Cô giáo Phạm Thị Ái Vân và hành trình đến với MIE

CHÂU NỮ 28/08/2022 06:50

Cô Phạm Thị Ái Vân, giáo viên bộ môn Lịch sử - Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm là giáo viên duy nhất ở Quảng Nam 4 lần liên tục được công nhận chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft. Trước thềm năm học mới, cô Phạm Thị Ái Vân trò chuyện với Báo Quảng Nam cuối tuần chung quanh hành trình đến với cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft (Microsoft Innovative Educator - MIE).

Cô Phạm Thị Ái Vân chia sẻ về Office 365 với giáo viên Tin học THCS ở Quảng Nam.
Cô Phạm Thị Ái Vân chia sẻ về Office 365 với giáo viên Tin học THCS ở Quảng Nam.

Tình cờ “bén duyên” với MIE

* Cô có thể chia sẻ hành trình gắn bó với MIE của mình?

- Cô Phạm Thị Ái Vân: Tôi biết đến MIE năm 2017 trong dịp tình cờ. Năm đó, sau khi bài giảng của tôi được chọn vào vòng chung khảo cấp quốc gia cuộc thi Thiết kế bài giảng e-Learning năm thứ tư do Bộ GD-ĐT tổ chức, tôi lên mạng tìm hiểu thông tin về một số tác giả khác cùng có sản phẩm được chọn vào vòng chung khảo thì mới biết đến MIE và tôi bắt đầu hành trình học tập trên Trung tâm Học tập Microsoft (Microsoft Educator Center - MEC).

Cuối năm đó, tôi được giải thưởng “MIE of the month” dành cho thành viên xuất sắc cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam và tôi gắn bó với MIE đến nay.

* Khi tham gia MIE hẳn nhiên phải ứng dụng công nghệ, điều này có khó khăn đối với giáo viên dạy bộ môn Lịch sử như cô hay không?

“Cô Phạm Thị Ái Vân đam mê và tích cực trong đổi mới dạy học và tham gia các cuộc thi có ứng dụng công nghệ thông tin như thiết kế bài giảng Elearning.

Trở thành chuyên gia của MIE, cô Vân hỗ trợ giáo viên sử dụng phần mềm này trong thời gian dịch bệnh rất tốt, nhất là hỗ trợ tập huấn cho giáo viên của trường và các trường bạn về phần mềm Microsoft Teams.

Sự nhiệt tình và năng động, đặc biệt rất đam mê đổi mới phương pháp dạy học của cô Vân rất phù hợp trong dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

(Thầy Đinh Gia Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên               Nguyễn Bỉnh Khiêm)

- Cô Phạm Thị Ái Vân: MIE Việt Nam khi đó gồm toàn chuyên gia về công nghệ, các thầy cô giáo giỏi về công nghệ thông tin từng tham gia và thành công với các cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin”, “Thiết kế bài giảng e-Learning”… do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Vì thế, tôi - một giáo viên dạy Lịch sử ở tỉnh lẻ, chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận với các ứng dụng, phần mềm dạy học mới, mang tính hệ thống, dĩ nhiên gặp nhiều khó khăn và trở ngại khi tiếp cận và tham gia cộng đồng MIE.

Chẳng hạn như kiến thức nền tảng về công nghệ của tôi chủ yếu qua tự học nên không có tính hệ thống; tôi cũng chưa có tài khoản Office 365 bản A1 miễn phí dành cho các nhà giáo dục; các khóa học trên Trung tâm học tập Microsoft (Microsoft Educator Center - MEC) sử dụng tiếng Anh; tôi thiếu bạn đồng hành ở địa phương…

Riêng vấn đề “giáo viên Lịch sử dạy công nghệ thông tin”, tôi phải luôn cố gắng học tập nghiêm túc, ứng dụng hiệu quả công nghệ vào dạy học, để trước hết, tôi có thể tự tin là người có kiến thức vững chắc về công nghệ.

Trong các đợt chia sẻ, tập huấn tôi luôn cùng cộng sự nỗ lực xây dựng chương trình, nội dung tập huấn phù hợp nhu cầu của đối tác, thiết kế bài giảng khoa học, chuyên nghiệp, lựa chọn phương pháp tập huấn hợp lý. Nhờ thế, sau mỗi đợt tập huấn, chúng tôi luôn nhận được những phản hồi tích cực từ các học viên.

Năm 2020, tôi cũng được Cục Thông tin khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) công nhận đã tham gia hỗ trợ đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” trong công tác phòng chống Covid-19, thúc đẩy giáo dục trực tuyến. Đây cũng là một trong những nguồn động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình làm việc.

* Giáo viên tham gia MIE được những gì, thưa cô?

- Cô Phạm Thị Ái Vân: Tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, tôi và đồng nghiệp có cơ hội được sở hữu một tài khoản Office 365 bản A1 miễn phí, không giới hạn thời gian, được tham gia các khóa học miễn phí trên Trung tâm giáo dục (Microsoft Learn Educator Center).

Tôi đã có cơ hội được trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (Microsoft Innovative Educator Expert - MIEE), chuyên gia đào tạo nhà giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE Master Trainer) và những lần giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà giáo dục từ khắp nơi trên thế giới rất hữu ích trong việc giảng dạy của tôi.

Lan tỏa tiện ích công nghệ

* Cô đã lan tỏa và truyền cảm hứng về MIE đến cộng đồng, giáo viên và học sinh như thế nào?

- Cô Phạm Thị Ái Vân: Đầu năm 2018, tôi tham quan triển lãm sản phẩm giáo dục do Microsoft tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội tốt giúp tôi học tập cách sử dụng, khai thác, ứng dụng công nghệ vào dạy học và giáo dục của các đồng nghiệp đến từ khắp nơi trong nước. Trở về sau sự kiện, tôi tăng cường ứng dụng công nghệ vào dạy học môn Lịch sử và hướng dẫn, hỗ trợ học sinh ứng dụng công nghệ khi thực hiện các dự án học tập.

Cô giáo Phạm Thị Ái Vân.
Cô giáo Phạm Thị Ái Vân.

Cuối năm 2018, tôi được tham dự MIE training workshop 2018 dành cho Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIEE), tại Hà Nội. Những “key word” (từ khóa) của đợt tập huấn cũng đã gợi mở, định hướng cho tôi tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào dạy học một cách hiệu quả hơn.

Và tôi cũng bắt đầu lan tỏa những giá trị của MIE đến đồng nghiệp của mình ở khắp nơi, như chia sẻ về Office 365 với Cộng đồng giáo viên sáng tạo và tập huấn chương trình bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin sáng tạo và hiệu quả trong dạy học hay tập huấn một số công cụ trong bộ Office 365 cho giáo viên ở một số trường tại các tỉnh thành khác.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động chia sẻ, tập huấn của tôi đã chuyển sang hình thức online như tập huấn “Microsoft Teams và dạy học trực tuyến” cho giáo viên theo đặt hàng.

* Vậy cô đã áp dụng như thế nào trong công tác giảng dạy môn lịch sử?

- Cô Phạm Thị Ái Vân: Đối với công tác giảng dạy, tôi đã cố gắng lựa chọn và vận dụng những công cụ công nghệ thông tin phù hợp với từng hoạt động dạy học, mục tiêu giáo dục và điều kiện của nhà trường trên tinh thần “phương pháp dạy học dẫn dắt công nghệ”. Có lẽ nhờ thế, bài giảng của tôi sinh động, hấp dẫn hơn và hiệu quả bài học cũng cao hơn, góp phần kích thích hứng thú học tập môn Lịch sử của học sinh.

Tôi cũng hướng dẫn học sinh khai thác một số công cụ công nghệ thông tin để phục vụ việc học tập và thực hiện các dự án học tập, làm việc nhóm. Qua những sản phẩm học tập chất lượng, sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm tích cực, hiệu quả của học sinh, tôi có thể đánh giá được chuyển biến về năng lực công nghệ thông tin, năng lực tư duy lịch sử của các em.

* Chúc mừng cô Vân khi năm 2022 - 2023 là lần thứ tư liên tục, cô được công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft!

- Cô Phạm Thị Ái Vân: Xin cảm ơn bạn! Tôi biết đến cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam từ 2017 và sau đó là hành trình dài: học tập - ứng dụng - lan tỏa - học tập (vì kiến thức về công nghệ luôn cập nhật nên “việc học tập công nghệ sẽ không bao giờ có hồi kết”).

Nhưng mãi đến năm 2019, tôi mới dám nộp hồ sơ cho danh hiệu Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIEE) và khi Microsoft chính thức công bố danh sách MIEE toàn cầu năm 2019 - 2020, tôi vô cùng hạnh phúc khi được có tên trong danh sách gần 100 giáo viên Việt Nam được công nhận.

Và năm nay, tôi cũng rất vui khi tiếp tục được nhận danh hiệu MIEE, bởi mỗi năm Microsoft có những tiêu chí xét duyệt hồ sơ khác nhau và chỉ khi các nhà giáo dục sáng tạo Microsoft đáp ứng các tiêu chí ấy thì mới được công nhận.

Với tôi, MIEE là danh hiệu đã theo tôi và mang lại cho tôi nhiều cơ hội và cả sự may mắn trong công tác giáo dục, học tập và chia sẻ kiến thức về công nghệ thông tin đến hàng nghìn thầy cô giáo và học sinh khắp cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cô giáo Phạm Thị Ái Vân và hành trình đến với MIE
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO