Huyện Tây Giang còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như điều kiện ăn ở cho học sinh bán trú, nội trú... khi năm học mới sắp khai giảng.
Trường học vùng cao Tây Giang. Ảnh: Đ.H |
Khó khăn
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết năm học này, toàn huyện có 24 trường (7 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 6 trường THCS và 2 trường THPT), tăng 1 trường so với năm học trước. Toàn huyện, có hơn 5.200 học sinh và có 426 giáo viên. Trong đó, 350 học sinh được hưởng chế độ nội trú và 1.115 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Riêng Trường THPT Tây Giang năm nay, số học sinh còn hơn một nửa do học sinh 4 xã vùng cao được chuyển về học tại trường mới là THPT Võ Chí Công. Cụ thể, Trường THPT Tây Giang có 518 học sinh, 25 giáo viên; Trường THPT Võ Chí công sẽ có 204 học sinh từ lớp 10 đến lớp 11, với 11 giáo viên giảng dạy và 2 cán bộ quản lý.
Qua khảo sát, hiện cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, toàn huyện thiếu 18 giáo viên mầm non và 13 giáo viên tiểu học, nhưng lại thừa 13 giáo viên THCS do sắp xếp, biên chế lại lớp học. Ông Kỳ cũng cho biết tình trạng thiếu giáo viên có thể nhiều hơn, do số lượng giáo viên đăng ký chuyển vùng nhiều và đang chờ các huyện đồng bằng tiếp nhận. Huyện đã cho cơ chế hợp đồng ngắn hạn, nhưng lượng hồ sơ đăng ký thấp. Sinh viên sư phạm đồng bằng ra trường nhiều nhưng đi làm ngành nghề khác mà ít ai lên miền núi hợp đồng ngắn hạn, lương thấp mà lại không được đóng bảo hiểm. “Từ năm học 2016-2017 đến nay, có nhiều biến động về tình hình đội ngũ như giáo viên xin nghỉ việc, giáo viên nghỉ hưu, nghỉ theo Nghị định 108, giáo viên chuyển vùng… Vì vậy, tình trạng thiếu giáo viên đã tồn tại từ năm học 2016-2017 nhưng không được bổ sung chỉ tiêu biên chế nên không thể đăng ký nhu cầu thi tuyển bổ sung” - ông Kỳ nói.
Một khó khăn nữa là theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT về dạy học tiếng Anh cấp THCS đối với lớp 6 phải thực hiện dạy học và đánh giá theo “4 kỹ năng”, nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng quy định. Đặc biệt là có 150 học sinh bán trú không được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ nên dễ bỏ học do điều kiện đi lại khó khăn. Đối với Trường THPT Võ Chí Công theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đưa vào giảng dạy năm học 2017-2018. Nhưng do điều kiện thời tiết mưa nhiều, giao thông đi lại khó khăn nên công trình này chậm tiến độ hơn 1 năm. Đến thời điểm hiện nay, công trình này hoàn thành khoảng 95% khối lượng, trong khi ngày khai giảng cận kề. Thầy giáo Nguyễn Công Tươi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngày 27.8 tới nhà trường sẽ tập trung, sắp xếp lớp và chuẩn bị mọi điều kiện cho lễ khai giảng năm học mới. Lo nhất là thiếu chỗ ăn ở, nước sinh hoạt và điện phục vụ học sinh. Trước mắt nhà trường sẽ mượn tạm trụ sở (cũ) xã A Xan để giáo viên có chỗ làm việc. Hiện nay, nhà trường mới có quyết định bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng, hiệu phó; còn giáo viên thì đang chờ quyết định của Sở GD-ĐT”.
Nhiều giải pháp
Để khắc phục khó khăn, ông Nguyễn Quốc Kỳ thông tin thời gian qua, huyện đã tranh thủ nhiều nguồn đầu tư hỗ trợ, xây mới và sửa chữa một số trường học tại các xã Dang, Ch’Ơm, A Tiêng, A Vương... Trong đó, tranh thủ cả nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ như tổ chức Trẻ em Việt Nam (COV), tổ chức Save Children tại Việt Nam, Tổ chức Korea Food for the Hungry International (KFHI) - Hàn Quốc... Riêng COV đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng 20 phòng mầm non tại các điểm thôn. Tổ chức Save Children tại Việt Nam tài trợ hơn 6,7 tỷ đồng thực hiện dự án “Tăng cường kỹ năng làm quen với Toán và Tiếng Việt cho trẻ mầm non, cấp miễn phí sách giáo khoa tiểu học cho 4 trường (Tiểu học A Vương, Bha Lêê, A Tiêng, xã Dang), còn vở học tập UBND huyện Tây Giang đã đồng ý hỗ trợ toàn bộ cho học sinh.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết những khó khăn. Đến nay, cơ sở vật chất trường lớp cơ bản đảm bảo, không còn cảnh “tranh tre, nứa lá”. Huyện chỉ đạo Phòng GD-ĐT đảm bảo các trang thiết bị dạy học, nhất là phục vụ môn Anh văn, Tin học, mua vở cấp cho học sinh, hỗ trợ gạo cho các trường. Đặc biệt phải đảm bảo ăn ở cho 150 học sinh bán trú không được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định số 116. “Huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin bổ sung 50 chỉ tiêu biên chế để huyện có điều kiện đăng ký thi tuyển viên chức; xin tỉnh cho chủ trương tổ chức thi tuyển hoặc xét đặc cách đối với các nhân viên y tế học đường, kế toán đã hợp đồng lâu năm để ổn định và an tâm công tác tại vùng đặc thù khó khăn và hỗ trợ chế độ cho 150 em học sinh bán trú. Đối với 13 giáo viên THCS thừa sẽ chuyển xuống dạy cấp tiểu học ở một số môn...” - ông Arất Blúi nói.
ĐÌNH HIỆP