Ngành GD-ĐT đang đẩy mạnh triển khai STEM - một chương trình giảng dạy được thiết kế để trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Trong đó, Tam Kỳ nổi lên là điểm sáng với nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả.
Tháng 12/2022, Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội triển lãm và trải nghiệm STEM năm 2022.
Tham gia ngày hội có các sản phẩm của các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố; trong đó có 15 sản phẩm STEM của học sinh (HS) cấp THCS đã đoạt giải trong đợt trưng bày sản phẩm dạy học STEM cấp thành phố năm học 2022 - 2023.
Tại ngày hội, có thể thấy nhiều sản phẩm của học trò gắn liền với thực tế đời sống, được đánh giá cao về ý tưởng, mục đích và sự sáng tạo. Chẳng hạn, với ý tưởng tái sử dụng vật liệu nhựa, tận dụng điện gió để xây dựng ngôi nhà tự nổi khi mùa mưa lụt đến, sản phẩm “Nhà tránh lũ lụt” của HS Trường THCS Nguyễn Du xứng đáng được trao giải nhất.
Trong khi đó, sản phẩm “Ngôi nhà thông minh” của HS Trường THCS Lê Hồng Phong được xem là một ý tưởng mang tính thời sự khi hiện nay thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đồng thời sử dụng nguồn năng lượng xanh.
Tương tự, đề tài “Sản xuất nước tẩy rửa đa năng từ một số loại rác thải sinh hoạt” của HS Trường THCS Nguyễn Huệ cũng là một sản phẩm mang tính thực tế và có sức thuyết phục, được các nhà chuyên môn đánh giá cao.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực.
Ở đó, HS áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, được truyền đạt đan xen và kết dính lẫn nhau cho HS trên cơ sở học thông qua thực hành và hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Ngoài ra, giáo dục STEM còn chú trọng trang bị cho HS những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như các kỹ năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo...
“Hoạt động giáo dục STEM đang ngày càng phổ biến và mang lại hiệu quả tích cực cho định hướng dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoạt động này tạo sân chơi bổ ích, sinh động để giáo viên và HS có cơ hội giao lưu học hỏi, chia sẻ kiến thức, sản phẩm trong lĩnh vực giáo dục STEM với các chuyên gia giáo dục STEM đến từ TP.Hồ Chí Minh” - ông Lộc nói.
Theo ông Hà Duy Bình (chuyên gia chuyển đổi số thuộc Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.Hồ Chí Minh), nhu cầu nguồn nhân lực trên các lĩnh vực STEM (22 ngành nghề) cao hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác, trong đó chuyển đổi số rất quan trọng thời đại hiện nay.
Vì vậy, HS được tiếp cận với STEM có ý nghĩa rất lớn trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, HS được trải nghiệm, hình thành những sản phẩm có thể áp dụng trong cuộc sống từ những kiến thức được học trong nhà trường.