Gánh nặng vì sách giáo khoa

H.ĐẠO - H.QUÂN - M.LINH 17/06/2022 10:09

(QNO) - Sách giáo khoa tăng giá trong thời điểm vừa trải qua đại dịch Covid-19 đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình có con em đi học. 

Vì hoàn cảnh, ông Mai Văn Sơn không đủ tiền mua hai bộ SGK cho con mình. Ảnh: Q.L.Đ
Ông Mai Văn Sơn xoay xở khó khăn khi mua hai bộ SGK cho con mình. Ảnh: Q.L.Đ

Phụ huynh choáng váng với giá sách tăng

Ông Mai Văn Sơn, phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) có hai người con học lớp 2 và lớp 7. Lo sợ mua không đủ sách cho con đi học như giai đoạn đầu năm học vừa rồi, nên ngay giữa tháng 6, ông Sơn đã tìm mua sách giáo khoa (SGK). Đến nhà sách, thấy giá sách khá cao, trong khi khả năng tài chính gia đình có hạn, ông Sơn chỉ mua được bộ sách cho đứa con học lớp 2 với giá hơn 500 nghìn đồng (đã trừ vài loại vở bài tập không sử dụng). Còn đứa con lớp 7, ông chưa đủ tiền để mua. 

“Thời buổi kinh tế khó khăn, nghề tiếp thị của tôi thì chẳng kiếm được nhiêu. Giá sách tăng cao, nhất là sách cho đứa con lớp 7 thật sự là gánh nặng, chưa kể phải mua sắm thêm dụng cụ học tập, quần áo trong đầu năm học. Nhưng dù khó khăn, cũng phải cố gắng mua sắm đầy đủ cho con đi học” – ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, trước đây, nhiều khóa học có thể sử dụng chung một bộ SGK. Nhưng giờ mỗi năm mỗi loại sách, học xong cũng chẳng thể cho ai sử dụng lại, trong khi mua tốn rất nhiều chi phí.

Việc SGK tăng giá đã trở thành gánh nặng của phụ huynh vào đầu năm học. Ảnh: Q.L.Đ
Việc SGK tăng giá đã trở thành gánh nặng của phụ huynh vào đầu năm học. Ảnh: Q.L.Đ

Sau khi khảo sát một số nhà sách, bà Nguyễn Thị Thủy (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) bất ngờ khi bộ SGK lớp 6 và sách bài tập nếu mua đủ theo danh mục thì có giá đến gần 800 nghìn đồng. “Tôi chọn mua bộ SGK và thêm vài cuốn bài tập quan trọng như Toán, Tiếng Việt, Anh văn thôi thì đã hết gần 500 nghìn đồng. Sau khi nhập học nếu trường yêu cầu mua thêm các sách tham khảo, hay bài tập thì mình sẽ mua. Chứ mua sắm một lần nhiều tiền quá” – bà Thủy nói.

[VIDEO] - Sách giáo khoa tăng giá thêm gánh nặng cho nhiều gia đình phụ huynh:

Còn bà Hoàng Thị Mỹ D. (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) nói: “Ở vùng nông thôn mua đầy đủ một bộ SGK, các loại vở bài tập, sách tham khảo, chưa kể vào năm học mới sắm sửa quần áo, dụng cụ học tập cho các cháu thì thật sự là quá sức đối với các gia đình khó khăn. Mà SGK bây giờ chỉ dùng một lần rồi bỏ chứ có dùng lại được đâu. Sách tăng giá trở thành gánh nặng cho các gia đình đông con, nghèo khó". 

Tìm cách tiết kiệm

Sau khi đưa cháu đi một vài nhà sách ở thị trấn Núi Thành, bà Lê Thị Hiền (xã Tam Hiệp, Núi Thành) đành bấm bụng mua đúng bộ SGK mà không mua thêm sách tham khảo nào. “Thôi ráng chờ đến khi nhập học cô giáo yêu cầu thêm sách nào thì mình mua cho cháu cuốn đó chứ nhìn thấy danh mục sách tham khảo tôi cũng choáng ngợp vì giá” – bà Hiền cho biết.

Nhiều loại sách tham khảo, vở bài tập được bày bán ở các nhà sách khiến học sinh, phụ huynh bối rối khi chọn lựa. Ảnh: Q.L.Đ
Nhiều loại sách tham khảo, vở bài tập được bày bán ở các nhà sách khiến học sinh, phụ huynh lúng túng khi chọn lựa. Ảnh: Q.L.Đ

Để hỗ trợ các phụ huynh đảm bảo có được bộ SGK đáp ứng việc học tập và tiết kiệm, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng gửi thông báo các đầu sách cần thiết để phụ huynh tham khảo. Bà H.T.C (phụ trách công tác hành chính một trường tiểu học ở Núi Thành) chia sẻ, trên cơ sở danh mục sách của Sở GD-ĐT, nhà trường đã lựa chọn các loại sách tham khảo thiết yếu nhất phù hợp với công tác dạy học của nhà trường.   

“Là trường học ở vùng nông thôn nên Ban giám hiệu nhà tường quyết định chỉ chọn vài đầu sách thiết thực nhất để đỡ lãng phí cho phụ huynh, học sinh vì có nhiều loại sách tham khảo nếu mua về thì cả năm học cũng không dùng đến” – bà C. thẳng thắn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Vân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết, sau khi Sở GD-ĐT đề ra các danh mục sách sẽ được sử dụng trong năm học tới, nhà trường khẩn trương thông báo để phụ huynh mua sắm sách cho con phù hợp, tránh mua nhầm các loại sách, vở tài tập không sủ dụng tốn kém, nhất là khối lớp 7.

“Đối với các loại sách tham khảo, nhà trường chỉ khuyến khích các phụ huynh có điều kiện kinh tế thì mua sắm để con học tập, chứ không bắt buộc. Ngược lại, học sinh có thể tham khảo sách tại thư viện hoặc tìm kiếm thông tin qua mạng” – cô giáo Vân khuyến khích.

Giá tham khảo của một số bộ sách trên thị trường hiện nay. Ảnh: Q.L.Đ
Giá tham khảo của một số bộ sách trên thị trường hiện nay. Ảnh: Q.L.Đ

Vừa qua, sau khi Bộ GD-ĐT có Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã có văn bản gửi Trưởng phòng GD-ĐT các địa phương, Hiệu trưởng các trường học về việc sử dụng SGK và sách tham khảo.

Theo đó, sở yêu cầu phải tuyên truyền về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK. Đặc biệt, yêu cầu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không được lạm dụng vị trí công tác để ép buộc, vận động học sinh hoặc phụ huynh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo Giám đốc Sở GD–ĐT Thái Viết Tường, sẽ nghiêm cấm các cơ sở giáo dục vận động học sinh, học viên, phụ huynh mua sách ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Ông Tường khẳng định: “Chúng tôi nghiêm cấm hành vi lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khách ngoài danh mục SGK để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng. Đồng thời, giao Thanh tra sở tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thầm quyền xử lý nếu có cơ quan, cá nhân vi phạm”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gánh nặng vì sách giáo khoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO