(QNO) - Giáo dục Quảng Nam để lại dấu ấn đậm nét trong đổi mới “căn bản, toàn diện” theo cách của riêng mình.
Phát triển năng lực toàn diện
Lựa chọn các cuộc thi để đổi mới, từ năm học 2017 - 2018 thay vì tổ chức “lắt nhắt” tốn kém thời gian như trước, Sở GD-ĐT gộp thành hội thi học sinh (HS) tài năng, bao gồm thi HS giỏi, Olympic, thuyết trình văn học, thí nghiệm thực hành, tài năng tiếng Anh, kể cả các môn năng khiếu. Bên cạnh quy mô tổ chức gọn nhẹ, điều quan trọng hơn là hội thi tạo sân chơi cho HS thể hiện năng lực toàn diện, vừa ở các môn văn hóa vừa trên các lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật, thể thao.
Đổi mới công tác quản lý
Vài năm gần đây, Sở GD-ĐT tổ chức các đoàn thanh tra không báo trước đối với trường học, giáo viên. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, thăm lớp, dự giờ là hoạt động hữu ích, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành, các hoạt động dạy và học. Qua đó, duy trì tốt nền nếp kỷ cương, làm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong công việc.
Việc tích hợp nhiều cuộc thi thành hội thi chỉ là một trong những đổi mới, tạo ra điểm nhấn trong công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện” của giáo dục Quảng Nam thời gian qua. Nói điều này là bởi, một sự thay đổi đáng chú ý khác cũng tạo ra “làn gió mới” trong phong trào thi đua dạy và học, đó là kiểm tra, đánh giá năng lực HS theo đề chung cả tỉnh.
Không dừng ở các khối lớp THPT (9 môn), Sở GD-ĐT còn đảm nhận ra đề kiểm tra học kỳ chung toàn tỉnh cho cả khối lớp 9 (8 môn) và lớp 6 (3 môn). Năm học 2020 - 2021, sở “tiến thêm một bước nữa” khi tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm của 2 khối lớp đầu cấp vừa tuyển sinh là lớp 6 (Toán, Ngữ văn) và lớp 10 (Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh).
Giám đốc Sở GD-ĐT - Hà Thanh Quốc cho rằng, khảo sát đầu vào lớp 6 và lớp 10 cũng như ra đề kiểm tra học kỳ chung nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng cả tỉnh, giúp các đơn vị, trường học có cái nhìn chuẩn xác để có kế hoạch, giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng dạy - học. Còn với hội thi HS tài năng, đây là dịp toàn ngành đánh giá công tác dạy và học theo hướng phát triển năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đây cũng là sân chơi bổ ích, sinh động để HS toàn tỉnh có cơ hội giao lưu, thể hiện tài năng. Qua đó phát hiện HS giỏi để bồi dưỡng phát triển hơn nữa và tham gia các cuộc thi ở cấp cao hơn.
Đa dạng tuyển sinh
Tuyển sinh vào lớp 10 công lập được thực hiện theo quy chế của Bộ GD-ĐT song vẫn có thể vận dụng linh hoạt theo điều kiện địa phương. Điều này thể hiện ở phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập và rèn luyện 4 năm học bậc THCS kết hợp với phân vùng tuyển sinh theo địa bàn dân cư. Cách tuyển sinh này đã tác động lớn đến công tác giáo dục toàn diện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của học trò, nhất là HS sống ở vùng ven.
Cùng với đó là tỷ lệ tuyển sinh phù hợp với lộ trình phân luồng theo tinh thần Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (từ 95% giảm dần xuống còn 85% và năm nay là 80% số HS tốt nghiệp THCS). Trước yêu cầu đổi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy - học và tỷ lệ tuyển sinh giảm xuống 80% nên ngành đang có kế hoạch thay đổi phương án tuyển sinh 10 bằng phương thức thi tuyển vào năm học 2021 - 2022.
Trong khi đó, tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông lâu nay vẫn thực hiện theo phương thức thi tuyển. Tuy nhiên, khác với trước đây chỉ 1 môn chuyên, hiện nay HS được đăng ký dự thi 2 môn chuyên. Điều này giúp HS học lực giỏi có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn, chất lượng của hai trường chuyên được nâng lên.
Riêng Trường Phổ thông DTNT tỉnh, sau nhiều năm xét tuyển vào lớp 10, ngôi trường này đã có sự đổi mới căn bản khi chuyển sang phương thức thi tuyển 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh và cạnh tranh công bằng trên phạm vi cả tỉnh chứ không phân vùng theo địa bàn huyện như trước. Sự thay đổi này, theo Hiệu trưởng Lê Đức Sơn, giúp nâng cao chất lượng và đầu vào đồng đều hơn.