Giáo dục nghề nghiệp đang gặp nhiều khó khăn từ khâu tuyển sinh đến quá trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Thách thức ngày càng nhiều, vì thế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phảimạnh dạn chuyển đổi để tồn tại và phát triển.
Giáo dục nghề nghiệp hiện nay tuyển sinh rất khó. Ảnh: D.L |
Thiếu định hướng nghề nghiệp
Định hướng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh theo chương trình của Bộ GD&ĐT được thực hiện từ lớp 9. Giáo viên trang bị cho học sinh những kiến thức chung về hệ thống nghề nghiệp, thị trường lao động và năng lực bản thân cần thiết để học sinh xác định được sự phù hợp nghề. Từ đó, học sinh biết được các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS để chuẩn bị dần tâm lý vào đời. Trong thực tế, công tác hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp của tỉnh trong những năm vừa qua có kết quả rất hạn chế. Chẳng hạn như năm 2015, cả tỉnh chỉ có 109 học sinh chưa tốt nghiệp THPT và 147 học sinh đã tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, một con số quá khiêm tốn so với số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9. Trong khi đó, các cơ sở dạy nghề cần khoảng 6 nghìn học sinh để tuyển sinh học nghề. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập những năm trước đây với tỷ lệ quá cao (bình quân cả tỉnh chiếm tỷ lệ 96 - 98% mỗi năm học), chỉ năm học vừa qua tỷ lệ đó mới hạ xuống. Vì thế dẫn đến việc học sinh THPT không theo kịp chương trình và bỏ học nhiều. Như năm học 2015 - 2016 có 2.489 học sinh, trong đó học sinh THPT là 1.850 em.
Theo ông Phan Văn Kiểm - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (huyện Phú Ninh), định hướng giáo dục hướng nghiệp vẫn còn mang tính hình thức nên không đạt được hiệu quả. Ông Kiểm cho biết, hiện nay, đa số giáo viên chưa ý thức rõ vai trò của mình trong công tác hướng nghiệp, trong khi nhận thức của cha mẹ học sinh về việc chọn nghề còn rất phiến diện. Hầu hết phụ huynh đều mong muốn con em mình đậu đại học và học đại học bằng mọi giá, cho dù học xong có kiếm được việc làm hay không thì không cần biết. Bên cạnh đó, tâm lý chọn nghề chung của học sinh cũng mang tính may rủi, thiếu thông tin chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, theo thời thượng; chọn các nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền… mà không cần biết có phù hợp với năng lực, hứng thú, điều kiện của bản thân hay không? Bà Nguyễn Thị Tâm Hiền - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP.Tam Kỳ nhận định chương trình giáo dục hướng nghiệp theo bộ sách của Bộ GD&ĐT biên soạn về nội dung quá cũ, không phù hợp với giai đoạn hiện nay nên gây nhàm chán trong học sinh; giáo viên không có chuyên môn sâu mà chủ yếu kiêm nhiệm nên chưa đủ sức thuyết phục. Từ thực tế này, bà Hiền đề xuất việc định hướng nghề nghiệp cho các em ở bậc THCS hay THPT cần sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với nhà trường, giúp học sinh và phụ huynh có được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp với năng lực của bản thân.
Yếu trong xu thế hội nhập
Cái khó đầu tiên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là ở việc tuyển sinh do người học không mặn với học nghề. Ngoài việc phân luồng chưa hợp lý, năng lực của các cơ sở dạy nghề cũng là một nguyên nhân khiến việc đào tạo gặp khó. Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề nam Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận: “Có một thực tế phải xem lại là hệ thống đào tạo nghề chưa thiết lập được mối quan hệ mật thiết với sản xuất, cũng như chưa có một hệ thống thông tin chính xác, đích thực về thị trường lao động của từng khu vực. Phần lớn chương trình đào tạo không đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quá trình sản xuất, đào tạo không theo kịp nhu cầu thị trường, làm cho đào tạo nghề trở nên kém hiệu quả. Phía doanh nghiệp cần lao động có tay nghề cao nhưng chính các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà với công tác đào tạo nghề”. Ông Đôi cho rằng, chỉ khi nào doanh nghiệp trực tiếp đặt hàng đào tạo thì cả ba bên (cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người học) mới cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau. Việc thực hiện chỉ tiêu đặt hàng từ ngân sách tỉnh như hiện nay chưa thực sự mang lại hiệu quả, đào tạo xong là không biết giải quyết việc làm ở đâu. Máy móc thiết bị của Trường trung cấp Nghề nam Quảng Nam mua cách đây hơn 10 năm, quá cũ, không còn tương thích với dòng sản phẩm mới mà doanh nghiệp đang sản xuất. Và việc đưa học sinh đến doanh nghiệp thực tập hay học việc cũng loanh quanh làm những công việc phụ, không có cơ hội vận hành trên thiết bị hoặc tham gia sản xuất thử.
Theo ông Đôi, muốn tồn tại, cơ sở đào tạo nghề phải tự đổi mới mình, xác định rõ ràng đầu vào và đầu ra để đào tạo cho phù hợp. Tỉnh cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp cùng vào cuộc, kết hợp với cơ sở đào tạo trong việc đào tạo người thợ. Hiện nay, cơ sở giáo dục nghề nghiệp “sống” chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, căn cứ trên chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cấp về. Nếu đào tạo không đạt, người học không tin tưởng, cơ sở đào tạo nghề không tuyển sinh được thì sẽ “chết” dần. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới, về quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới sẽ hướng đến giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực sự về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ đảm bảo cơ cấu trình độ đào tạo hợp lý, thích ứng nhanh với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, bảo đảm công bằng về cơ hội học nghề cho mọi người. Đặc biệt định hướng đến xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề sẽ được đẩy mạnh hơn.
LÊ DIỄM