Việc đưa Trường Sa vào đất liền thông qua mô hình góp phần xóa bỏ khoảng cách, để học sinh Trường THCS Mỹ Hòa (xã Đại Hòa, Đại Lộc) gắn bó và khơi gợi niềm tự hào đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau mỗi giờ chào cờ đầu tuần, toàn thể thầy và trò Trường THCS Mỹ Hòa cùng hướng về cột mốc Trường Sa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ở đó, mỗi ngày hai buổi đến trường, các em có thể nhìn thấy, vui chơi, đọc sách hay kể chuyện dưới chân cột mốc chủ quyền. Hình ảnh giáo dục truyền thống trực quan sinh động đó góp phần khơi gợi nơi các em tình yêu và niềm tự hào đối với biển đảo. Thầy Huỳnh Văn Bình - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, sự hỗ trợ, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ Huyện đoàn Đại Lộc, Trường THCS Mỹ Hòa được chọn là đơn vị đầu tiên triển khai xây dựng mô hình cột mốc biển đảo Trường Sa. Cột mốc có chiều cao từ bệ đến đỉnh là 4,2m, bề ngang 1,2m và được làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài được ốp đá và có ghi rõ vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa. Công trình được khởi công từ ngày 2.3 và hoàn thành đúng kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương Đại Lộc.
Thầy và trò Trường THCS Mỹ Hòa tìm hiểu về biển đảo quê hương. Ảnh: Hoàng Liên |
Cũng theo thầy Huỳnh Văn Bình, công trình cột mốc được hoàn thành trong khuôn viên nhà trường là niềm tự hào rất lớn đối với tập thể giáo viên và học sinh nhà trường. Đây không chỉ là nơi vui chơi của các em mà còn diễn ra các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện truyền thống giữa những cựu chiến binh đối với thế hệ trẻ, nhất là tổ chức lễ kết nạp đoàn viên cho các em. Kể từ ngày khánh thành đến nay, trường đã tổ chức một số cuộc thi nhỏ tìm hiểu về chủ quyền biển đảo thu hút sự tham gia sôi nổi của học sinh toàn trường. “Sắp tới, nếu có điều kiện thuận lợi, nhà trường sẽ mời các lính đảo Trường Sa trực tiếp về nói chuyện biển đảo, giao lưu với các em, khơi gợi tình yêu và niềm tự hào chủ quyền thiêng liêng nơi học sinh ngay dưới chân cột mốc này” - thầy Bình chia sẻ.
Hiện, nhà trường đã đặt cạnh mô hình cột mốc Trường Sa một thư viện, trưng bày một số sách, tài liệu nói về chủ đề biển đảo để học sinh dễ dàng tham quan, tìm hiểu. Em Trần Lê Na, học sinh lớp 9/6 tâm sự: “Em cũng như các bạn rất tự hào vì ngôi trường có thêm mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa. Qua đó, giúp chúng em hình dung được cuộc sống của quân và dân nơi biển đảo, sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ giữa sóng biển trùng khơi”.
Theo Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc Mai Anh Sơn, đây là công trình thanh niên năm 2015 của Huyện đoàn, lấy nguyên mẫu từ cột mốc Trường Sa. Bên cạnh sự vận động kinh phí từ xã hội hóa, nhiều đoàn viên thanh niên huyện, xã và nhà trường đã chung tay góp sức làm nên công trình ý nghĩa, thiết thực của tuổi trẻ. Sở dĩ Trường THCS Mỹ Hòa được chọn để dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa đầu tiên bởi đây là ngôi trường lớn, có đông học sinh nhất của huyện với bề dày lịch sử 95 năm xây dựng và trưởng thành. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nơi đây là cái nôi của phong trào cách mạng. Nhiều thế hệ học sinh từ nhà trường hăng hái tham gia cách mạng, lên đường nhập ngũ chiến đấu trên khắp chiến trường và không ít trong số đó đã ngã xuống. Nhiều thế hệ học sinh trưởng thành từ ngôi trường này và làm rạng danh vùng đất Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam nói chung.
Huyện đoàn cũng đã phát động nhân rộng mô hình cột mốc Trường Sa giáo dục tình yêu biển đảo ở những tổ chức đoàn xã có điều kiện. Mới đây, Đoàn xã Đại Quang đã triển khai xây dựng và hoàn thành công trình mô phỏng cột mốc Trường Sa tại Trường THCS Nguyễn Du, một trường học cũng được xem là có bề dày truyền thống ở Đại Lộc. “Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, trước hết mô hình cột mốc Trường Sa sẽ được triển khai ở một số trường THCS, nếu địa phương nào có điều kiện, sẽ triển khai nhân rộng. Những cột mốc chủ quyền sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu biển đảo nơi thế hệ trẻ” - Bí thư Huyện đoàn Mai Anh Sơn nói.
HOÀNG LIÊN