Giáo dục ở Đông Giang

CÔNG TÚ 13/03/2019 06:39

Sự nghiệp GD-ĐT ở miền núi Đông Giang ngày càng chuyển biến tốt hơn. Để gặt hái thành quả mới trong công tác “trồng người”, ngoài sự nỗ lực của địa phương, cũng rất cần sự quan tâm của các cấp ngành của tỉnh.

Nhà gươl được phục dựng trong khuôn viên Trường THPT Quang Trung. Ảnh: C.T
Nhà gươl được phục dựng trong khuôn viên Trường THPT Quang Trung. Ảnh: C.T

Những tín hiệu vui

Bà ATing Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho chúng tôi biết, phòng dạy học tạm bợ trên địa bàn đã được xóa bỏ, chất lượng GD-ĐT ngày càng được nâng lên. Hiện có 7 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (3 trường tiểu học, 2 trường mầm non và 2 trường THCS). Giai đoạn 1 xây dựng Trường THPT Quang Trung tại thị trấn Prao đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài 2 trường THPT là Quang Trung và Âu Cơ (ở xã Ba), toàn huyện có 28 trường cấp học mầm non, tiểu học và THCS với tổng cộng 263 lớp, 6.029 em (dân tộc thiểu số là 4.952 em). Năm học 2017 - 2018, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,27% (tăng 0,27% so với năm học 2016 - 2017). Tình trạng học sinh bỏ học giảm hẳn, khi thống kê tháng 9.2018 đến nay chỉ có 2 em cấp học THCS bỏ học. Thầy Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cho hay, tỷ lệ học sinh khá giỏi năm học 2017 - 2018 của trường đạt 30,3%, riêng thống kê học kỳ I năm học 2018 - 2019 tăng lên 33%.

“Chúng tôi chỉ đạo các địa phương, ngành GD-ĐT và các trường vừa chăm lo phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn, vừa tập trung bảo tồn bản sắc văn hóa Cơ Tu trong học đường” - bà ATing Tươi nói. Để làm điều này, huyện mời nghệ nhân phối hợp với các trường dạy cho các em điệu múa tâng tung da dá truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Hai trường THPT Quang Trung và Âu Cơ với sự hỗ trợ của đơn vị chức năng, phụ huynh học sinh đã phục dựng nhà gươl trong khuôn viên. Nhà gươl là nơi trưng bày những vật dụng, giúp các em nắm bắt được truyền thống, tinh thần cộng đồng làng, đời sống sinh hoạt người Cơ Tu. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ngọc, mô hình nhà gươl được cấp trên đầu tư, phụ huynh ủng hộ lá cọ, mây để lợp mái, trường thuê người địa phương phục dựng, còn học sinh phụ giúp những việc nhẹ. Nhờ thế, các em có địa điểm sinh hoạt cộng đồng; mỗi bữa trưa, chiều ra ngồi học bài, trao đổi kiến thức với nhau. Giáo viên có dịp trò chuyện, gần gũi tìm hiểu tâm tư để thấu hiểu, khuyên bảo học trò.

Khó khăn cần tháo gỡ

Mặt bằng Trường THPT Quang Trung tọa lạc tương đối rộng, đường Hồ Chí Minh chạy qua phía trước. Trên diện tích tổng quan đó, nhiều chỗ còn trống chưa được xây dựng. Thầy Nguyễn Văn Ngọc giải thích, đó là nơi bố trí khối nhà chức năng như các phòng thực hành, thư viện, ngoại ngữ, tin học… Sân tập luyện thể dục thể thao cũng đang ngổn ngang. Những hạng mục vừa nêu không được quan tâm đầu tư sớm, nỗ lực về đích trường chuẩn quốc gia mức độ 1 giai đoạn 2020 - 2025 sẽ không thành. Phía góc phải khu nội trú, khu vực nhà bếp còn rất tạm bợ, không đảm bảo an toàn về cháy, nổ và sạt lở nên cần phải nâng cấp khẩn cấp. Cùng chung nỗi lo, Trưởng phòng GD-ĐT Đông Giang - ông Trần Văn Hùng chia sẻ, trước năm 2015, toàn huyện có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đặt ra đến năm 2020 có thêm 9 trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 2 trường đạt chuẩn, còn 7 trường đang chờ bố trí kinh phí để tiếp tục xây dựng thêm cơ sở vật chất còn thiếu, đơn cử là phòng chức năng.

Khó khăn khác mà Đông Giang phải đối mặt đó là tình trạng thiếu nhân lực trực tiếp “trồng người”. Ông Trần Văn Hùng cho hay, biên chế ngành giáo dục hàng năm còn thiếu, chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định, chủ yếu ưu tiên bố trí cho giáo viên đứng lớp còn nhiều vị trí việc làm như văn thư, thiết bị thư viện, y tế học đường không đủ biên chế để bố trí. Việc UBND tỉnh cắt giảm biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2018 quá nhiều và không cho phép hợp đồng giáo viên đã gây khó khăn cho việc dạy học, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của huyện. Sắp tới, nếu huyện không được bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục thì khó triển khai dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới. Bởi năm học 2020 - 2021 thực hiện dạy 2 buổi/ngày, lúc ấy tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng hơn. Chưa kể, chế độ chính sách cho người làm công tác quản lý giáo dục tại phòng GD-ĐT không có ưu đãi gì (không có phụ cấp đứng lớp, thâm niên như giáo viên), trong khi khối lượng công việc nhiều nên khó động viên họ phấn đấu vươn lên.

Là trường THPT miền núi nên Trường THPT Quang Trung cần phải có chỗ ở nội trú cho học sinh (253/311 em ở nội trú). Các em sinh hoạt như nội trú và được hưởng chế độ nội trú, nhưng giáo viên lại không được hỗ trợ gì vì đặc thù chỉ là trường THPT (khác với Trường THPT Dân tộc nội trú). Ban Giám hiệu chủ yếu vận động thầy cô giáo trên tinh thần tự nguyện trực tiếp đến khu nội trú thực hiện quản lý, động viên, nhắc nhở các em tuân thủ nền nếp sinh hoạt, có giáo viên còn hướng dẫn cho học trò bài vở. Những trăn trở đó cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết, góp phần đưa sự nghiệp GD-ĐT miền núi ngày càng chuyển biến đi lên.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục ở Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO