Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Một chặng đường đổi mới - Bài 1: Áp lực đổi mới

XUÂN PHÚ - LÊ QUÂN 13/03/2023 07:56

Từ năm học 2020 - 2021, cả nước thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Sau 3 năm triển khai, bên cạnh tạo ra luồng sinh khí mới trong dạy và học với một chương trình được đánh giá có nhiều điểm ưu việt theo tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện”, còn nổi lên một số khó khăn, bất cập.

Những hoạt động trải nghiệm, thực hành được tổ chức nhiều hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2028. Ảnh: X.P
Những hoạt động trải nghiệm, thực hành được tổ chức nhiều hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2028. Ảnh: X.P

BÀI 1: ÁP LỰC ĐỔI MỚI

Cùng với cả nước, Quảng Nam đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần khẩn trương, chu đáo nhất nhằm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đảm bảo kế hoạch, lộ trình và hiệu quả. Áp lực đổi mới cùng với thời gian có phần gấp gáp khiến ngành giáo dục phải “vắt chân lên cổ”, còn các bậc phụ huynh, học sinh cũng vất vả bội phần…

Chạy đua để… bắt đầu

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tổng kinh phí của tỉnh đầu tư thực hiện chương trình GDPT 2018 đến năm 2022 là gần 919 tỷ đồng, trong đó sửa chữa, xây mới phòng học, phòng bộ môn và các công trình phụ trợ 702 tỷ đồng; mua sắm thiết bị dạy học 251 tỷ đồng; xây dựng, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương 449 triệu đồng; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục 89 triệu đồng.

Nhớ lại năm học 2020 - 2021, chị Trần Yến Phượng (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) cho biết, thời điểm đó, con chị bước vào năm đầu cấp của tiểu học. Trong khi cùng một địa bàn nhưng mỗi trường học lại chọn một bộ sách khác nhau, gây không ít rắc rối cho phụ huynh. Đây cũng là cảm xúc của nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh khi nhớ lại “công cuộc” chạy đua để tìm mua bộ sách giáo khoa (SGK) mới.

Năm đầu tiên triển khai ở lớp 1, sau khi Quốc hội đã quyết định điều chỉnh lùi thời gian thực hiện, song tất cả đều gặp rất nhiều khó khăn. Năm đầu tiên còn bỡ ngỡ đã đành, thời gian lại không nhiều khiến việc triển khai “vừa xếp hàng, vừa chạy”.

Theo quy định, quyền lựa chọn SGK lớp 1 được giao cho các trường tiểu học nên trên địa bàn tỉnh, thậm chí ở từng địa phương sử dụng các bộ SGK khác nhau. Sau khi rộ lên câu chuyện SGK lớp 1 môn Tiếng Việt của bộ sách “Cánh diều” gây “bão” dư luận cả nước, rất may mắn Quảng Nam không nhiều trường học lựa chọn (chỉ có 35/272 trường với 11% số học sinh sử dụng).

Sau sự cố đó, bộ sách “Cánh diều” đã bị loại trong danh mục sử dụng của giáo dục Quảng Nam, thay vào đó, hầu hết là sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Từ năm học 2021 - 2022 trở đi, thẩm quyền quyết định lựa chọn SGK thuộc về UBND tỉnh theo hướng thống nhất một bộ SGK trên địa bàn cả tỉnh.

Thời điểm bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cũng đồng thời xảy ra đại dịch COVID-19. Đây chính là thách thức với tất cả địa phương.

Đại diện Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết, những năm đầu các trường thực hiện việc lựa chọn SGK còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 nên ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu, lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT.

Khi tập huấn về bộ SGK thì số lượng sách cung cấp quá ít, không đủ cho tất cả giáo viên tham khảo; giáo viên chủ yếu được các nhà biên soạn giới thiệu sách qua online, trực tuyến.

Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT nói: “Các văn bản chỉ đạo của tỉnh rất đầy đủ, kịp thời để ngành và các địa phương triển khai thực hiện, như Quyết định số 1134 (12/4/2019) của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK GDPT tỉnh; Kế hoạch số 239 (14/1/2020) của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện chương trình GDPT trên địa bàn tỉnh; các kế hoạch, quyết định của UBND tỉnh liên quan đến việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục, thành lập ban biên soạn, hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương…”.

Gánh nặng sách giáo khoa

Đánh giá sau 3 năm triển khai chương trình GDPT mới, lãnh đạo các địa phương, ngành giáo dục Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phước Sơn đều thống nhất cho rằng việc đổi mới đảm bảo phù hợp với yêu câu nâng cao trình độ dân trí, cập nhật được những kiến thức mới, hiện đại, phù hợp với mục tiêu, quan điểm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29.

Chương trình GDPT mới yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ảnh: X.P
Chương trình GDPT mới yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ảnh: X.P

Chương trình tổng thể, chương trình chi tiết môn học và hoạt động giáo dục đảm bảo tính liên thông; đã tinh giản các kiến thức hàn lâm, tăng tính thực hành và tăng nội dung thực tiễn, thể hiện được mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Chương trình có tính mở nên tạo điều kiện triển khai một cách linh hoạt theo điều kiện của mỗi địa phương.

Sở GD-ĐT nhận định, kết quả đạt được cho thấy các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.

Đồng thời, khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Bên cạnh nội dung chương trình, SGK cũng là vấn đề quan trọng khi thực hiện chương trình GDPT mới, làm sao lựa chọn được bộ SGK phù hợp với địa phương.

Theo ông Thái Viết Tường, trên cơ sở danh mục phê duyệt hàng năm của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tổ chức các hội đồng lựa chọn SGK và quy định các tiêu chí đảm bảo phù hợp với học sinh của địa phương. Quy trình tổ chức lựa chọn được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, chặt chẽ theo đúng quy định của Thông tư 25 (26/8/2020) của Bộ GD-ĐT.

Các cơ sở giáo dục tổ chức đề xuất lựa chọn SGK theo thứ tự các bước: tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một bộ SGK cho mỗi môn học.

Sau đó, cơ sở giáo dục tổ chức họp với thành phần theo quy định xem xét, lựa chọn trên cơ sở danh mục do tổ chuyên môn đề xuất và lập danh mục SGK đề xuất gửi về phòng GD-ĐT để báo cáo Sở GD-ĐT. Trên cơ sở đề xuất của các phòng GD-ĐT (đối với lớp 1, 2, 3, 6 và 7) và trường THPT (lớp 10), Hội đồng chọn sách của tỉnh sẽ thảo luận, bỏ phiếu kín lựa chọn.

Theo ghi nhận từ phụ huynh có con đang theo học các bộ SGK mới, việc không quy định bộ SGK chuẩn trong cả nước, từ đó mỗi địa phương lựa chọn mỗi bộ sách khác nhau dẫn đến sự bất cập.

“Nhất là khi học sinh có nhu cầu chuyển trường sẽ gặp nhiều khó khăn do phải tiếp nhận bộ SGK mới, chương trình học mới theo lựa chọn của trường mới” - một phụ huynh tại TP.Tam Kỳ chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc đăng ký môn học tự chọn vào đầu cấp THPT còn lúng túng, chương trình học còn khá nặng, học sinh gần như dành toàn bộ thời gian cho việc học, ít thời gian nghỉ ngơi, giải trí, gây áp lực cho các em trong độ tuổi.

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc thường xuyên đổi mới SGK, giá sách cao đã gây áp lực tài chính cho phụ huynh, nhất là các gia đình kinh tế khó khăn, trong khi sách không tái sử dụng được do chương trình, nội dung sách thay đổi liên tục. Chưa kể, cha mẹ học sinh chưa theo kịp kiến thức từ chương trình đổi mới nên gặp khó khăn khi dạy con học ở nhà, buộc phải tìm cách cho con học phụ đạo.

Ở góc nhìn của nhà giáo, thầy Huỳnh Kim Đông - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng (Thăng Bình) cho rằng SGK nên có sớm hơn, ít nhất trước một năm để có thời gian cho các thầy cô giáo tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn, tránh áp lực trong quá trình lựa chọn.

-------------------------
Bài 2: Nhận diện thách thức

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Một chặng đường đổi mới - Bài 1: Áp lực đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO