Chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số và miền núi: Hiệu quả thiết thực

ALĂNG NGƯỚC 21/12/2021 08:59

Không chỉ tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trang thiết bị dạy học, chế độ ăn uống, sinh hoạt…, các chính sách hỗ trợ giáo dục theo Nghị định 81, 116 của Chính phủ và Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh còn giúp duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp, ngăn tình trạng bỏ học giữa chừng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục…

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp học sinh miền núi có thêm điều kiện ăn ở, học tập theo mô hình nội trú. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp học sinh miền núi có thêm điều kiện ăn ở, học tập theo mô hình nội trú. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vui đến trường

Để duy trì sĩ số học sinh, ngành giáo dục miền núi “níu chân” học trò ở lại trường nhiều hơn bằng các chính sách hỗ trợ đặc thù của Chính phủ và của tỉnh. Đây là trợ lực giúp học sinh đến trường đều đặn hơn mỗi ngày, góp sức cho việc ngăn tình trạng bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng DTTS.

Cô giáo Kring Lưu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Bhing (huyện Nam Giang) cho biết, trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng thỉnh thoảng xảy ra. Hằng năm, các thầy cô giáo phải đến tận nhà để vận động phụ huynh đưa các em đến lớp. Toàn trường có 293 học sinh với 11 lớp học, chủ yếu là con em đồng bào DTTS. Trong đó có 117 học sinh ở bán trú, được hỗ trợ ăn ở do nhà cách xa điểm trường.

“Kể từ khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã không còn xảy ra. Hằng năm, ngay sau khi kết thúc năm học, nhà trường đều triển khai rà soát học sinh thuộc diện bán trú của năm học tiếp theo để xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Trong đó chú trọng đến công tác quản lý, nuôi dưỡng học sinh bán trú đảm bảo theo quy định về chế độ hỗ trợ” - cô Lưu cho biết.

Kể từ khi chính sách hỗ trợ học sinh DTTS và cán bộ giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ học sinh đến trường ở miền núi được cải thiện rõ nét. Ngoài đảm bảo về điều kiện học tập, các em học sinh bán trú còn được hỗ trợ chế độ ăn uống, sinh hoạt đảm bảo theo khẩu phần, chế độ dinh dưỡng.

Theo thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học xã Trà Tập (huyện Nam Trà My), trong điều kiện khó khăn của miền núi, các chính sách ưu tiên về giáo dục đã góp phần giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng chi phí học tập, cũng như chăm lo cuộc sống cho con em mình. Bởi, tại các điểm trường bán trú, mọi hoạt động chăm sóc, quản lý học sinh đều do nhà trường đảm nhiệm, nhờ đó tỷ lệ bỏ học cũng được giảm dần.

Nâng chất lượng giáo dục

Ông Châu Ngọc Vĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho biết, ngoài Nghị định 81 của Chính phủ quy định hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn với 150 nghìn đồng/học sinh/tháng; các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS, học sinh khuyết tật theo Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 của Chính phủ; hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên theo Nghị định 54 của Chính phủ… được triển khai đồng bộ giúp điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh miền núi thêm đủ đầy hơn.

Lồng ghép từ các nguồn lực, địa phương hỗ trợ cho phát triển hệ thống giáo dục, nhất là trang thiết bị dạy học, trường lớp, chế độ ăn uống cho học sinh giúp từng bước đổi mới diện mạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tuyến cơ sở.

Theo ông Vĩnh, Nam Giang hiện có 24 cơ sở giáo dục, trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 13 trường dân tộc bán trú và 10 trường mẫu giáo, mầm non liên xã. Những năm qua, từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, giúp các điểm trường thêm khang trang, đảm bảo việc dạy học theo hướng chất lượng nâng cao. Đặc biệt là Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện, được áp dụng theo mô hình dạy nuôi khép kín, đảm bảo chăm lo điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho học sinh DTTS.

“Các chính sách hỗ trợ về giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua không chỉ tạo điều kiện chăm lo việc ăn ở, sinh hoạt cho học sinh nội trú, mà còn ngăn tình trạng bỏ học giữa chừng, cũng như giúp cán bộ giáo viên yên tâm công tác ở vùng khó khăn. Đây cũng là nguồn lực góp sức rất lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục miền núi, từng bước nâng cao chất lượng dạy học cho con em người DTTS” - ông Vĩnh nói.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tại các huyện miền núi hiện đang hình thành và duy trì mô hình bán trú dân nuôi, khuyến khích cộng đồng chung tay chăm lo cho con em của mình được đến trường học tập, nâng cao dân trí mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số và miền núi: Hiệu quả thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO