Nhiều giải pháp bảo vệ công trình Trường THPT Võ Chí Công

ĐĂNG NGUYÊN 11/03/2022 06:48

“Cùng với triển khai phương án khắc phục sự cố, xây dựng kè bảo vệ taluy dương, huyện Tây Giang và các đơn vị liên quan cần khẩn trương tiến hành các giải pháp tối ưu, hữu hiệu nhất nhằm đảm bảo an toàn cho việc trở lại học tập của hàng trăm học sinh đồng bào Cơ Tu tại Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang)”.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra hiện trạng sạt lở tại công trình Trường THPT Võ Chí Công. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra hiện trạng sạt lở tại công trình Trường THPT Võ Chí Công. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh như vậy tại buổi khảo sát, kiểm tra thực tế về tình trạng sạt lở, công tác khắc phục tại Trường THPT Võ Chí Công mới đây.

Trên cơ sở nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhất về hạn chế tình trạng sạt lở, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chỉ đạo cần phải giữ nguyên trạng ngôi trường, tạo điều kiện học tập, ăn ở cho con em đồng bào Cơ Tu khu vực biên giới.

Nhiều giải pháp

Dự án Trường THPT Võ Chí Công được triển khai thực hiện từ năm 2016 theo 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 63 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục khối nhà lớp học, ký túc xá, kè taluy, khu hiệu bộ - thí nghiệm - thư viện, nhà công vụ, nhà đa năng...

Giai đoạn 1 do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư, thực hiện theo Quyết định số 95 của UBND tỉnh với mức đầu tư phê duyệt hơn 33 tỷ đồng.

Đến nay dự án đã hoàn thành một số hạng mục khối nhà lớp học, ký túc xá, cùng các hạng mục phụ trợ, đảm bảo việc dạy và học của nhà trường.

Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư dự án giai đoạn 2) cho biết, sau đợt mưa lũ vào cuối năm 2020, công trình Trường THPT Võ Chí Công xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng cả hai mái taluy âm và taluy dương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy học, cũng như tính mạng và tài sản của nhà trường.

Trước thực trạng đó, bên cạnh tập trung phối hợp tìm các giải pháp khắc phục, đơn vị chủ động xây dựng phương án khảo sát tổng thể dự án. Đơn vị đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh để có hướng xử lý an toàn, đảm bảo việc dạy học cho thầy và trò vùng cao.

Tuy nhiên, do tình trạng sạt lở nghiêm trọng và xuất hiện nhiều vết nứt phía taluy dương của trường, hơn 1 năm nay, để duy trì việc dạy học, hàng trăm cán bộ giáo viên và học sinh phải di chuyển xuống trung tâm hành chính huyện Tây Giang (tại xã A Tiêng) để triển khai dạy học tạm trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Theo ông Sơn, về lâu dài cần giải pháp kết hợp giữa công trình và phi công trình, xây dựng tường chắn trọng lực, tăng thảm phủ, thoát nước bề mặt cống rãnh và trồng cỏ chống sạt lở. Ngoài ra, xây dựng hệ thống cảnh báo, nâng cao năng lực nhận biết và khả năng ứng phó của người dân trước nguy cơ sạt lở.

Hiện trạng sạt lở đất nghiêm trọng đe dọa công trình Trường THPT Võ Chí Công. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Hiện trạng sạt lở đất nghiêm trọng đe dọa công trình Trường THPT Võ Chí Công. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Để đảm bảo an toàn, sớm đưa học sinh quay trở lại học tập tại trường, ông Sơn đề nghị tỉnh tăng tổng mức đầu tư để sớm thực hiện các bước tiếp theo của dự án; đồng thời sớm di dời 6 hộ đang sinh sống dưới chân công trình, đảm bảo điều kiện thi công mái và kè taluy.

“Đơn vị tư vấn cũng đã khái toán phương án kè gia cố với mức đầu tư khoảng 24 tỷ đồng. Căn cứ kết quả báo cáo đánh giá, chúng tôi đã lập hồ sơ chủ trương đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền để xin tăng tổng mức đầu tư từ 29,89 tỷ đồng lên 58,89 tỷ đồng” - ông Sơn cho biết thêm.

An toàn mới được đón học sinh

Năm 2019, tại Quyết định số 2810, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt dự án giai đoạn 2 với mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư (trong đó chi phí dự phòng hơn 2,5 tỷ đồng) và khởi công vào đầu tháng 8.2020. Tuy nhiên, sau cơn bão số 5 năm 2020, nhiều hạng mục công trình Trường THPT Võ Chí Công bị sạt lở nghiêm trọng ở cả taluy dương và âm, gây ảnh hưởng đến việc dạy học, đe dọa tính mạng của thầy và trò nhà trường.

Ông Bh’ling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, Trường THPT Võ Chí Công có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào các xã biên giới, đặc biệt là ngăn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Vì thế, tìm các giải pháp khắc phục sự cố để giữ lại ngôi trường là việc làm hết sức quan trọng, giúp tạo niềm tin cho thầy và trò sau hơn 1 năm di chuyển tạm thời duy trì việc dạy học.

Thống nhất với các giải pháp của đơn vị đầu tư, ông Mia đề nghị cần tăng thêm mái cắt cơ taluy dương, đồng thời kè bê tông cốt thép vững chắc dưới chân trụ taluy để giữ không để sụt đất; tính toán đến việc hình thành hệ thống thu gom nước mạch phía các mái taluy…

“Riêng 6 hộ dân sinh sống dưới chân taluy âm, địa phương đã có phương án và trong năm nay sẽ tổ chức di dời. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiến hành trồng rừng phủ kín toàn bộ khu đồi phía taluy dương nhằm hạn chế tình trạng sạt lở như trước đây” - ông Mia nói.

Để bảo vệ trường học an toàn một cách lâu dài, tại buổi khảo sát mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị đơn vị đầu tư cần nghiên cứu xây dựng kè chắn vĩnh cửu như hệ thống kè trước đây được triển khai tại Dốc Kiền (Đông Giang). Trên cơ sở khắc phục các hạng mục của dự án, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp cảnh báo thiên tai, cũng như mức độ an toàn của công trình.

“Về lâu dài, sẽ tính toán chuyển dần công năng nội trú của công trình trường học nhằm tránh nguy cơ rủi ro do sạt lở đất đồi phía taluy dương. Khi nào trường học được đảm bảo an toàn thì đón học sinh trở về” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều giải pháp bảo vệ công trình Trường THPT Võ Chí Công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO