Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu, trang thiết bị dạy học không đảm bảo, đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu... là những hạn chế của ngành giáo dục huyện Đông Giang lâu nay nhưng chưa được tháo gỡ.

Khó khăn bủa vây
Năm học 2022 - 2023, Đông Giang có tổng cộng 26 trường của 3 cấp học gồm mầm non, tiểu học và THCS với 549 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. “Như vậy, ngành giáo dục huyện còn thiếu 93 giáo viên và nhân viên cho năm 2023. Trong đó, giáo viên chiếm tới 84 chỉ tiêu” - ông Trần Văn Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Giang cho biết.
Qua nhiều lần tỉnh tổ chức thi tuyển, nhưng nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp “trồng người” ở Đông Giang thiếu vẫn hoàn thiếu. Nhiều vị trí ra chỉ tiêu tuyển dụng, song lại không có người nộp hồ sơ dự tuyển về huyện. Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học khiến cho việc dạy học gặp không ít khó khăn.
Tính đến nay, Đông Giang mới có 9/26 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, chưa đơn vị nào đạt chuẩn mức độ 2. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng lý giải, biên chế tỉnh giao hàng năm còn thiếu và tỉnh tuyển dụng chưa kịp thời nên tổ chức các hoạt động giáo dục gặp khó; nhân viên kế toán, thư viện, y tế học đường cũng chưa đáp ứng quy định của Bộ GD-ĐT.
Thêm một nguyên nhân khác, do kinh phí được giao hàng năm hạn hẹp, huyện không đủ nguồn lực đầu tư xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo kế hoạch.
Chưa kể, quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất cấp mầm non, tiểu học, THCS theo Thông tư số 13 ngày 26/5/2020 của Bộ GD-ĐT cao hơn so với trước đây khiến quá trình xây dựng trường đạt chuẩn càng thêm thách thức đối với huyện miền núi như Đông Giang.
Trường Tiểu học Jơ Ngây gồm 1 điểm trường chính và 3 điểm lẻ. Phó Hiệu trưởng nhà trường - cô Bríu Thị Voi chia sẻ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng tiêu chí của trường đạt chuẩn.
Ở các điểm lẻ, do khuôn viên chật hẹp nên không có sân chơi cho học sinh, trang thiết bị thiếu thốn là trở ngại không nhỏ để nâng cao chất lượng dạy học. Không riêng gì Jơ Ngây, chuyện thiếu phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học là cái khó chung của ngành giáo dục Đông Giang. Để “linh hoạt”, giáo viên đến tiết dạy đã đem đồ dùng dạy học từ điểm trường chính sang điểm lẻ, sau đó lại đem trở về điểm chính. Lý do là điểm lẻ không có nơi để bảo quản thiết bị.
Nỗ lực khắc phục
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Đông Giang cho biết, từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu xây dựng để Trường Mẫu giáo Hướng Dương, Trường Tiểu học Mà Cooih (xã Mà Cooih), Trường Tiểu học Jơ Ngây đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Trường THCS Kim Đồng (xã Ba) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Để đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, Đông Giang đang triển khai xây dựng các hạng mục còn thiếu như các khối phòng chức năng và phòng học tại Trường Tiểu học Jơ Ngây (tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng); xây dựng khối hiệu bộ, khối nhà bộ môn và nhà đa năng, thư viện tại Trường THCS Kim Đồng (13,3 tỷ đồng). Việc bố trí nguồn lực đầu tư nêu trên còn nhằm hoàn thành tiêu chí về trường học trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Ba, nông thôn mới của xã Jơ Ngây.
Để khắc phục thực trạng thiếu nguồn nhân lực, ông Trần Văn Hùng cho biết địa phương tiếp tục hợp đồng thỉnh giảng giáo viên về giảng dạy, trên cơ sở ủy quyền cho các trường trực tiếp ký hợp đồng, lương do UBND huyện chi trả theo quy định.
Còn về lâu dài, đơn vị đang xây dựng kế hoạch để tham mưu UBND huyện, trình Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Giang cho ý kiến về thi tuyển viên chức ngành giáo dục tại huyện.
Đối tượng tuyển dụng sẽ không bó hẹp trong địa bàn Quảng Nam mà mở rộng ra các tỉnh, thành khác. Nếu được thông qua, địa phương dự kiến sẽ làm việc, hợp đồng với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội - Phân hiệu Quảng Nam làm công tác tuyển dụng, như ra đề thi, coi thi, chấm thi, ra kết quả…
Trước mắt, Đông Giang vẫn phải đối mặt với bài toán thiếu giáo viên. Nhiều giáo viên vững chuyên môn, kinh nghiệm trong giảng dạy chuyển công tác về đồng bằng hoặc nghỉ hưu khiến nguồn nhân lực càng thêm thiếu.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế. Không ít trường hợp thuộc diện quy hoạch cán bộ quản lý, nhưng địa phương không thể đề bạt, bổ nhiệm do thiếu tiêu chuẩn bằng cấp về chính trị.
Nguồn lực huy động từ công tác xã hội hóa giáo dục chưa mang tính quy mô lớn, chỉ ở mức độ hỗ trợ các hoạt động vui chơi học tập, khuyến học, khuyến tài, động viên giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập…