Đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới

XUÂN LAN 13/09/2021 08:07

Ngày 2.9.2021, Tổ chức Timer Higher Education (THE) đã công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới năm 2022, trong đó có 2 trường ĐH ở Việt Nam lần đầu tiên góp mặt là ĐH Duy Tân - Đà Nẵng (DTU) và ĐH Tôn Đức Thắng -TP.Hồ Chí Minh (TDTU) cùng được xếp vào tốp 401 - 500 thế giới.

DTU ký kết hợp tác với Viện điều dưỡng Nhật Bản. Ảnh: X.L
DTU ký kết hợp tác với Viện điều dưỡng Nhật Bản. Ảnh: X.L

Nâng tầm quốc tế

Trong bảng xếp hạng THE năm 2022 có 1.662 cơ sở giáo dục đến từ 99 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 136 cơ sở so với năm 2021. Trong số đó, ngoài DTU và TDTU, Việt Nam còn 3 trường khác gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tăng 2 cơ sở so với năm 2021.

Có đến 5 trường ĐH Việt Nam lọt vào bảng vàng THE là một tin mừng cho ngành giáo dục nước nhà, nhưng trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội, từng 2 năm liên tiếp xếp vào nhóm 801 - 1.000 thế giới, năm nay bị tụt xuống nhóm 1.000 - 1.200. Tương tự, cả ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tụt hạng, từ nhóm 1.000 - 1.200 năm 2021 xuống nhóm 1.200 + năm 2022.

Đặc biệt, cả 2 trường DTU và TDTU dù còn non trẻ nhưng lần đầu tiên đã được THE xếp vào nhóm vị trí cao nhất của ĐH Việt Nam từ trước đến nay, cùng ở vị trí 401 - 500 thế giới.

Cả 2 trường đều được đánh giá cao gần như tuyệt đối ở cả 2 tiêu chí là “Tầm nhìn quốc tế” (International Outlook) và “Trích dẫn khoa học” (Citations), chiếm trọng số tính điểm xếp hạng tổng sắp gần 40%. Cụ thể, DTU có chỉ số trích dẫn khoa học đạt 100 (đứng đầu thế giới), TDTU có chỉ số trích dẫn khoa học đạt 99,3% (xếp thứ 18 thế giới).

Được công bố lần đầu vào năm 2004, đến nay THE được đánh giá là một trong 3 bảng xếp hạng uy tín, đánh giá chất lượng của các trường đại học hàng đầu trên thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng QS Asia University Rankings (QS.Asia) và bảng xếp hạng Academic Ranking of World University (ARWU) của ĐH Giao thông Thượng Hải Trung Quốc (nên còn gọi là Shanghai Ranking từ năm 2003).

Xếp hạng THE có 13 chỉ số riêng biệt, được chia thành 5 tiêu chuẩn “trụ cột” gồm: Giảng dạy - trọng số tính điểm xếp hạng 30% (tỷ lệ đào tạo tiến sĩ, cử nhân tốt nghiệp; tỷ lệ đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp/giảng viên; danh tiếng về giảng dạy; thu nhập trung bình của đội ngũ; tỷ lệ sinh viên/giảng viên).

Nghiên cứu - 30% (tỷ lệ công bố khoa học/giảng viên; tỷ lệ thu nhập từ nghiên cứu/giảng viên; danh tiếng về nghiên cứu). Trích dẫn khoa học - 30% (tác động của trích dẫn khoa học).

Nguồn thu từ doanh nghiệp 2,5% (tỷ lệ thu nhập chuyển giao tri thức/giảng viên). Tầm nhìn quốc tế 7,5% (phần trăm giảng viên quốc tế; đồng tác giả quốc tế; phần trăm sinh viên quốc tế).

Cho đến nay, dù chưa hoàn hảo, nhưng vị trí những ĐH hàng đầu của các bảng xếp hạng trên đều rất nhất quán. Các ĐH như Harvard, Yale, Stanford, Princiton, MIT, Caltech (Mỹ); Oxford, Cambridge (Anh)... vẫn là những ĐH hạng tốp đầu cho dù dùng tiêu chí của bảng xếp hạng nào. Sự nhất quán này có thể hiểu được, vì tất cả bảng xếp hạng đều đặt nặng về tiêu chí đầu ra của nghiên cứu khoa học. Các nhóm như QS Asia chẳng hạn, xem nghiên cứu khoa học quyết định đến 60% thứ hạng của đại học.

Trước đó, DTU đã được QS Asia Ranking 2021 xếp vào tốp 400 ĐH tốt nhất châu Á. Và ngày 15.8 vừa qua bảng xếp hạng Sanghai Ranking năm 2021 cũng đã công bố 2 trường DTU và TDTU cùng xếp vào vị trí 601 - 700 thế giới. Đây là tín hiệu vui khẳng định chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam đang dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.

Bắt kịp xu thế thời đại

Nhà giáo ưu tú - Anh hùng Lao động Lê Công Cơ (Chủ tịch Hội đồng DTU kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - cao đẳng Việt Nam) cho rằng, giáo dục ĐH Việt Nam muốn đi vào xếp hạng của các tổ chức THE, QS Asia, ARWU thì cần phải đầu tư rất lớn về nguồn lực (con người, tiền của) và thời gian mới hy vọng có một số trường được xếp hạng 300 - 400 châu Á và 800 - 1.000 của thế giới vào những năm 2030.

Hiện tại, trong tốp 5 ĐH hàng đầu Việt Nam được THE xếp hạng năm 2022 chỉ có DTU là ĐH tư thục đầu tiên và duy nhất. Trong hồi ký “Từ một mái trường” 2019, thầy Lê Công Cơ kể, khi Duy Tân nêu khát vọng vào tốp 300 trường ĐH châu Á, có nhiều người gọi điện nói “có phải Duy tân điếc... không sợ súng chăng?”. Sở dĩ Duy Tân dám, là vì Duy Tân có khát vọng, phát huy tinh thần Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX và đổi mới giáo dục toàn diện ngày nay để có thể biến ước mơ lớn đó thành hiện thực.

DTU thành lập ngày 11.11.1994. Với phương châm “đứng trên vai người khổng lồ” để nâng tầm bản thân, ngày 1.5.2008 DTU đã ký hợp tác đầu tiên với ĐH Carnegie Mellon (CMU), một trong 4 trường mạnh nhất về công nghệ thông tin của Mỹ chuyển giao chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Những năm sau đó, các ĐH bang Califonia ở Fullerton (CSU), PenState (PSU), Purdue, đã chuyển giao cho Duy Tân 14 chương trình đào tạo.

Không những thế, Duy Tân còn tạo ra những bước ngoặt mới trong tiến trình hợp tác khi đưa sinh viên du học nước ngoài và lấy bằng quốc tế. Đã có hơn 1.000 giảng viên quốc tế đến giảng dạy tại trường, hơn 500 lượt giảng viên DTU được đưa đi nước ngoài tập huấn cùng nhiều sinh viên nước ngoài đến Duy Tân học tập.

Từ năm 2010, ĐH Duy Tân đã chính thức triển khai các chương trình du học 2 + 2 (2 năm đầu ở DTU và 2 năm sau tại Mỹ hay Canada), 1 + 1 + 2 (1 năm DTU, 3 năm Mỹ) và 3 + 1 (3 năm đầu tại DTU và 1 năm sau tại Anh hay Singapore). Đặc biệt, trong năm 2017, DTU đã tạo nên cột mốc mới ở miền Trung khi ký kết với ĐH Troy và ĐH Keuka (Mỹ), mang đến cho sinh viên Việt Nam cơ hội nhận bằng quốc tế khi học tập ngay tại quê nhà.

Năm 2017, sau khi đạt được 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí của Bộ GD-ĐT quy định, qua kiểm định, Duy Tân trở thành trường ĐH tư thục đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Bước qua năm 2018, Duy Tân đạt kiểm định quốc tế ABET - Mỹ trong 2 chương trình đào tạo: Kỹ thuật mạng và Hệ thống thông tin quản lý. DTU trở thành trường ĐH thứ 2 của Việt Nam có các chương trình đạt kiểm định ABET (sau Trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh).

Đến nay DTU đã xây dựng được đội ngũ gồm 1.238 cán bộ, giảng viên (GV) cơ hữu. Trong đó, số GV có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư chiếm hơn 28% và đa số đã tốt nghiệp từ các trường ĐH có uy tín ở Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Canada, Hàn Quốc...

Ngoài ra, có khoảng 200 GV trong và ngoài nước thường xuyên đến DTU thỉnh giảng. Chính đội ngũ này đã góp phần đưa DTU đứng tốp 5 trong số các cơ sở có công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam với 4.917 bài có chỉ số ISI, 188 bài có chỉ số Scopus và 154 bài quốc tế khác. Đây cũng là niềm tin để 250 doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo cùng hàng trăm doanh nghiệp khác hợp tác với DTU nhằm hỗ trợ sinh viên thực tập và tìm kiếm việc làm.

Xu thế của thế giới đang thịnh hành học qua mạng, học trực tuyến, tạo điều kiện cho mọi người có thể học bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và có thể học suốt đời. Giáo dục ĐH phải đi vào quỹ đạo đó và Trường ĐH Duy Tân đã triển khai ngay trong mùa đại dịch Covid-19 (từ năm học 2020 - 2021) cho hơn 21.000 giảng viên, sinh viên nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO