Giáo dục miền núi: Trước những "ngả rẽ" mới

25/07/2015 06:28

Trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương, có thể nói giáo dục miền núi Quảng Nam đang đứng trước những “ngả rẽ” mới, với nhiều thách thức mới.

QUY HOẠCH - KHÂU ĐỘT PHÁ

Ngành GD-ĐT đang nghiên cứu, xây dựng đề án Phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2050. Đây được xem là khâu đột phá để phát triển.

Thực trạng

Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có sự quan tâm rất lớn đến giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số thể hiện qua hàng loạt chủ trương, cơ chế, chính sách. Từ quy hoạch mạng lưới, đầu tư xây dựng trường lớp đến công tác phát triển đội ngũ, các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên (GV), học sinh (HS) miền núi đều được tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi riêng. Nhờ đó, những năm qua giáo dục miền núi của tỉnh đã có những bước khởi sắc về mọi mặt. Quy mô trường, lớp được mở rộng và ngày càng hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Cụ thể, bên cạnh loại hình trường phổ thông với 13 trường THPT, 83 trường THCS, 86 trường tiểu học, 82 trường mẫu giáo, mầm non thì giáo dục miền núi còn có loại hình trường chuyên biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) và phổ thông dân tộc bán trú (DTBT). Hiện cả tỉnh có 1 trường phổ thông DTNT tỉnh, 7 trường phổ thông DTNT huyện và 42 trường phổ thông DTBT (12 tiểu học, 4 tiểu học và THCS, 26 THCS). Về đội ngũ, có thể nói việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, GV là người dân tộc thiểu số theo chủ trương của tỉnh đã có được những kết quả khả quan. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hiện nay tỷ lệ GV người dân tộc thiểu số ở các cấp học đều khá cao; trong đó mầm non 26,5% (253 người), tiểu học 16,6% (465), THCS gần 13% (282), THPT 31% (140), các trường phổ thông DTNT chiếm hơn 21% (65).

Tạo ra nhiều dấu ấn, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, giáo dục miền núi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đội ngũ GV của giáo dục miền núi hiện nay phần lớn mới ra trường nên kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, chưa thích nghi môi trường giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã vậy, thầy cô giáo chưa đạt chuẩn theo chuyên ngành đào tạo vẫn còn nhiều (36 người). Riêng với bậc học mầm non, tỷ lệ GV người Kinh chiếm khá lớn và phần lớn không sử dụng được tiếng nói đồng bào dân tộc thiểu số nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trẻ. Ngoài ra, các địa phương miền núi hiện còn có 57 GV từ các bậc học khác được bố trí dạy mầm non gây khó khăn cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Về cơ sở vật chất trường lớp, bức tranh chung vẫn là gam màu sáng nhưng đâu đó vẫn còn một vài mảng tối. Đó là, nhiều trường học xuống cấp, thiếu đồng bộ, phải sử dụng 264 phòng học tạm hoặc mượn. Một số trường học tổ chức bán trú, nội trú nhưng thiếu nhà ở nội trú, bếp ăn và các điều kiện sinh hoạt nội trú cho các em HS. Những tồn tại, khó khăn này đã làm cho sự nghiệp trồng người miền núi luẩn quẩn mãi với bài toán chất lượng thấp, tỷ lệ HS học lực yếu kém cao, tình trạng bỏ học giữa chừng còn nhiều.

Chọn khâu đột phá

Giáo dục miền núi Quảng Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vậy chọn những nội dung gì, khâu nào để tập trung đầu tư, đổi mới nhằm tạo ra sự đột phá trong phát triển? Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hệ thống cơ sở giáo dục phổ thông miền núi của tỉnh hiện nay có 3 cấp tiểu học, THCS và THPT. Ở mỗi cấp học, bên cạnh loại hình phổ thông còn có loại hình trường chuyên biệt là trường phổ thông DTNT và phổ thông DTBT. Ngoài ra, do điều kiện đặc thù nên ở miền núi còn có cả mô hình trường nhiều cấp học gồm mầm non, tiểu học và THCS. Mô hình này trước mắt có thể đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhưng thực tế lại gây rất nhiều khó khăn cho công tác dạy học, nâng cao chất lượng, đặc biệt là chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Do đó, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp là giải pháp, mục tiêu hàng đầu trong thời gian tới mà ngành đang tính đến để thúc đẩy giáo dục miền núi phát triển.

Cơ sở vật chất trường học và nơi sinh hoạt của học sinh miền núi còn yếu kém.Ảnh: TƯỜNG VY
Cơ sở vật chất trường học và nơi sinh hoạt của học sinh miền núi còn yếu kém.Ảnh: TƯỜNG VY

Ông Thành cho biết đã đề xuất UBND tỉnh thống nhất cho Sở GD-ĐT xây dựng đề án Phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2050. Trong đề án này sẽ nghiên cứu, bố trí lại hệ thống trường phổ thông DTNT, DTBT và THPT theo hướng đảm bảo cho HS người dân tộc thiểu số đến trường thuận lợi. Theo đó, các trường tiểu học và THCS sẽ thực hiện chuyển đổi thành trường phổ thông DTBT khi đủ điều kiện theo Thông tư  24 của Bộ GD-ĐT để đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách cho HS và GV. Đồng thời đưa các em HS các lớp 3, 4, 5 ở các điểm lẻ về học ở điểm trường chính để ăn ở nội trú; thành lập trường phổ thông DTBT bậc THCS liên xã nhằm đảm bảo số lượng HS. Đối với bậc học mầm non, cần tách giáo dục mầm non ra khỏi trường phổ thông để có điều kiện tổ chức hoạt động tốt hơn.

Cùng với quy hoạch mạng lưới, giáo dục miền núi rất cần sự đầu tư mạnh hơn nữa về cơ sở vật chất như nhà ở, bếp ăn nội trú, trang thiết bị phục vụ dạy - học, nhất là phòng học. Nguồn lực để đầu tư là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, các dự án hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Một trong 2 yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục là điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ. Thế nên, tỉnh cần có chính sách đãi ngộ, thu hút hợp lý đối với cán bộ, GV ở đồng bằng lên công tác miền núi, chính sách đối với HS người dân tộc thiểu số thi đỗ vào các trường đại học; ưu tiên phát triển đội ngũ GV mầm non, tiểu học là người dân tộc thiểu số tại địa phương để nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn cho GV vì ở miền núi hiện nay còn nhiều người chưa đạt chuẩn hoặc tuyển dụng, bố trí giảng dạy không đúng chuyên ngành đào tạo. (XUÂN PHÚ)

ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN MIỀN NÚI: VẪN CẦN ĐỒNG BẰNG GÓP SỨC

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên từ miền núi về đồng bằng theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh. Vậy giáo dục miền núi được gì, mất gì trong hơn 5 năm qua và sắp tới sẽ “ứng xử” ra sao?

Giáo dục miền núi vẫn cần sự chi viện giáo viên từ đồng bằng.Ảnh: TƯỜNG VY
Giáo dục miền núi vẫn cần sự chi viện giáo viên từ đồng bằng.Ảnh: TƯỜNG VY

Giải quyết “đầu ra”

Xuất phát trước tình trạng nhiều năm “đóng băng” đội ngũ cán bộ, giáo viên (gọi chung là giáo viên - GV) từ đồng bằng lên công tác miền núi mà không có đường về, năm 2009, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 146 (22.7.2009) về luân chuyển GV từ miền núi về đồng bằng. Nhiều người cho rằng đây là một nghị quyết thể hiện tính nhân văn khi tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo sau thời gian dài cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giáo dục miền núi được về lại quê hương, sum họp gia đình, tiếp tục phụng sự sự nghiệp trăm năm. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, sau 5 năm thực hiện (2010-2014), cả tỉnh đã luân chuyển 1.068 GV từ miền núi về các địa phương đồng bằng. Nếu tính thêm 361 GV theo kế hoạch sẽ luân chuyển trong năm nay, như vậy, cả tỉnh sẽ có 1.429 GV đủ thời gian công tác tại miền núi theo quy định được giải quyết theo nguyện vọng cá nhân.

Rõ ràng, con số 1.429 GV được điều động, luân chuyển từ miền núi về đồng bằng chỉ trong thời gian 6 năm thể hiện nỗ lực rất đáng ghi nhận của các địa phương, ngành chức năng của cả tỉnh, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhiều giáo viên. Bởi, để giải quyết “đầu ra” với số lượng lớn như thế không hề đơn giản. Bằng tình cảm, trách nhiệm, nhiều địa phương đồng bằng đã phải vất vả “cân, đo, đong, đếm” từ đội ngũ đến nguồn tài chính để tiếp nhận, bố trí công việc cho các thầy, cô giáo từ miền núi chuyển về. “Kể từ khi thực hiện luân chuyển, do là trung tâm tỉnh lỵ nên rất nhiều người xin về khiến cho Tam Kỳ luôn đối mặt với áp lực thừa GV và thiếu kinh phí. Thời gian qua, tuy tỉnh chưa đảm bảo cân đối nguồn kinh phí khiến cho Tam Kỳ nợ 1,8 tỷ đồng trong 2 năm 2013, 2014 nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng tiếp nhận GV, sắp xếp, bố trí công việc hợp lý và chi trả đầy đủ lương, chế độ chính sách khác” - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Văn Anh Tuấn chia sẻ. Đây cũng là tâm sự chung của nhiều lãnh đạo địa phương khác trong quá trình thực hiện Nghị quyết 146.

Vẫn cần “chi viện”

Thực hiện luân chuyển GV theo Nghị quyết 146 trong 6 năm qua, “bài toán” đội ngũ công tác lâu năm bị “đóng băng” ở miền núi được giải quyết, nhưng ở chiều ngược lại, ngành giáo dục miền núi sẽ phải đối mặt với một “bài toán” khác. Gần một nghìn rưỡi thầy, cô giáo chia tay miền núi trong 6 năm qua cũng đồng nghĩa với việc, giáo dục miền núi sẽ “mất” đi chừng đó người thầy giảng dạy nhiều năm, có kinh nghiệm trong công tác giáo dục, chăm sóc học sinh miền núi, người dân tộc thiểu số. “Thầy giáo già, con hát trẻ”, giáo dục cần những người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng, có nhiều kinh nghiệm để truyền thụ kiến thức cho học trò.

Để bù lại số lượng chuyển về đồng bằng và bổ sung do còn thiếu, thời gian qua các địa phương miền núi đã tuyển dụng mới 1.653 GV, trong số đó phần lớn là người từ đồng bằng. Rõ ràng, đội ngũ GV cho miền núi không thiếu, nhưng câu chuyện “được” và “mất” về chất lượng sau khi thực hiện luân chuyển GV là vấn đề được đặt ra. “GV trẻ mới ra trường thiếu kinh nghiệm đứng lớp đã đành, họ cũng lạ phong tục tập quán của đồng bào, điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn. Vì vậy, phải mất thời gian dài họ mới có thể bắt nhịp được cuộc sống ở miền núi cũng như phương pháp giảng dạy học trò người dân tộc thiểu số” - phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành - người từng có 30 năm công tác ở miền núi chia sẻ và cho rằng đội ngũ GV, nhất là người địa phương hiện nay rất thấp cần được phải bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thậm chí đào thải.

Ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cũng thừa nhận đội ngũ GV ở các địa phương miền núi hiện nay đều còn khá trẻ, chất lượng thấp và cho rằng “giáo dục miền núi vẫn rất cần các thầy, cô giáo từ đồng bằng lên hỗ trợ nhằm góp phần nâng cao chất lượng”. Để có thể khỏa lấp điểm yếu này, vừa qua, các huyện miền núi đề nghị các địa phương đồng bằng kết nghĩa “chi viện” GV; trong đó huyện Tây Giang đề nghị TP.Hội An điều động lên 23 GV, huyện Đông Giang đề nghị thị xã Điện Bàn điều động 44 GV. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được đáp ứng bởi theo một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Điện Bàn, qua rà soát tình hình đội ngũ của địa phương thì chỉ có vài người đủ điều kiện để điều động lên miền núi. Còn theo Sở Nội vụ, năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết 146 nên không thực hiện luân chuyển lên miền núi.

Trong khi nguồn lực tại chỗ chưa đáp ứng về số lượng lẫn chất lượng thì đội ngũ GV của giáo dục miền núi vẫn rất cần sự “chi viện” từ đồng bằng. Cánh cửa luân chuyển lên coi như đã khép, giải pháp còn lại chỉ có thể là tuyển dụng mới và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng. Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, chẳng hạn như người được tuyển dụng phải có cam kết phục vụ lâu dài ở miền núi, tránh trường hợp một thời gian ngắn lại xin chuyển về đồng bằng làm mất ổn định đội ngũ. (TƯỜNG VY)

DỪNG CỬ TUYỂN

Nhiều bất cập, tồn tại chung quanh chính sách cử tuyển khiến cho UBND tỉnh quyết định tạm dừng cử tuyển năm 2015 để tập trung xử lý trong thời gian tới.

Dừng cử tuyển sẽ là một thách thức cho học sinh người dân tộc thiểu số vì sẽ ít có cơ hội học đại học. Ảnh: ANH SẮC
Dừng cử tuyển sẽ là một thách thức cho học sinh người dân tộc thiểu số vì sẽ ít có cơ hội học đại học. Ảnh: ANH SẮC

Loay hoay đầu ra

Ngoại trừ một số em có học lực khá giỏi tự thi đỗ, còn lại phần lớn học sinh (HS) người dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng khó khăn chỉ có thể bước vào được cổng trường đại học nhờ con đường cử tuyển. Hơn nữa, thông qua chính sách này, các địa phương miền núi sẽ được bổ sung nguồn cán bộ được đào tạo bài bản, có chất lượng. Vì vậy, kể từ năm 2007 đến nay, qua kênh cử tuyển, cả tỉnh đã có 1.372 HS theo học, trong đó đại học chiếm số lượng nhiều nhất với 1.087. Các huyện miền núi cao đều có số lượng HS cử tuyển đông như Nam Trà My 280, Tây Giang 241, Bắc Trà My 202, Nam Giang 189, Phước Sơn 161, Đông Giang 146.

“Cử tuyển là một chính sách có ý nghĩa nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương miền núi. Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa được các địa phương tiếp nhận, phân công công tác, tỉnh quyết định tạm dừng cử tuyển năm 2015 để tập trung giải quyết việc làm cho số sinh viên đã và sắp ra trường. Trong thời gian tới, tỉnh giao trách nhiệm cho các huyện quyết định nhu cầu ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu cử tuyển và tiếp nhận, bố trí công tác sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín)

Tuy nhiên, công tác cử tuyển thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập như việc xây dựng chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của địa phương. Chất lượng HS diện cử tuyển còn thấp dẫn đến nhiều trường hợp bị cơ sở đào tạo buộc thôi học hoặc bỏ học do không theo kịp chương trình. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, 7 năm qua đã có 205 trường hợp nghỉ học. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng một số cơ sở đào tạo tự ý chuyển đổi ngành học đối với người học làm cho nhiều người tốt nghiệp không được địa phương bố trí công tác vì không có nhu cầu. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi kể trường hợp người em ruột của ông đăng ký học kinh tế nhưng khi vào thì trường chuyển qua ngoại ngữ nên đã quyết định bỏ, sau đó tự đi học bằng con đường khác chứ không qua cử tuyển.

Trong số 1.372 HS cử tuyển kể từ năm 2007, đến nay đã có 408 người tốt nghiệp, gồm 216 đại học, 171 cao đẳng và 21 trung cấp. Theo quy định, người tốt nghiệp diện cử tuyển phải được các địa phương tiếp nhận, bố trí công tác phù hợp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các huyện miền núi đang loay hoay với “bài toán” đầu ra khi còn khá nhiều người tốt nghiệp nhưng chưa có công ăn việc làm. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lưu Tấn Lại cho biết, trong số 408 người tốt nghiệp thời gian qua mới chỉ có 264 người được các địa phương tiếp nhận, phân công công tác; 144 người chưa được bố trí công tác có 92 đại học, 45 cao đẳng và 7 trung cấp. Những địa phương có tỷ lệ người chưa được bố trí công tác nhiều như Nam Giang 68,3% (67 người), Bắc Trà My gần 34% (19 người), Tây Giang gần 30% (20 người). “Công tác tuyển dụng đối với người học theo chính sách cử tuyển bộc lộ tồn tại như một số địa phương gặp khó khăn trong việc phân công công tác do chưa chủ động xây dựng kế hoạch cử tuyển phù hợp với nhu cầu thực tế, kế hoạch bố trí biên chế để tiếp nhận. Đối với người học, một số trường hợp được bố trí công tác nhưng không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, chất lượng, hiệu quả công việc đạt thấp” - ông Lại nói.

Giải pháp nào?

Trước những tồn tại, hạn chế trong công tác cử tuyển, nhất là tình trạng nhiều người tốt nghiệp diện cử tuyển đang thất nghiệp, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành chức năng và các huyện miền núi để tìm giải pháp tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Aviết Sơn cho biết, hiện địa phương có 67 sinh viên tốt nghiệp chưa được bố trí công tác, thời gian tới có thêm 90 người nữa ra trường nên càng khó khăn trong việc tiếp nhận. “Nên tạm dừng cử tuyển một thời gian để các huyện miền núi tập trung giải quyết số sinh viên tốt nghiệp” - ông Sơn đề nghị. Đại diện các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My cũng đề xuất tỉnh dừng cử tuyển để có thời gian giải quyết, tránh tình trạng “dồn toa”; đồng thời nên có chế độ chính sách về học tập, tuyển dụng đối với những em tự thi tuyển vào học tại các trường đại học. Để xử lý “bài toán” đầu ra cho người học cử tuyển hiện nay, cũng như các địa phương khác, các ý kiến đều cho rằng bên cạnh việc tăng chỉ tiêu biên chế cho huyện thì tỉnh cần nghiên cứu, tiếp nhận bố trí vào làm việc tại các sở, ban, ngành của tỉnh.

Thừa nhận có việc người học cử tuyển ngành giáo dục và y tế không đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, câu chuyện dừng hay tiếp tục cử tuyển vẫn còn làm một số người băn khoăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Ating Thị Tươi cho rằng có nên tiếp tục cử tuyển hay dừng là dựa trên nhu cầu của từng địa phương miền núi. Trong khi đó, theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nguồn nhân lực của miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy nếu dừng cử tuyển sẽ rất khó cho các huyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. “Tôi cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng đầu vào bởi thực tế nhiều người học cử tuyển ra trường làm khá tốt” - ông Blúi nói. Dù vậy, tạm dừng cử tuyển sẽ là một thách thức đối với nhiều HS người dân tộc thiểu số nếu muốn bước vào con đường đại học. (ANH SẮC)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục miền núi: Trước những "ngả rẽ" mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO