Cơ hội cho võ cổ truyền phát triển

TƯỜNG VY 08/12/2021 07:23

Võ cổ truyền đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, nhất là môn thể thao truyền thống này thời gian qua được tổ chức tập luyện khá sôi nổi trong nhà trường.

Võ cổ truyền đang được phát triển tại cơ sở thu hút nhiều võ sinh nhỏ tuổi. Ảnh: T.VY
Võ cổ truyền đang được phát triển tại cơ sở thu hút nhiều võ sinh nhỏ tuổi. Ảnh: T.VY

Lan tỏa trong trường học

Từ năm học 2017 - 2018, Trường THCS Quế Phú (Quế Sơn) và Phan Tây Hồ (Phú Ninh) là những đơn vị được Sở GD-ĐT cùng Sở VH-TT&DL lựa chọn giảng dạy võ cổ truyền cho học sinh (HS).

Theo thầy Đỗ Đài - Hiệu trưởng Trường THCS Quế Phú, để triển khai, nhà trường tổ chức tuyên truyền cho HS, phụ huynh về mục đích, ý nghĩa của việc đưa môn võ cổ truyền vào nhà trường, góp phần nâng cao thể chất, tinh thần cho HS.

“Trên địa bàn có võ đường Kỳ Sơn nên nhiều em đã tiếp cận với môn võ này. Nhờ đó, khi đưa ra chủ trương giảng dạy, nhiều phụ huynh, HS hưởng ứng nhiệt tình” - thầy Đài thông tin.

Tương tự, Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Tây Hồ cũng cho biết, việc tổ chức giảng dạy võ cổ truyền tại trường diễn ra khá sôi nổi. Từ năm đầu tiên triển khai cho đến nay, phong trào tập luyện của nhà trường duy trì đều đặn với số lượng 60 võ sinh tham gia hàng năm.

Từ năm 2015, Chính phủ đã có chỉ đạo triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ với bài võ cổ truyền trong nhà trường phổ thông. Bộ GD-ĐT trong Thông tư 48 (31.12.2020) cũng xác định đưa võ cổ truyền vào giảng dạy trong các trường tiểu học, THCS và THPT. Còn tại Quảng Nam, cùng với một số môn thể thao khác, võ cổ truyền đã được UBND tỉnh ban hành kế hoạch giảng dạy tại các trường học từ năm 2017.

Theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, chưa bao giờ võ cổ truyền được tạo nhiều cơ hội để phát triển trong tỉnh như hiện nay. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương và kế hoạch của UBND tỉnh, cả hai ngành GDĐT và VH-TT&DL đã tích cực phối hợp xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy, kế hoạch tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Năm đầu tiên (năm học 2017 - 2018) triển khai tại các Trường THCS Quế Phú (Quế Sơn) và Phan Tây Hồ (Phú Ninh), đến nay, đã có thêm nhiều trường học hưởng ứng như THCS Nguyễn Khuyến (Núi Thành), Nguyễn Du (Tam Kỳ), Trần Hưng Đạo (Đại Lộc), Quế Minh (Quế Sơn), Nguyễn Duy Hiệu (Hội An), Dân tộc nội trú Hiệp Đức.

Vẫn còn rào cản

So với các môn võ khác, võ cổ truyền có lợi thế để phát triển nhờ nền tảng sẵn có với nhiều võ đường, câu lạc bộ hoạt động khá sôi nổi khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Thực tế không phải chờ đến khi có chủ trương mà bản thân phong trào tập luyện môn võ truyền thống này đã phát triển từ khá sớm tại cơ sở nói chung, trong nhà trường phổ thông nói riêng.

Theo ông Trần Hữu Ngữ - Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền tỉnh, thời gian qua nhiều địa phương, trường học tích cực phối hợp với liên đoàn và các võ đường, võ sư, huấn luyện viên ở địa phương để mở câu lạc bộ.

Nhờ đó, ở sân chơi Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ IX năm học 2020 - 2021, môn võ cổ truyền đã thu hút 16 đơn vị phòng GD-ĐT và 16 trường THPT với gần 400 học sinh tham gia tranh tài sôi nổi. Đây là tín hiệu tích cực cho phong trào võ cổ truyền bởi trường học là nơi thuận lợi nhất để phát triển tinh hoa võ thuật dân tộc theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, để phong trào phát triển cần phải khắc phục những rào cản. Theo thầy Đỗ Đài, tâm lý HS sau khi hoàn thành chương trình mong chờ được cấp giấy chứng nhận, nhưng lâu nay việc này chưa thực hiện khiến nhiều em không nhiệt tình tham gia.

“Sở GD-ĐT và Sở VH-TT&DL cần nghiên cứu tổ chức kiểm tra đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các em hoàn thành khóa học. Đồng thời có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa nguồn kinh phí phục vụ các lớp học” - thầy Đài nói.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Trần Hữu Ngữ cho rằng chính vì học miễn phí nên nảy sinh một số vấn đề như HS ỷ lại, tự ý vắng học. Cũng vì không có kinh phí nên các hoạt động như thi đấu giao lưu hay thi lên đai không được tổ chức.

“Nên chăng cho phép các trường thành lập câu lạc bộ võ cổ truyền, giao ban đại diện phụ huynh quản lý, tổ chức theo quy định của trường. Đây cũng là hình thức xã hội hóa” - ông Ngữ đề nghị.

Theo ông Châu Văn Thủy - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT, câu lạc bộ thể thao trong trường học giống như các câu lạc bộ khác, chẳng hạn như tiếng Anh, phải chịu sự quản lý chặt chẽ của lãnh đạo nhà trường. Vì vậy, chia sẻ băn khoăn trước đề nghị xã hội hóa câu lạc bộ võ cổ truyền, ông Thủy cho rằng “sẽ rất vướng nếu thu tiền của phụ huynh, HS”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho võ cổ truyền phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO