Giáo dục di sản trong học đường

QUỐC HẢI 24/06/2021 09:49

TP.Hội An vừa thông qua bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An” dành cho học sinh tiểu học và sẽ đưa vào giảng dạy trong năm học tới.

Bộ tài liệu Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An.
Bộ tài liệu Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An.

Từ năm 2014 đến nay, với sự tham gia của Phòng VH-TT, Phòng GD-ĐT và các trường học trên địa bàn, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã dày công xây dựng bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An”. Được Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam tư vấn chuyên môn, bộ tài liệu đã đưa vào dạy thử nghiệm tại một số trường học.

Sau 4 lần tập huấn cho đội ngũ giáo viên, tổ chức cho hơn 3.200 học sinh ở 95 lớp của 14 trường học tham gia khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu thực tế tại các di tích kiến trúc, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã hoàn thành biên soạn bộ tài liệu.

Mỗi khối lớp được học 2 chủ đề, lớp 1 tìm hiểu chủ đề về Chùa Cầu và đình; lớp 2 về giếng cổ và hội quán; lớp 3 tìm hiểu về chùa và múa thiên cẩu; lớp 4 có 2 chủ đề về lăng Ông và nhà thờ tộc; lớp 5 sẽ tìm hiểu về nhà cổ và làng nghề truyền thống ở Hội An.

Bà Lê Thị Tuấn - Trung tâm Quản lý bổ tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết, nội dung bộ tài liệu giới thiệu về văn hóa vật thể và phi vật thể ở Hội An. Mỗi chủ đề có 3 tiết học, tiết 1 giới thiệu về di sản tại lớp, tiết 2 tìm hiểu trải nghiệm thực địa và tiết thứ 3 củng cố kiến thức ở lớp.

Ngoài bộ tài liệu bằng chữ viết còn có tài liệu trực quan như video clip, hình ảnh, trò chơi, câu hỏi sinh động nhằm kích thích sự tò mò tìm hiểu kiến thức, khám phá, trải nghiệm di sản.

Cô giáo Huỳnh Thị Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng cho biết: “Năm học vừa qua, trường được phân công dạy thử nghiệm bộ tài liệu này và khi được học, tất cả học sinh đều rất hứng thú, say mê. Cùng với phương pháp dạy của giáo viên, tài liệu, phim ảnh của bộ tài liệu khá phù hợp, rõ ràng và cập nhật. Thời gian tới, nếu được học từ lớp 1 đến lớp 5 thì học sinh sẽ nắm rõ, nắm kỹ về các giá trị di sản ở Hội An”.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng GD-ĐT Hội An nói. “Chúng tôi đã có kế hoạch tập huấn cho tất cả giáo viên và ban giám hiệu ở các trường nắm nội dung cần truyền tải cũng như phương pháp, cách thức giảng dạy bộ tài liệu theo chương trình giáo dục mới. Bộ tài liệu biên soạn bằng nhiều hình thức trực quan sinh động nên kích thích sự tìm hiểu của học sinh”.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, thành phố đã phê duyệt và triển khai ngay việc giảng dạy bộ tài liệu này cho học sinh Tiểu học trong năm học tới. Hội An cũng sẽ tiếp tục biên soạn tài liệu giáo dục di sản trong học đường cho học sinh THCS và THPT.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục di sản trong học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO