Giáo dục miền núi: Cần những đột phá mới

XUÂN PHÚ 06/10/2015 08:37

Giáo dục miền núi trong thời gian tới cần những sự đột phá nào để phát triển bền vững là vấn đề nên được làm rõ trong Chiến lược phát triển sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Băn khoăn loại hình trường

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp GD-ĐT chung cả tỉnh, giáo dục miền núi thời gian qua đã có bước chuyển biến rõ nét. Đến nay, mạng lưới trường lớp các cấp của 9 huyện miền núi phân bố rộng khắp với 295 trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, bên cạnh trường phổ thông, giáo dục miền núi còn có loại hình chuyên biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) và dân tộc bán trú (DTBT). Toàn tỉnh hiện có 1 trường phổ thông DTNT tỉnh (đóng tại Hội An và đối tượng tuyển sinh là học sinh các huyện miền núi toàn tỉnh), 7 trường phổ thông DTNT huyện và 42 trường phổ thông DTBT gồm 12 tiểu học, 4 tiểu học và THCS, 26 THCS.

 Xây dựng đội ngũ giáo viên miền núi ổn định là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay. Ảnh: X.PHÚ
Xây dựng đội ngũ giáo viên miền núi ổn định là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay. Ảnh: X.PHÚ

Từ năm 2013, tỉnh có chủ trương chuyển đổi trường phổ thông DTNT huyện sang loại hình trường phổ thông có 2 cấp học gồm THCS và THPT. Khác biệt rõ nhất của loại hình này là học sinh (HS) khi lên cấp 3 vẫn được hưởng đầy đủ chế độ ăn ở, học tập như khi còn học ở trường phổ thông DTNT huyện. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chủ trương này đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ thì cho rằng bản chất của sự việc là hỗ trợ cho con em miền núi nhưng thay đổi bằng cách dừng hỗ trợ các em THCS để chuyển sang cho những em học THPT. Hơn nữa, mục tiêu ở đây là tạo nguồn đào tạo cán bộ nên chỉ tập trung hỗ trợ cho HS vốn trước đó đã học tại trường phổ thông DTNT huyện. Ý kiến không đồng tình thì bày tỏ băn khoăn chuyển đổi sang loại hình trường này sẽ tạo ra mâu thuẫn, không công bằng khi cùng là HS đang học trên địa bàn huyện nhưng HS trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước còn HS trường THPT bên cạnh lại không có. Hơn nữa, loại hình trường cấp 2 - 3 từ lâu đã được xóa bỏ do quản lý không hiệu quả thì nay được thành lập trở lại sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, nâng cao chất  lượng dạy - học. Từ thực tế đó nên đến nay mới có 3 trường ở các huyện Nam Trà My, Phước Sơn và Bắc Trà My được chuyển đổi thành trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3, những trường ở các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang chưa thực hiện chuyển đổi. Đây rõ ràng là bài toán khó và đã đến lúc cần có sự đánh giá từ nhà quản lý giáo dục, ngành chức năng, các địa phương. Loại hình trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 có hợp lý, hiệu quả và có nên tiếp tục duy trì hay không là những câu hỏi sớm được giải đáp để ngành GD-ĐT định hình trong chiến lược phát triển giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.

Ở miền núi còn một loại hình trường khác cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục là trường phổ thông cấp 1 - 2 kèm theo các lớp mẫu giáo hay một trường nhưng có nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép. Trong chuyến kiểm tra phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi mới đây, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị tỉnh quan tâm khắc phục tình trạng này. Theo định hướng phát triển mà Sở GD-ĐT tham mưu cho tỉnh về thực hiện đổi mới giáo dục, thời gian tới sẽ chuyển đổi các trường tiểu học, THCS thành trường phổ thông DTBT để đảm bảo chế độ, chính sách cho HS; tách biệt các lớp mầm non ra khỏi trường phổ thông để có điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nâng cao chất lượng

Năm 2015 được xem là năm có ý nghĩa khá đặc biệt đối với giáo dục miền núi: năm cuối cùng thực hiện luân chuyển cán bộ giáo viên (GV) từ miền núi về đồng bằng và dừng cử tuyển HS theo học các trường đại học, cao đẳng. Điều này có thể coi là cơ hội rất lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho công cuộc phát triển của giáo dục miền núi. Bởi lẽ, tỉnh dừng cử tuyển đồng nghĩa với việc cơ hội được vào các trường đại học, cao đẳng không còn nhiều như trước đây và bản thân HS phải tự tìm kiếm cơ hội học tập qua con đường thi tuyển (trước đây có khoảng 200 HS theo học cử tuyển mỗi năm). Đây cũng là dịp để HS miền núi, HS người dân tộc thiểu số tự khẳng định mình. Thực tế những năm qua có nhiều em đã trúng tuyển vào các trường đại học dựa vào năng lực học tập và nỗ lực của mình. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đặt ra cho giáo dục miền núi nói chung, từng trường học, thầy cô giáo và bản thân HS nói riêng. Nếu không linh động, tự tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, thiếu nỗ lực phấn đấu trong dạy và học thì cơ hội bước trên con đường học tập cao hơn sẽ ngày càng ít đi. Do đó, ngay từ bây giờ, các trường, thầy cô và HS phải nhanh chóng bắt tay vào dạy - học chất lượng, nắm lấy cơ hội bằng nỗ lực tự thân.

Trong khi đó, đội ngũ GV miền núi những năm qua không ổn định, có phần thiếu hụt, chất lượng không cao do GV mới ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều mà nguyên do là hàng loạt GV luân chuyển về đồng bằng (5 năm có 1.500 GV miền núi về đồng bằng). Đến thời điểm này đã hết thực hiện luân chuyển GV theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh nhưng không vì thế mà trong thời gian tới đội ngũ GV miền núi sẽ ổn định vì có nhiều thầy cô sau thời gian công tác miền núi có nhu cầu chuyển về đồng bằng. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ GV miền núi vững về chuyên môn, ổn định vị trí công tác là yêu cầu bức thiết trong kế hoạch phát triển giáo dục miền núi. Dù đã có nhiều chủ trương, nghị quyết của tỉnh về tăng tỷ lệ người địa phương để ổn định đội ngũ GV miền núi nhưng đến nay vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Hiện tại, tỷ lệ GV người dân tộc thiểu số tại các trường miền núi còn khá thấp, 31% ở THPT, 26,5% mầm non, 16,6% ở tiểu học và 12,6% THCS. Vì vậy, để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ GV miền núi, tỉnh cần có chính sách đãi ngộ, thu hút GV từ đồng bằng lên; chính sách tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi về miền núi công tác, chính sách đối với HS người dân tộc thiểu số thi đỗ vào các trường đại học. Đồng thời có giải pháp tăng tỷ lệ GV người địa phương, nhất là GV bậc mầm non, tiểu học nhằm giúp miền núi ổn định đội ngũ, chống tình trạng phải tuyển mới hàng năm như hiện nay.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục miền núi: Cần những đột phá mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO