Còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

X.PHÚ 11/02/2023 10:19

(QNO) - Chiều nay 10/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Sở GD-ĐT về thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Sở GD-ĐT. Ảnh: X.P
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Sở GD-ĐT. Ảnh: X.P

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, toàn ngành hiện có 793 trường (725 trường công lập, 68 trường ngoài công lập), trong đó 287 trường mầm non, mẫu giáo, 227 trường tiểu học, 218 trường THCS, 61 trường THPT với hơn 370 nghìn học sinh (83.431 trẻ mầm non, 142.105 học sinh tiểu học, 94.020 học sinh THCS và 50.581 học sinh THPT).

Qua gần 3 năm triển khai chương trình GDPT mới, kết quả đạt được cho thấy các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Đồng thời, khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Toàn ngành cũng đã triển khai hiệu quả các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn các mô đun thực hiện chương trình GDPT 2018; triển khai các mô hình, phương pháp dạy học tích cực và tổ chức tốt các hoạt động hội nghị, tập huấn chuyên môn về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch môn học và kế hoạch bài dạy, nghiên cứu bài học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh; hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Thiếu giáo viên giảng dạy là vướng mắc lớn nhất khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Ảnh: X.P
Thiếu giáo viên giảng dạy là vướng mắc lớn nhất khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Ảnh: X.P

“Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua có nhiều khó khăn, vướng mắc. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, đặc biệt là giáo viên cấp tiểu học ở vùng khó khăn do thiếu nguồn tuyển dụng; cơ cấu đội ngũ giáo viên không đồng đều, thừa thiếu cục bộ nên chưa đáp ứng với yêu cầu lựa chọn môn học của học sinh THPT.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Một số trường còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng, trang thiết bị dạy học đã xuống cấp” - ông Tường nói.

Việc thay đổi nội dung chương trình ở cấp THPT (học sinh lựa chọn môn học) sẽ liên quan đến việc thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Tuy nhiên, đến nay Bộ GD-ĐT chưa ban hành văn bản hướng dẫn hoặc định hướng tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có văn bản hướng dẫn vấn đề này để các cơ sở giáo dục chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục.

Hiện tại nguồn tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới, đặc biệt giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, dạy các môn học mới (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý cấp THCS) thiếu nhiều. Đề nghị Bộ GD-ĐT có kế hoạch tổng thể trong chỉ đạo, phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh để các trường sư phạm đào tạo nhằm đảm bảo nguồn cho những năm học tiếp theo.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước nhấn mạnh chủ trương đúng đắn và hiệu quả triển khai chương trình, SGK mới; ghi nhận những nỗ lực của ngành trong việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK, nâng cao chất lượng giáo dục. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để tổng hợp báo cáo Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ, với UBND tỉnh tìm giải pháp khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO