Tiếp sau hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022 - 2023, thông điệp “học thật, thi thật” một lần nữa được nhiều thầy cô giáo nhấn mạnh tại hội nghị công tác tổ chức các kỳ thi năm học 2022 - 2023 do Sở GD-ĐT tổ chức vào giữa tháng 9 vừa qua.
An toàn, nghiêm túc các kỳ thi
Đánh giá về công tác tổ chức các kỳ thi trong năm học 2021 - 2022, ông Đỗ Quang Khôi - Phó Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin Sở GD-ĐT cho biết có tổng cộng 20 kỳ thi, cuộc thi, hội thi (gọi tắt là kỳ thi) được tổ chức. Nhìn chung, công tác chuẩn bị ở tất cả các khâu của các kỳ thi được thực hiện chu đáo. Cụ thể, trước mỗi kỳ thi, sở đã ban hành kế hoạch tổ chức, hướng dẫn coi thi, chấm thi, thành lập hội đồng thi, các ban của hội đồng thi đảm bảo đúng quy chế.
Đáng chú ý, từ năm học 2020 - 2021, Sở GD-ĐT xây dựng hệ thống quản lý thi nhằm hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức triển khai các kỳ thi do sở tổ chức. Vì vậy, việc đăng ký dự thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, đảm bảo số liệu chính xác, tin cậy để triển khai các khâu tiếp theo của kỳ thi.
Cũng theo ông Khôi, công tác ra đề thi, sao in đề thi được thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định, tại địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng công an kiểm tra về an ninh, an toàn, bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi cho đến môn thi cuối cùng. Nội dung đề thi của các kỳ thi đảm bảo chính xác, nằm trong phạm vi theo quy định, đảm bảo bí mật, không có trường hợp nào lộ, lọt thông tin đề thi.
“Nhờ đó, năm học 2021 - 2022, các kỳ thi diễn ra đảm bảo an toàn tuyệt đối, nghiêm túc, kết quả phản ánh đúng chất lượng giáo dục, khách quan, công bằng” - ông Khôi nhấn mạnh.
Về kế hoạch năm học 2022 - 2023, Sở GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức tổng cộng 25 kỳ thi; trong đó bên cạnh các kỳ thi quốc gia như thi HS giỏi, tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10 còn có các hội thi dành cho học sinh (HS), giáo viên (GV) theo chu kỳ 4 năm/lần như thi GV dạy giỏi, hoặc 2 năm/lần như Olympic Tiếng Anh, hoặc hàng năm như tài năng Tiếng Anh, Khoa học kỹ thuật...
Học thật, thi thật
Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022 - 2023, câu chuyện “học thật, thi thật” được nhiều ý kiến đề cập.
Ông Trần Thanh Hải - Trưởng phòng GD-ĐT Tiên Phước cho rằng cần đề cao tính trung thực, “điểm số thật” để tạo ra sự công bằng; bởi thực tế hiện nay có xảy ra tình trạng trường THCS “nâng điểm” sau khi HS trường mình xét trúng tuyển vào lớp 10 công lập ít hơn trường THCS khác.
Thật ra đây là vấn đề không mới, nhất là khi thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập bằng phương thức xét tuyển. Do đó, một số ý kiến đề nghị nên tổ chức thi tuyển vào lớp 10 để tạo ra sự công bằng và chất lượng.
Thông điệp đó một lần nữa được nhắc lại tại hội nghị về công tác tổ chức các kỳ thi năm học 2022 - 2023 do Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua. Một số ý kiến đề nghị thay đổi cách tổ chức, điều chỉnh nội dung, hình thức để các kỳ thi dần đi vào thực chất, thiết thực.
Theo thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ), nên cân nhắc giảm bớt các hội thi như thi GV giỏi, thi Olympic lớp 10 và 11, thay vào đó tổ chức thi HS giỏi cấp trường.
“Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật chỉ nên khuyến khích tham gia, tránh gây áp lực cho nhà trường dẫn đến phải thuê người hướng dẫn thực hiện đề tài, từ đó xảy ra tình trạng giả dối để có đề tài dự thi” - thầy Tấn chia sẻ. Đại diện Trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình) đề nghị mỗi HS chỉ dự thi một nội dung, một kỳ thi trong các kỳ thi HS giỏi, Tiếng Anh, Olympic.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường, quan điểm của sở là tổ chức các kỳ thi phải đúng quy định, phản ánh đúng thực chất “học thật, thi thật”, đảm bảo quyền lợi và công bằng đối với tất cả thí sinh dự thi. Việc tổ chức các hội thi, cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho HS nhưng cần phải tạo điều kiện cho nhiều em tham gia, không vì thành tích mà chỉ chọn một vài em dự thi hết cuộc thi này đến hội thi khác dẫn đến áp lực, gây quá tải đối với học trò.
Hội thi GV dạy giỏi cũng vậy, qua hội thi đánh giá năng lực giảng dạy để khuyến khích phong trào. Đồng thời, cũng sẽ nghiên cứu để khắc phục tồn tại như số HS ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh chỉ chiếm 13% dẫn đến hầu hết HS của trường từ các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang.