Sáp nhập Trường Đại học Quảng Nam vào Đại học Đà Nẵng: Khó có phương án tối ưu

XUÂN PHÚ 15/12/2020 04:03

Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đề xuất 3 phương án sáp nhập Trường Đại học Quảng Nam (ĐHQN) và ưu tiên chọn phương án thành lập trường đại học chuyên ngành. 

Sinh viên Trường ĐHQN tại lễ tốt nghiệp ra trường. Ảnh: X.P
Sinh viên Trường ĐHQN tại lễ tốt nghiệp ra trường. Ảnh: X.P

Ba phương án

UBND tỉnh và ĐHĐN vừa có cuộc làm việc chung quanh phương án sáp nhập Trường ĐHQN vào ĐHĐN. Đây là lần làm việc chính thức sau khi hai bên gặp nhau vào tháng 1.2020, lúc đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề xuất ý tưởng Trường ĐHQN trở thành thành viên của ĐHĐN. Theo ông Tân, chủ trương này đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất và giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Đến nay, đề án được Trường ĐHQN xây dựng hoàn chỉnh sau khi các sở, ngành của tỉnh góp ý.

PGS-TS.Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN cho biết “rất ủng hộ đề xuất của tỉnh Quảng Nam” bởi chủ trương liên kết để phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển đại học hiện nay. Vì vậy, ĐHĐN đã sớm có quyết định thành lập tổ nghiên cứu đề án Trường ĐHQN trở thành trường đại học thành viên của ĐHĐN. Đặc biệt, hiện ĐHĐN đang trình Bộ GD-ĐT xem xét, cho ý kiến về đề án thành lập đại học quốc gia Đà Nẵng trên cơ sở ĐHĐN và một số trường trên địa bàn, trong đó có Trường ĐHQN.

Về phương án sáp nhập, trong khi đề án do Trường ĐHQN xây dựng là trở thành trường đại học thành viên thì ĐHĐN đề xuất 3 phương án, ngoài trường đại học thành viên, hoặc trở thành phân hiệu, hoặc trường đại học chuyên ngành.

Theo phân tích của PGS-TS. Nguyễn Ngọc Vũ, phương án giữ nguyên tên Trường ĐHQN là trường đại học thành viên (theo như đề án của Trường ĐHQN) dù tạo sự ổn định của nhà trường, ít có sự thay đổi về tổ chức, đội ngũ; song lại không phù hợp với chiến lược phát triển thành lập đại học quốc gia Đà Nẵng, khó tạo điều kiện cho Trường ĐHQN phát triển, công tác tuyển sinh sẽ gặp khó khăn do trùng lặp ngành nghề đào tạo với các trường thành viên ĐHĐN.

Đối với phương án trở thành phân hiệu của ĐHĐN cũng gặp vấn đề tương tự như trùng ngành nghề đào tạo, khó tuyển sinh. Riêng phương án trở thành trường đại học chuyên ngành, chẳng hạn trường đại học y, dược có nhiều ưu điểm hơn và được nhiều chuyên gia ủng hộ. Trong đó, ưu điểm dễ thấy nhất là hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực khu vực từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung Bộ và Tây Nguyên rất lớn nhưng chưa có trường đại học khối ngành y, dược. Đồng thời đang có nguồn lực hiện tại của Trường ĐHQN và khoa y, các chuyên ngành của các trường thành viên ĐHĐN.

“Do đó, việc chuyển các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực y, dược từ ĐHĐN về Quảng Nam giúp trường có được thương hiệu tốt, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh và đào tạo” - ông Vũ đề xuất.

Khó có phương án tối ưu

Trước những băn khoăn và các ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị lãnh đạo ĐHĐN tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến chính thức về việc lựa chọn phương án. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Nam sẽ có kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Theo ông Tân, phương án nào cũng hướng đến mục tiêu liên kết, góp phần phát triển, nâng tầm Trường ĐHQN và đưa ĐHĐN trở thành đại học vùng, tạo động lực phát triển bền vững.

Cũng theo Giám đốc ĐHĐN, phương án nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm song nhìn chung, sau khi sáp nhập, việc tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính là một thách thức đối với cả ĐHĐN lẫn Trường ĐHQN vì Bộ GD-ĐT sẽ không bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động của Trường ĐHQN. Ngoài ra, khoảng cách giữa 2 địa phương rất gần nên khó tuyển sinh vì tâm lý học sinh Quảng Nam chọn Đà Nẵng để học. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường ĐHQN ít, cơ sơ vật chất đang xuống cấp cũng là một khó khăn.

“Vì vậy, trong giai đoạn đầu sau khi sáp nhập tỉnh cần cấp kinh phí chi thường xuyên cho Trường ĐHQN để ổn định, phát triển cho đến khi đủ điều kiện thực hiện tự chủ tài chính. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các hoạt động đào tạo của trường” - ông Vũ nói.

PGS-TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường ĐHQN cho rằng, mục tiêu và mong muốn sau khi gia nhập ĐHĐN là chuyển thành trường đại học thành viên, song cụ thể phát triển theo hướng nào phụ thuộc vào định hướng phát triển chung của ĐHĐN.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Công Thành ủng hộ phương án Trường ĐHQN là trường thành viên và tỏ ra băn khoăn về phương án thành lập trường đại học y, dược. Theo ông Thành, trên địa bàn Quảng Nam đang có Trường Cao đẳng Y tế và tỉnh cũng đã có chủ trương nâng lên thành trường đại học trong thời gian tới. Vì vậy, việc thành lập trường đại học y, dược có dẫn đến tình trạng chồng “sân” trong tuyển sinh, đào tạo?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sáp nhập Trường Đại học Quảng Nam vào Đại học Đà Nẵng: Khó có phương án tối ưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO