ban hành Kế hoạch số 15 ngày 27.3.2017 về việc giám sát hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo hoạt động độc lập tư thục trên địa bàn thành phố và đã triển khai hiệu quả tại một số địa phương. Đối với những nhóm, lớp mầm non tư thục đang hoạt động mà chưa được cấp phép tiểm ẩn nhiều rủi ro, lãnh đạo TP.Tam Kỳ đã đề nghị các địa phương, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn để có giải pháp triệt để trước thềm năm học mới 2017 - 2018. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay: “Việc mời các nhóm, lớp để trao đổi với nhau những nội dung về Thông tư 13, các văn bản của thành phố, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các tiêu chí để thành lập một nhóm trẻ rất cần thiết. Đồng thời cần rà soát lại xem cơ sở của mình còn thiếu những điều kiện nào để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện. Đối với những cơ sở không được cấp phép, không đảm bảo các điều kiện nuôi dạy và đảm bảo an toàn cho trẻ, thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để phụ huynh nắm rõ, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm để đưa vào nền nếp, khuôn khổ hoạt động”. (LÊ THU)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục mầm non ngoài công lập: Dễ mở, khó quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO