Phước Sơn gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

XUÂN HIỀN 09/02/2023 11:24

(QNO) - Sáng 9/2, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có buổi làm việc với huyện Phước Sơn về thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (gọi tắt Chương trình GDPT 2018).

Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát chuyên đề tại Phước Sơn. Ảnh: X.H
Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát chuyên đề tại Phước Sơn. Ảnh: X.H

Đại diện Phòng Giáo dục huyện Phước Sơn cho biết, năm học 2022-2023, huyện Phước Sơn có 22 đơn vị trường học. Phước Sơn hiện có các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 đang áp dụng bộ sách SGK mới.

Tại cuộc họp, địa phương đã nêu ra tình trạng thiếu - thừa giáo viên là một trong số những khó khăn lớn nhất khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, chưa có tài liệu giáo dục địa phương... cũng là vấn đề Phước Sơn đang gặp phải. Số giáo viên chuyên ngành còn thiếu nhiều nhưng không có nguồn tuyển nên một số môn vẫn phải bố trí dạy tăng thêm như Nghệ thuật, Tin học, Công nghệ, Tiếng Anh.

Huyện Phước Sơn hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện chương trinhg GDPT mới. Ảnh: X.H
Huyện Phước Sơn hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện chương trinhg GDPT mới. Ảnh: X.H

Chưa kể, phần lớn học sinh trên địa bàn là người dân tộc thiểu số nên chưa hình thành được một số năng lực tự chủ, tự học, sáng tạo và giải quyết vấn đề… Một số học sinh chưa thực sự tự tin, mạnh dạn trong quá trình học tập... cũng là điều khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới. 

Đối với SGK, nhiều giáo viên cho biết, hiện giá sách tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, tuy nhiên cần có chính sách hỗ trợ về SKG cho các địa phương miền núi. Bên cạnh đó, tài liệu giáo dục địa phương ban hành chậm, riêng năm học 2022 - 2023, đến thời điểm hiện tại chưa có sách chương trình giáo dục địa phương lớp 3 và lớp 7, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học ở các trường học...

Từ những tồn tại đó, địa phương kiến nghị tỉnh có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, miền núi nhằm khắc phục tình trạng giáo viên bỏ việc và thu hút giáo viên có nguyện vọng công tác lâu dài ở miền núi; tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí địa phương để tăng cường phòng học bộ môn đảm bảo quy định; mua sắm trang thiết bị dạy học đảm bảo yêu cầu tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục trong nhà trường cũng như bố trí kinh phí hỗ trợ giáo viên duy trì tài khoản bồi dưỡng chương trình GDPT 2018 cho giáo viên tiểu học và THCS toàn huyện...

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Dương Văn Phước phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: X.H
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Dương Văn Phước phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: X.H

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK, nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất và cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phước Sơn gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO