Dấu ấn trên vùng đất học

CÔNG TÚ 16/11/2022 07:56

Trên chặng đường 47 năm xây dựng và trưởng thành, ngành GD-ĐT Đại Lộc đã tạo nên dấu ấn với những thành tích nổi bật trong sự nghiệp “trồng người”; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương.

Trao giải hội thi “Nét đẹp nhà giáo” được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: T.C.T
Trao giải hội thi “Nét đẹp nhà giáo” được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: T.C.T

Những kỳ tích

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách kể từ sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng năm 1975, đến năm học 1984 -1985, hệ thống giáo dục của huyện Đại Lộc tương đối hoàn chỉnh khi các xã, thị trấn đều có trường mẫu giáo, tiểu học và THCS. Ngành tích cực khôi phục hệ thống giáo dục, xóa nạn mù chữ, đẩy mạnh bổ túc văn hóa.

Đến năm 1982, Đại Lộc là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành công tác xóa mù chữ. Từ năm 1986, mạng lưới trường lớp được huyện đầu tư mở rộng, xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang, đời sống của giáo viên được cải thiện.

Giai đoạn 1991 - 1996, toàn ngành tập trung huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, nâng cao giáo dục toàn diện. Theo đó, Đại Lộc được UBND tỉnh công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ vào năm 1993.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc - bà Nguyễn Thị Thanh Vân chia sẻ, từ năm 1997 đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn cho đội ngũ này luôn được quan tâm, tổ chức có hiệu quả. Giáo viên tham gia các cuộc thi cấp tỉnh đoạt nhiều giải cao. Ngành GD-ĐT Đại Lộc luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giảng dạy; thực hiện tốt chuyển đổi số.

Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa) được xây dựng tại địa điểm mới với tổng kinh phí hơn 44 tỷ đồng. Ảnh: TCT
Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa) được xây dựng tại địa điểm mới với tổng kinh phí hơn 44 tỷ đồng. Ảnh: TCT

Tại huyện Đại Lộc, toàn bộ 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Ngành cũng rất quan tâm đến hoạt động ngoài giờ lên lớp, hình thành kỹ năng sống cho thế hệ tương lai. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức...

Chăm lo toàn diện

Đóng tại xã Đại An, Trường THCS Mỹ Hòa là cơ sở giáo dục có truyền thống hơn 30 năm. Thầy Lê Văn Tài - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, hơn 30 năm ấy, trường không chỉ lớn lên về số lượng phòng học, hoàn thiện về cơ sở vật chất, về diện mạo bên ngoài mà đi sâu vào thực chất các phong trào thi đua toàn diện.

Học sinh nhà trường chăm học, thầy cô chăm chỉ “trồng người”; nhiều tiết dạy hay, nhiều thầy cô dạy giỏi, phong trào thi đua dạy tốt học tốt dấy lên. Trường 2 lần được kiểm định chất lượng giáo dục và đều công nhận cấp độ cao nhất, 3 lần kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia và gần nhất năm 2020 được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trường THCS Mỹ Hòa có bề dày hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành.
Trường THCS Mỹ Hòa có bề dày hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành.

Từ điển hình Trường THCS Mỹ Hòa, theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, đảng bộ, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở luôn xác định và nhất quán quan điểm coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu để địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Hàng năm, căn cứ nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo ngành GD-ĐT và các xã, thị trấn, trường học, các đơn vị có liên quan cũng như huy động sự chung tay đóng góp của toàn xã hội đầu tư phát triển giáo dục.

“Vì vậy, ngành GD-ĐT Đại Lộc đã triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu, chương trình; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học đạt chuẩn quốc gia. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, tài liệu sách giáo khoa… theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Thực hiện đảm bảo nguyên tắc 3 công khai theo tinh thần Thông tư số 36 ngày 28/12/2017 của Bộ GD-ĐT, xem đây là cam kết bảo đảm chất lượng, căn cứ để giám sát, đánh giá chất lượng GD-ĐT của từng trường học. Nhờ đó, chất lượng GD-ĐT được nâng lên đáng kể” - ông Lê Văn Quang nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, qua 2 nhiệm kỳ liên tiếp, HĐND huyện ban hành 2 đề án bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất GD-ĐT với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Cộng thêm huy động từ các nguồn lực khác, 10 năm trở lại đây, kinh phí bố trí xây dựng cơ sở vật chất hơn 300 tỷ đồng.

Riêng năm 2018 đến nay, Đại Lộc phân bổ 5 - 7 tỷ đồng/năm cho các trường để mua sắm trang thiết bị giáo dục, đảm bảo chuẩn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, ngành GD-ĐT Đại Lộc xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Qua thực hiện, Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình (xã Đại Hiệp) là trường đầu tiên của Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 1999; năm 2002 Trường Mầm non Đại Phong (xã Đại Phong) là trường đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên đạt chuẩn quốc gia.

Đến nay, 100% các trường đã đạt chuẩn, nâng chuẩn, giữ chuẩn. Nhờ đó, chất lượng dạy học không ngừng nâng cao và được xem là kết quả đáng khích lệ của việc không ngừng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao về mọi mặt của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở vùng đất học.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn trên vùng đất học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO