Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Một chặng đường đổi mới - Bài cuối: Tháo gỡ từ đâu?

XUÂN PHÚ - XUÂN HIỀN 17/03/2023 08:42

Sau 3 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh tạo ra luồng sinh khí mới trong dạy và học theo tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện”, còn nổi lên một số khó khăn, bất cập, như đã đề cập ở bài trước. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để khắc phục, cần được Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT tháo gỡ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc của đoàn giám sát với huyện Thăng Bình về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ảnh: X.P
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc của đoàn giám sát với huyện Thăng Bình về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ảnh: X.P

Đi tìm nguyên nhân

Kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2022 được thông báo rộng rãi với thời gian khá dài, thế nhưng kết quả không như mong muốn. Tổng chỉ tiêu giáo viên (GV) tiểu học là 614 song chỉ tuyển được 176.

Đối với GV cấp THCS cũng tương tự, môn Âm nhạc tuyển được 6/27 chỉ tiêu, Mỹ thuật 4/12, Công nghệ nông nghiệp 1/6, thậm chí môn Công nghệ công nghiệp không tuyển được GV nào trong 6 chỉ tiêu. Riêng các môn nghệ thuật của cấp THPT (Âm nhạc, Mỹ thuật) tuyển dụng được 8 GV/16 chỉ tiêu.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa chương trình GDPT 2018 tại các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Phước Sơn và Sở GD-ĐT. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, qua thực tế giám sát, có thể khẳng định chủ trương đúng đắn và hiệu quả triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Thời gian tới cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập. “Việc thiếu GV thì địa phương có trách nhiệm tuyển dụng, không tổ chức được thì tỉnh lo như thời gian qua đã làm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng GV thì tỉnh lo, cả về nguồn kinh phí. Đầu tư cơ sở vật chất tỉnh và địa phương cùng quan tâm. Còn các kiến nghị, đề xuất ngoài tầm của tỉnh thì sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ giải quyết” - ông Dũng nói.

PGS-TS.Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam cho biết, nhà trường đang phối hợp Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng GV dạy các môn học mới theo chương trình GDPT. Trường Đại học Quảng Nam đã và đang đảm nhận công tác đào tạo, nâng trình độ chuẩn cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV theo Nghị định 71.

Liên tiếp mấy năm gần đây việc tuyển dụng GV đều không đủ chỉ tiêu. Ngoài nguyên nhân được xác định là do Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ đào tạo GV tiểu học phải đại học (trong khi các trường sư phạm lại chưa chuyển hướng đào tạo đại học tiểu học kịp thời), các môn Âm nhạc, Mỹ thuật lại không có nhiều người theo học. Trong khi đó, GV các môn mới theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý cấp THCS lại chưa được đào tạo nên không có nguồn tuyển dụng.

Ông Võ Đăng Thể - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT cho rằng, bên cạnh lý do nêu trên, chưa có cơ chế chính sách phù hợp nên miền núi thường xuyên tuyển dụng GV không đủ chỉ tiêu.

Thực hiện chương trình mới, có những bộ môn ở lớp 10 chỉ 15 - 16 học sinh (HS) lựa chọn dẫn đến khó khăn trong việc bố trí GV vì không đảm bảo quy định về tỷ lệ GV/lớp. Năm học 2022 - 2023 quy mô trường lớp, số HS tăng nhiều (tăng 5.800 HS) nhưng biên chế không tăng càng khiến việc triển khai chương trình GDPT mới vướng mắc.

Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, việc lựa chọn môn học ở THPT cũng gặp khó khăn, đặc biệt ở các trường vùng núi. Đa phần học sinh lựa chọn các môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý) nên dẫn đến các trường thiếu GV các môn khoa học xã hội và thừa giáo viên khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).

Một khó khăn khác, theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT Đại Lộc, tuyển dụng GV không đủ chỉ tiêu nên huyện hợp đồng 207 GV để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, số GV này không đủ điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới vì không được bồi dưỡng.

Ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, rất khó khăn khi phải thực hiện tinh giản 10% biên chế theo quy định trong khi biên chế ngành giáo dục chiếm hơn 83% cả tỉnh. Vì vậy, tỉnh có đề nghị Trung ương quan tâm tăng chỉ tiêu biên chế GV cho địa phương; đồng thời, cần điều chỉnh Thông tư 06 và 16 về định mức GV/lớp vì hiện nay không phù hợp, kể cả miền núi không thể như đồng bằng do sĩ số HS/lớp khác đồng bằng.

Riêng công tác tuyển dụng GV đang tham mưu tỉnh phân cấp cho các địa phương. Tuy nhiên, nguồn tuyển dụng không đáp ứng do quy định Luật Giáo dục 2019, trình độ GV mầm non là cao đẳng; tiểu học và THCS là đại học khiến việc đào tạo GV không kịp.

Tăng cường tuyển dụng để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là yêu cầu cấp bách để triển khai thực hiện đổi mới giáo dục đạt chất lượng, hiệu quả. Ảnh: X.P
Tăng cường tuyển dụng để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là yêu cầu cấp bách để triển khai thực hiện đổi mới giáo dục đạt chất lượng, hiệu quả. Ảnh: X.P

Cần giải pháp căn cơ

Đại diện UBND huyện Đại Lộc cho rằng, cần có giải pháp hiệu quả hơn về đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng GDPT. Trước hết, tiếp tục tuyển dụng, hợp đồng GV theo nhu cầu, nhất là GV tiểu học đảm bảo triển khai hiệu quả tất cả môn học, hoạt động giáo dục của chương trình GDPT mới.

Bổ sung và đào tạo GV giảng dạy Âm nhạc và Mỹ thuật cho học sinh THPT; xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo GV Tin học dạy phân môn Công nghệ ở cấp tiểu học. Ưu tiên bố trí kinh phí để tăng cường phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học đảm bảo yêu cầu tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục trong nhà trường và bố trí kinh phí hỗ trợ GV tham gia bồi dưỡng chương trình GDPT 2018.

Thầy giáo Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) và thầy giáo Lê Văn Tài - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hòa (Đại Lộc) đều cho rằng Bộ GD-ĐT phải tính đến chương trình đào tạo lại để GV đi học mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn mới trong chương trình GDPT mới; đồng thời tỉnh cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người học.

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, cơ sở vật chất được cho là đáp ứng nhưng liệu GV có đáp ứng được được việc dạy 2 buổi/ngày? Đối với một số nơi chỉ dạy 1 buổi/ngày thì có đủ sức tải hết chương trình yêu cầu?

“Nghị quyết 88 nêu rõ triển khai chương trình GDPT mới ở những nơi đã đảm bảo các điều kiện. Do vậy, tôi kiến nghị Quốc hội điều chỉnh theo lộ trình từng bước chứ không thể triển khai một lúc nhiều hoạt động trong chương trình GDPT mới. Khi triển khai chương trình GDPT mới có các môn dạy tích hợp yêu cầu GV phải dạy được môn tích hợp.

Song Bộ GD-ĐT lại chưa có chủ trương đào tạo GV tích hợp, như vậy đội ngũ GV đang trực tiếp giảng dạy tốt nghiệp từ chuyên ngành nhưng vẫn phải dạy tổ hợp. Điều này liệu có phải đang gây khó khăn cho địa phương?” - bà Thu nói.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, hiện toàn tỉnh có hơn 13,8 nghìn GV phổ thông. Với quy mô trường, lớp hiện tại, so với định mức GV/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT, cả tỉnh còn thiếu 2.058 GV. So với định mức theo đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đến năm học 2024 - 2025 của tỉnh thì còn thiếu 1.159 GV (tiểu học 739, THCS 304, THPT 116 GV).

Để đảm bảo đội ngũ thực hiện chương trình GDPT 2018, công tác bồi dưỡng đã được triển khai với hơn 3.200 lượt cán bộ quản lý, GV cốt cán và 49.600 GV đại trà tham gia. Về việc chuẩn bị GV giảng dạy các môn học mới gồm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp THCS, Giáo dục kinh tế và pháp luật cấp THPT, sở chỉ đạo các phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục tiếp tục sử dụng đội ngũ GV hiện có, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV cùng với việc rà soát, tuyển dụng mới để đáp ứng việc giảng dạy.

Từ những tồn tại, bất cập, nhất là thiếu nguồn tuyển dụng GV thực hiện chương trình GDPT 2018, đặc biệt các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, các môn học mới (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí cấp THCS), theo ông Tường, Bộ GD-ĐT cần có kế hoạch tổng thể trong chỉ đạo, phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh để các trường sư phạm đào tạo đảm bảo nguồn cho những năm học tiếp theo.

Đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai thống nhất, không gặp khó khăn, nhất là các quy định về tài chính như đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng GV, in ấn tài liệu giáo dục địa phương.

Hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng GV, nhất là GV dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở THCS đã có chương trình bồi dưỡng nhưng chưa có nguồn kinh phí để thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính quan tâm phân bổ nguồn kinh để đào tạo, bồi dưỡng tập trung từ nguồn kinh phí của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Một chặng đường đổi mới - Bài cuối: Tháo gỡ từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO