Chia sẻ cảm nhận, lan tỏa văn hóa đọc

CHÂU NỮ 05/04/2022 06:42

Cuộc thi “Cùng đọc sách” là cơ hội để người dự thi chia sẻ cảm nhận đối với tác phẩm mình yêu thích, để cùng tôn vinh và lan tỏa giá trị của sách và văn hóa đọc.

Cuộc thi “Cùng đọc sách” góp phần lan tỏa văn hóa đọc. TRONG ẢNH: Không gian đọc ở Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An). Ảnh: C.N
Cuộc thi “Cùng đọc sách” góp phần lan tỏa văn hóa đọc. TRONG ẢNH: Không gian đọc ở Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An). Ảnh: C.N

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Phó Trưởng ban Giám khảo cuộc thi nhận xét: “Có thể khẳng định 24 tác phẩm vào chung cuộc chấm điểm và xét giải là những “hạt gạo trên sàng” trong việc giới thiệu, bình giảng sách, đủ khả năng dẫn dụ bạn đọc nắm bắt những giá trị cốt lõi và từ đó đồng điệu, đồng cảm, tìm sách để đọc, làm bạn với sách, mở ra cho thế giới tâm hồn thêm lộng lẫy những sắc màu”.

Lan tỏa văn hóa đọc

Cuộc thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức, sau 8 tháng đã nhận được gần 140 bài viết của các tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về dự thi và viết bài hưởng ứng.

Qua đó, ban sơ khảo chọn đăng 34 tác phẩm trên Báo Quảng Nam điện tử và chọn 24 tác phẩm của 23 tác giả vào vòng chung khảo. Lễ tổng kết, trao giải sẽ diễn ra vào ngày 5.4.

Cuộc thi “Cùng đọc sách” dành cho cán bộ, công chức, người lao động, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh, nhưng một số người không thuộc đối tượng dự thi vẫn viết bài hưởng ứng, với mong muốn lan tỏa niềm vui, sự hứng thú, cộng hưởng tình yêu sách.

Ban tổ chức khuyến khích những bài viết giới thiệu tác phẩm do người Quảng Nam sáng tác hoặc tác phẩm viết về Quảng Nam trên các lĩnh vực, nhưng sự phong phú của các thể loại sách, ngoài văn học Quảng Nam, còn có sách biên khảo, văn học trong nước, văn học nước ngoài, tác phẩm kinh điển… được người dự thi giới thiệu là một trong những tín hiệu lạc quan của văn hóa đọc.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - chuyên viên Sở GD-ĐT, thành viên Ban tổ chức, không yêu cầu quá khắt khe về tính chuyên nghiệp, Ban tổ chức khuyến khích bạn viết chia sẻ cảm xúc, niềm vui, những trải nghiệm cá nhân bằng lối viết riêng, dẫn dụ và lôi cuốn bạn đọc. Với “không gian mở” ấy, nhiều tác giả đã có những điểm nhìn, cảm nhận độc đáo, mới lạ trong cách giới thiệu, cảm nhận về sách.

 

“Nhiều tác phẩm dự thi sâu sắc, chuyên nghiệp, cảm nhận tinh tế, có cảm xúc và trải nghiệm chân thành, lan tỏa được những giá trị tích cực về văn hóa đọc. Có những tác phẩm văn học quen thuộc nhưng được người viết tiếp cận theo hướng mới, với lối đi riêng, văn phong độc đáo, sắc sảo, cá tính; lại có những sáng tác mới được giới thiệu, trình bày ấn tượng, rõ ràng, sinh động, hấp dẫn và có sức thuyết phục... ” - cô Phạm Thị Hoàng (giáo viên Trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ), thành viên Ban giám khảo nhận xét.

Người trẻ ham đọc

Rèn luyện và nuôi dưỡng thói quen đọc sách giữa thời 4.0 hiện nay là một thử thách đối với nhiều người, đặc biệt với người trẻ. Tuy nhiên, rất mừng khi cuộc thi nhận được sự tham gia của nhiều bạn trẻ, như Nguyễn Thị Bích Na, học sinh lớp 9 ở Núi Thành; Đức Mạnh, học sinh lớp 10 ở Tiên Phước; hay Nhật Hạ, học sinh lớp 8 ở tỉnh Kon Tum… Đáng mừng hơn nữa là các bạn trẻ có những lựa chọn khá đa dạng về thể loại sách và cách tiếp cận, giới thiệu, phương thức thể hiện khá phong phú, linh hoạt...

Chọn giới thiệu tác phẩm biên khảo “Chuyện xưa xứ Quảng” (tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt), Thái Công Lộc (học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) chia sẻ: “Tham gia cuộc thi, tôi được sống chậm, để cảm được giá trị từ trang viết tác giả mang lại và hiểu hơn về vùng văn hóa xưa của xứ Quảng.

Tôi cảm nhận, không gian sống hiện nay thì mở và phẳng nhưng cái đẹp lại là những điều bình dị diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng quan trọng nhất tôi được giãi bày cảm xúc, được bày tỏ cảm nhận về tác phẩm mình yêu thích qua bài viết dự thi”.

Thói quen đọc sách cần được nuôi dưỡng từ nhỏ. Trong ảnh: Học sinh các trường tiểu học ở Tam Kỳ với trong ngày hội đọc sách, tháng 4.2021. Ảnh: C.N
Thói quen đọc sách cần được nuôi dưỡng từ nhỏ. Trong ảnh: Học sinh các trường tiểu học ở Tam Kỳ với trong ngày hội đọc sách, tháng 4.2021. Ảnh: C.N

Thái Công Lộc quan niệm, khi nhận thấy được giá trị từ sách mang lại, việc đọc sách ắt sẽ trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn. Đây cũng là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Thục Nữ - siêu trí tuệ Việt Nam, cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước - người có bài viết hưởng ứng cuộc thi. Với Thục Nữ, “Đọc sách để vui vẻ, đồng cảm và cải thiện bản thân”.

Đỗ Nguyễn Thiên Quỳnh gửi bài dự thi khi là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (hiện Thiên Quỳnh là sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế - NV) cho rằng, cuộc thi “Cùng đọc sách” là sân chơi bổ ích đối với những người có cùng niềm đam mê với sách, là nơi để những người thuộc mọi lứa tuổi có thể bày tỏ tình yêu với cuốn sách yêu thích.

“Tôi có cơ hội lật giở lại những trang sách tâm đắc và thể hiện cảm nhận qua bài dự thi. Đọc khá nhiều thể loại sách, nhưng tôi đặc biệt yêu thích văn học Quảng Nam, tôi luôn tìm đọc tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ xứ Quảng với tình cảm đặc biệt. Tác phẩm “Mơ về phía chân trời” của nhà văn Lê Trâm mà tôi chọn giới thiệu thực sự khơi dậy xúc động trong tôi về tuổi thơ” - Thiên Quỳnh bày tỏ.

Tác phẩm tham gia cuộc thi “Cùng đọc sách” đăng tải trên báo Quảng Nam điện tử. Ảnh: C.N
Tác phẩm tham gia cuộc thi “Cùng đọc sách” đăng tải trên báo Quảng Nam điện tử. Ảnh: C.N

Hạnh phúc khi được sẻ chia

Thầy giáo Tăng Văn Chung (Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn) - người tâm huyết với văn hóa đọc và tổ chức nhiều hoạt động khuyến đọc trong trường học, cho rằng mục đích, ý nghĩa hiển lộ ngay ở tên gọi cuộc thi.

Cuộc thi không nặng về phân định thắng thua, mà chủ yếu để truyền cảm hứng; không phân biệt đối tượng dự thi, mà quan trọng cổ xúy sự vào cuộc của những người có khả năng lan tỏa được tinh thần quý trọng sách, ham đọc.

Thầy Tăng Văn Chung chia sẻ: “Tôi cho rằng thi chỉ là cái cớ, là dịp để mọi người nhắc nhau cùng đọc sách, giới thiệu những cuốn sách giá trị. Nhờ cuộc thi, tôi có cơ hội nhìn lại việc đọc và viết của mình, sẻ chia và cảm nhận về sách.

Tôi cảm thấy công tác khuyến đọc mà lâu nay tôi theo đuổi không bị lạc lõng, vì được ngành giáo dục và xã hội đồng hành, tiếp sức để nâng cao văn hóa đọc cho bản thân, đồng nghiệp và học sinh”.

Còn cô giáo Lê Hồng Nhung (Trường THPT Lê Quý Đôn, Tam Kỳ) khi giới thiệu cuốn sách “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tiến sĩ Katherine Weare), ngoài lời tâm sự chân tình và nhiều trăn trở, dường như cô còn mong muốn cùng đồng nghiệp đi tìm cánh cửa hạnh phúc trong nghề dạy học cũng như lan tỏa tình yêu, niềm đam mê đọc sách đến với nhiều người. Ở góc nhìn thiền học, cuốn sách giúp cô tìm thấy sự bình an, thanh thản, bình tĩnh hơn, yêu thương, bao dung hơn, hài lòng với những gì đang có.

“Hạnh phúc đến từ những điều giản dị, hiểu biết và thương yêu khi tôi hoàn toàn làm chủ được cảm xúc của mình. Và quan trọng hơn, tôi thấy mình dồi dào năng lượng!” - cô Hồng Nhung chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia sẻ cảm nhận, lan tỏa văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO