Giáo dục nghề nghiệp cần gắn với nhu cầu thị trường lao động

DIỄM LỆ 14/10/2022 13:03

(QNO) - Sáng nay 14/10, tại Kỳ họp lần thứ 11 HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), UBND tỉnh đã trình kỳ họp xem xét thông qua Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Nghị quyết về giáo dục nghề nghiệp được đưa ra xem xét tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11. Ảnh: D.L
Nghị quyết về giáo dục nghề nghiệp được đưa ra xem xét tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11. Ảnh: D.L

Việc ban hành Nghị quyết về phát triển GDNN tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về GDNN của Trung ương, gắn với thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025 là cần thiết và đúng thẩm quyền.

Nghị quyết nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động (trong, ngoài nước) trước mắt và lâu dài, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đẩy mạnh phát triển GDNN, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt từ 70 - 75%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% vào năm 2025.

Thời gian qua, giáo dục nghề nghiệp đã góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực. Ảnh: D.L
Thời gian qua, giáo dục nghề nghiệp đã góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực. Ảnh: D.L

Phấn đấu tổng chỉ tiêu tuyển sinh GDNN bình quân trong giai đoạn 2022 - 2025 là 24.000 người/năm; tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS học tiếp trình độ trung cấp đạt từ 55% trở lên trong tổng số học sinh thuộc diện phân luồng; tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập trình độ cao đẳng đạt từ 15% trở lên tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.

Tập trung đào tạo GDNN cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của 9 huyện miền núi của tỉnh đạt 50%; nâng tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản đạt 70%.

Thời gian qua, nhiều cơ sở GDNN đã chủ động liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Ảnh: D.L
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Ảnh: D.L

Toàn tỉnh phấn đấu 30% cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại; khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia; đưa 1 trường cao đẳng được công nhận trường chất lượng cao, 1 trường cao đẳng hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị theo tiêu chí trường chất lượng cao, đạt 24 ngành nghề trọng điểm.

Theo Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hội nhập khu vực và quốc tế. Trong những năm qua, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng một phần nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Vì vậy việc ban hành Nghị quyết về phát triển GDNN là cần thiết.

Để thực hiện thành công nghị quyết, Ban Văn hóa - xã hội tỉnh đề nghị bổ sung các giải pháp như đào tạo ngành nghề trọng điểm gắn với nhu cầu thị trường lao động và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung tuyển sinh đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với học sinh THCS, THPT sau phân luồng; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên bậc THPT và giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng là học sinh THCS sau phân luồng để đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, đạt mục tiêu đào tạo lồng ghép nhằm phát huy hiệu quả sau đào tạo.

Giáo dục nghề nghiệp phải khớp nối với thị trường lao động để giải quyết việc làm cho người học nghề. Ảnh: D.L
Giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng thị trường lao động để giải quyết việc làm cho người học nghề. Ảnh: D.L

Các cơ sở GDNN cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo bảo đảm đạt chuẩn theo quy định. Phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia đào tạo các cấp trình độ GDNN. Mở rộng liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục nghề nghiệp cần gắn với nhu cầu thị trường lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO