Hơi ấm từ thầy cô và yêu thương trao gửi...

ĐĂNG NGUYÊN - DIỄM LỆ - PHẠM QUỐC - THANH THẢO 20/11/2021 15:39

LTS: Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11.2021), Quảng Nam Cuối tuần chia sẻ câu chuyện về những nhà giáo đặc biệt. Họ giảng dạy trong hoàn cảnh đặc biệt hoặc nuôi dạy những học sinh đặc biệt, bằng tất cả tình thương, sự sẻ chia lẫn hy sinh với thiên chức cao quý của nhà giáo.

Cô Trần Thị Xuân Linh - Làng Hòa Bình (xã Tam Đàn, Phú Ninh) kèm các cháu học tập ngoài giờ làm việc hành chính. Ảnh: D.L
Cô Trần Thị Xuân Linh - Làng Hòa Bình (xã Tam Đàn, Phú Ninh) kèm các cháu học tập ngoài giờ làm việc hành chính. Ảnh: D.L

Ở CÙNG HỌC TRÒ MÙA CÁCH LY

Hơn 1 tháng nay, khi lệnh cách ly khép kín tại chỗ được áp dụng, các thầy cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Nam Giang rời tổ ấm khăn gói đến trường ở cùng học trò. Câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò vùng cao này cứ như cổ tích giữa đời thường…

Chung một “mái nhà”

Cô giáo Huỳnh Thị Ánh Xuân - Tổng phụ trách Đội của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Nam Giang tình nguyện rời nhà đến trường ở cùng với học trò. Chồng đi làm ăn xa, đứa con nhỏ vừa tròn 5 tuổi phải gửi nhờ bà ngoại đã 72 tuổi chăm sóc.

Cô Xuân nói, dù thương con lắm nhưng vì trách nhiệm của người giáo viên với  học sinh nên đành gác lại niềm riêng để hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Đó là khi Nam Giang liên tiếp ghi nhận các ca F0 trong cộng đồng, thầy trò của trường được lệnh cách ly tại chỗ theo phương án vừa phòng dịch vừa dạy - học, không để các chương trình bị gián đoạn.

Các thầy cô dùng bàn ghế để tạo giường ngủ ngay trong phòng làm việc. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Các thầy cô dùng bàn ghế để tạo giường ngủ ngay trong phòng làm việc. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Hơn 10 năm công tác, lần đầu tiên cô Xuân và đồng nghiệp dọn vào ở tại trường. Mọi sinh hoạt phải tuân thủ theo quy định. Chuyện tiếp xúc giữa thầy cô và học trò cũng hạn chế đến mức tối thiểu.

Để có chỗ ngủ, các thầy cô phải tận dụng từng chiếc bàn ghép đôi, thậm chí mang theo võng để ngủ. Căn phòng làm việc giờ đây trở thành không gian “kép”. Cô Xuân nói: “Mình là giáo viên, nhiệm vụ chống dịch càng phải được thực hiện nghiêm và phải noi gương để học trò làm theo”.

Hết lòng vì học sinh

Tôi vào trường sau khi đã hoàn tất các thủ tục nghiêm ngặt về phòng chống dịch. Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng nhà trường nói, khi chủ trương cách ly tại chỗ được triển khai, các thầy cô, nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ, y tế... đều tình nguyện “cắm trại” tại trường.

Cô ơi, hớt tóc giúp em!

Cuối chiều, khi vừa tan học, một số học sinh nam gõ cửa phòng cô giáo Huỳnh Thị Ánh Xuân: “Cô ơi, hớt tóc giúp em!”. “Các em ngồi đợi trước sân, từng em một, xíu cô ra hớt nhé!”. Một lúc sau, cô Xuân cầm tông đơ, “ra tay” làm đẹp cho các học trò của mình. Cô Xuân nói, những ngày ở nội trú, nhiều thầy cô phải tập làm quen với những công việc tưởng chừng không thể làm được, như... hớt tóc. “Hơn 1 tháng ở tại trường, các em không thể ra ngoài nên thầy cô phải “ra tay”. Sẽ là kỷ niệm đáng nhớ với thầy cô và học sinh trong thời điểm chống dịch ở mái trường này” - cô Xuân chia sẻ.

Ngay cả học sinh bán trú cũng được đưa vào ở tập trung, nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa triển khai công tác dạy học. Khó khăn trong thời gian đầu ở tập trung được giải quyết bằng tình thương yêu của thầy cô dành cho học trò, giúp các em yên tâm hơn trong môi trường rèn luyện mới.

“Ở đây các em không có cha mẹ ở bên cạnh, chỉ có thầy cô và cô chú cấp dưỡng. Mọi sinh hoạt của các em sẽ được thầy cô hỗ trợ, vì thế các em phải tự tập chăm sóc bản thân mình” - lời động viên của thầy Thắng với học sinh trở thành “khẩu hiệu” giúp các em tự tin và mạnh mẽ vượt khó học tập.

Thầy Thắng kể, lúc mới thực hiện cách ly, gần như ngày nào thầy cô cũng đều nhận cuộc điện thoại của phụ huynh. Nhưng, sau vài tuần lễ “học yên một chỗ”, những lo lắng cũng giảm dần. Phụ huynh đã yên tâm hơn khi con ở môi trường khép kín, an toàn. Cơ bản sức khỏe thầy và trò khá tốt, đáng mừng là tâm lý của các em rất ổn định.

“Thỉnh thoảng, phụ huynh vẫn ghé thăm con nhưng chỉ đứng ngoài cổng, phía bên kia rào chắn. Đồ dùng gì cần gửi cũng được yêu cầu ghi tên, lớp học sinh rồi đặt trên bàn trước cổng trường. Sau đó, bảo vệ sẽ nhận lấy, sát khuẩn cẩn thận trước khi giao cho học sinh” - thầy Thắng cho biết.       

Lúc vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Nam Giang, tôi nghe thầy cô kể nhiều về hoàn cảnh của giáo viên dạy Tiếng Anh - cô Arất Thị Thúy Nga. Tình nguyện cách ly tại trường, cô Nga phải gửi đứa con đầu lòng chỉ vừa tròn 18 tháng tuổi cho bà ngoại chăm sóc.

Cô Nga nói, vì trách nhiệm nhà giáo nên phải gác lại chuyện gia đình. Sau thời gian dạy học trên lớp, mỗi tối, cô Nga thường gọi điện để gặp con qua màn hình điện thoại. “Có hôm không ngủ được vì nhớ con, mình ôm gối khóc. Vì thế, chỉ mong dịch sớm qua đi để được trở về nhà, để được ôm con vào lòng như thời gian trước” - cô Nga tâm sự.

TÌNH THƯƠNG Ở LÀNG HÒA BÌNH

Đồng hồ điểm 19 giờ, cũng là lúc những lớp học bắt đầu ở Làng Hòa Bình (xã Tam Đàn, Phú Ninh). Nhịp dạy chậm rãi, những “cô giáo đặc biệt” cầm tay chỉ từng con số, từng nét chữ cho các cháu mồ côi được nuôi dưỡng tại đây.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền kèm cho trẻ bậc tiểu học học thêm ban đêm tại Làng Hòa Bình. Ảnh: D.L
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền kèm cho trẻ bậc tiểu học học thêm ban đêm tại Làng Hòa Bình. Ảnh: D.L

Lớp học đặc biệt

Những đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình dần lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người cha, người mẹ thứ hai dưới mái nhà chung. Các cháu được đến lớp, đến trường hòa nhập với cộng đồng.

Chậm phát triển, nên việc học ở lớp các cháu không thể nào theo kịp chương trình chung. Vì thế những lớp học đặc biệt hình thành ngoài giờ làm việc, giáo viên là những nhân viên hành chính, nhận phụ đạo kiến thức cho các con.

Có thể là ban đêm, thứ bảy hay chủ nhật, họ chia nhau ra để bày dạy từng chút một. 7 cháu học THPT, 15 cháu học THCS, 14 cháu học cấp tiểu học ngoài giờ đến lớp đã cùng nhau học tập trong mái nhà chung. 

Học sinh bậc tiểu học là mối bận tâm lớn nhất, cần được cầm tay chỉ bày nhất. Nói như cô Nguyễn Thị Thu Hiền - nhân viên Làng Hòa Bình và cũng là giáo viên phụ đạo ban đêm cho các cháu, chỉ cần các con qua được “đốt” biết đọc biết viết là mừng nhất.

Cô Hiền chia sẻ: “Với các cháu nhỏ thì mẹ nuôi bày hát, đọc thơ, hay cháu học mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1, mẹ nuôi có thể cầm tay các cháu viết nét được. Nhưng với các cháu cấp 1, mẹ nuôi không dạy được nên chúng tôi tranh thủ thời gian ngoài giờ bày thêm. Phần lớn các cháu trí não chậm phát triển nên có những hạn chế nhất định trong đọc, viết, hiểu.

Học ở trường chỉ là hòa nhập, chứ các cháu không thể theo kịp chương trình. Ở trường cô dạy bài toán 2 bước, thì về đây phải dạy 4 - 5 bước cháu mới hiểu được, làm được. Các cháu là trẻ đặc thù, nên dạy cũng phải nhẹ nhàng, dỗ dành, cầm tay chỉ từng chút các cháu mới chịu học”.

Phía sau là sự hy sinh

Mỗi tuần 3 buổi hoặc có thể nhiều hơn khi các cháu bước vào thời điểm chuẩn bị thi kết thúc học kỳ, năm học, cứ sau giờ hành chính, cô Hiền hay cô Trần Thị Xuân Linh đều phải tranh thủ chạy đón con đi học về, nấu ăn để sẵn ở nhà cho chồng con ăn tối.

Rồi các cô lại trở ngược đến Làng Hòa Bình, lên lớp dạy ban đêm cho các cháu ở đây. Sự sẻ chia, động viên của hậu phương vững chắc nhất là người chồng đã giúp các cô yên tâm bỏ thêm thời gian, công sức dạy dỗ các cháu mồ côi.

Cô Hiền cùng chồng quê ở Quế Sơn, chồng làm việc ở Tam Kỳ nên thuê trọ ở. Mỗi khi cô đi dạy, đứa con nhỏ 30 tháng tuổi đều là chồng chăm sóc. Nhiều lúc các cháu học chậm, kèm thêm cho các cháu, cô Hiền về đến nhà cũng là lúc con đã ngủ ngoan trong vòng tay cha. Thương con, cũng thương các cháu mồ côi, cô Hiền san sẻ tình yêu thương cho cả đôi bên.

Cô Linh là người mẹ của 3 đứa con, lớn nhất học lớp 5, nhỏ nhất mới 3 tuổi, nhưng đã tận tụy trong 2 năm qua, kể từ ngày chuyển về Làng Hòa Bình làm việc. Có chồng cùng làm việc trong ngành lao động, nên người chồng hiểu và cảm thông với vợ, giúp cô Linh yên tâm hơn. Ban đêm, cô đi dạy kèm các cháu thì chồng cô chăm 3 con. Sau giờ dạy, cô về nhà ở phường Hòa Thuận (Tam Kỳ), tiếp tục kèm cho các con của mình học.

Cô Linh tâm sự: “Mình cũng là người mẹ nên biết rằng khi các cháu thiếu đi tình yêu thương của cha mẹ là thiệt thòi quá lớn. Các cháu lại chậm phát triển, nên kèm cho các cháu được chừng nào tốt chừng đó, chỉ mong các cháu học được là tốt rồi.

Dạy thế này cũng là tâm huyết của mỗi người thôi, chứ cũng không tính ngoài giờ hay làm thêm gì cả. Có 3 chị em là nhân viên hành chính chia nhau dạy, hy vọng có thể bù đắp được phần nào sự thiếu thốn tình yêu thương, giúp các cháu phát triển tốt hơn”.

MÁI ẤM GIEO HY VỌNG

Lòng yêu thương chính là điều quan trọng nhất giúp cô Trần Thị Vạn Thượng - phụ trách trung tâm phục hồi chức năng Hy Vọng (Điện An, Điện Bàn) gắn bó với các bạn trẻ khiếm khuyết ở đây.

Vạn Thượng hướng dẫn một em nhỏ phân biệt các loại hoa và màu sắc. Ảnh: P.Q
Vạn Thượng hướng dẫn một em nhỏ phân biệt các loại hoa và màu sắc. Ảnh: P.Q

Chẳng bàn ghế, phấn bảng, suốt cả buổi sáng cô giáo trẻ Vạn Thượng phải bò trườn trên sàn nhà, tập thể dục, chụp rồi sút bóng rồi lụi cụi chỉ dẫn cho các em từng điều nhỏ nhặt nhất. “Trung tâm có chức năng chăm sóc, giáo dục các em kém may mắn. Các em học ở đây bị một trong các khiếm khuyết như tự kỷ, giảm chú ý, tăng động, bại não… Có em mới vào học mấy tháng, có em theo học ba, bốn năm rồi. Chẳng có lên lớp hay tốt nghiệp, chỉ cần một bước tiến triển nhỏ của các em đã là hạnh phúc của mọi người ở trung tâm và gia đình” - cô Vạn Thượng bộc bạch.

Bị hét vào mặt, cô giáo liền ra dấu vỗ về. Chụp những cú sút bóng búa bổ, cô giáo đáp lại bằng những lời ngợi khen tiến bộ. Đồ đạc quăng tứ tung, cô giáo cũng chỉ nhoẻn miệng cười rồi động viên các bạn nhỏ gom lại. Sau một tiếng rưỡi “học mà chơi”, hai bạn nhỏ vẫy chào mọi người ra về, trả lại không gian học cho nhóm bạn tiếp theo.

Cô Vạn Thượng và tình nguyện viên lại bắt đầu một tiết học mới với những bài học khác bởi mỗi trường hợp ở đây đều cần cách tiếp cận khác nhau. Long và Đạt (quê Điện Bàn) đều đặn theo học tại trung tâm tròn 2 năm qua. Từ chỗ lầm lì, ngờ nghệch hầu như không biết điều khiển các hành vi đơn giản thì nay hai em đã cởi mở hơn, tiếp thu và nhận thức được kỹ năng đi chợ, chụp hình, tính toán một cách cơ bản. 

Thi thoảng, buổi học vẫn phải ngắt quãng giữa chừng chỉ vì các bạn nhỏ bỗng nhiên... gây hấn, cáu gắt với nhau.

“Nhiều lúc mệt nhoài và bực lắm chứ nhưng tuyệt nhiên mình không bao giờ được gắt gỏng với các em. Mình phải tìm cách động viên, hướng các em ấy tới sự điềm tĩnh và hiểu được điều cần làm.

Mỗi sự tiến triển của các em đều là niềm vui của Vạn Thượng và mọi người trong trung tâm. Ảnh: P.Q
Mỗi sự tiến triển của các em đều là niềm vui của Vạn Thượng và mọi người trong trung tâm. Ảnh: P.Q

Lúc mới về trung tâm cũng có lúc sợ lắm vì nhiều khi các em ấy la hét, cắn, thậm chí đánh mình luôn vì không nhận thức được. Qua thời gian khi dần thấu hiểu được nỗi đau của các em thì mình nhận thấy phải tìm mọi cách để san sẻ, dạy dỗ, thay đổi các em” - cô Vạn Thượng tâm sự.

Hiện trung tâm nhận hỗ trợ phục hồi cho 22 trẻ khiếm khuyết. Con số này dao động theo từng tháng vì nhiều lý do. Bên cạnh đó, trong danh sách chờ còn có khoảng 10 em nữa mong muốn được nhập học.

Các em được xếp nhóm theo tuổi và tình trạng khiếm khuyết để dễ hòa nhập hơn. Trẻ sẽ được điều chỉnh hành vi bằng các trò chơi như leo núi địa hình, “go fish”, xếp hình lego… Phụ huynh cũng phải thường xuyên gắn với lớp, để hiểu phương thức học, hiểu các em. Sự kiên nhẫn và tình yêu thương là các yếu tố khác biệt của lớp học.

Thầy Lê Quang Phú - một thành viên của trung tâm cho hay, có bạn nhỏ vào đây suốt mấy tháng trời mới nhận biết được màu sắc nên nếu không có tính nhẫn nại thì không thể nào gắn bó được với các em và trung tâm.

“Mưa dầm thấm lâu”, nhiều em lúc mới đến không dám vào trung tâm, bấu tóc mẹ, bước đi không vững, qua thời gian đã trở lại hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Cô Vạn Thượng chia sẻ: “Như Đạt và Long, các em rất hồ hởi vì được đến lớp sau khi phải tạm ở nhà mấy tháng trời vì dịch bệnh. Nhiều hôm các em còn gọi điện đến trung tâm nằng nặc đòi đến trường”.

“Con chào cô”, “thưa cô con về”, “cô Thượng ơi dẫn con sang đường với”… Tự lúc nào thanh âm thân thương trẻ dại đã trở thành niềm vui của cô giáo “đặc biệt”, gắn cuộc sống của cô vào vui buồn bé dại của những cuộc đời kém may mắn.

ĐỒNG HÀNH VỚI HỌC SINH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Theo thống kê, Quảng Nam hiện có 1.322 học sinh cấp tiểu học và THCS và 119 học sinh cấp THPT có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Đa số các em là con mồ côi, cha mẹ ly dị hoặc gặp bệnh hiểm nghèo, có em sống với ông bà cao tuổi hoặc không có người thân, có em là con của mẹ đơn thân, có em mất cha mẹ do dịch Covid-19 khi đang đi làm ăn ở TP.Hồ Chí Minh.

Hầu hết trường học đều có những học sinh rất cần sự giúp đỡ của nhà trường và địa phương, các tổ chức xã hội, các tấm lòng hảo tâm. Vì thế, đầu năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục kịp thời giúp đỡ, đồng hành với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, tạo mọi điều kiện để các em được đến trường, không bị gián đoạn trong học tập.

Muốn thực hiện điều này, các đơn vị phải xây dựng giải pháp cụ thể để giúp đỡ học sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng có học sinh thiếu ăn, thiếu mặc tại đơn vị mình quản lý, không để bất cứ học sinh nào bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhà trường phải phối hợp với gia đình giúp các em hình thành kế hoạch học tập, rèn luyện để phấn đấu đạt được mục tiêu học tập tốt.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, việc nắm thông tin cụ thể chi tiết từng học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tìm ra các nhóm giải pháp hỗ trợ cho các em là một trong những việc làm thiết thực mà ngành giáo dục sẽ cố gắng thực hiện. Điều này thể hiện trách nhiệm và tình cảm quan tâm, chia sẻ và yêu thương của nhà trường, nhà giáo đối với các em, đồng thời lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách” đến toàn bộ học sinh.

Cụ thể, phát động giáo viên nhận giúp đỡ các em; phát động phong trào giúp bạn vượt khó như quyên góp sách giáo khoa, áo ấm tặng bạn, quà xuân tặng bạn, đôi bạn cùng tiến… Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định, các cơ sở giáo dục huy động tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ thêm cho học sinh về phương tiện đi lại, thiết bị học trực tuyến; tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ giữa các trường miền xuôi với các trường miền núi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hơi ấm từ thầy cô và yêu thương trao gửi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO