Trường TH&THCS Phước Thành (huyện Phước Sơn): Chật vật tổ chức bán trú cho học sinh

LÊ PHƯỚC TRỊNH 11/11/2022 09:37

Một số trường học ở vùng cao trong tỉnh tổ chức bán trú cho những học sinh ở xa, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do không phải trường phổ thông dân tộc bán trú nên việc tổ chức bán trú gặp không ít trở ngại.

Học sinh Trường TH&THCS Phước Thành ôn bài tại phòng ở bán trú. Ảnh: L.P.T
Học sinh Trường TH&THCS Phước Thành ôn bài tại phòng ở bán trú. Ảnh: L.P.T

Bán trú như…nội trú!

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) Phước Thành (huyện Phước Sơn) có 16 lớp với 446 học sinh; trong đó cấp tiểu học có 10 lớp với 285 em. Do điều kiện đi lại khó khăn, dễ bị sạt lở và lũ quét khi có mưa lớn, nhiều học sinh con hộ nghèo... nên mấy năm gần đây nhà trường tổ chức bán trú cho khoảng 100 học sinh.

Khu nhà bán trú do các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, bao gồm dãy nhà 2 tầng bố trí các phòng cho học sinh ngủ lại, một phòng ăn và xem ti vi cùng một nhà bếp. Các em được nhà trường bố trí phòng ở với đầy đủ vật dụng cá nhân. Giờ giấc học tập, ăn nghỉ, xem ti vi… của học sinh tại khu bán trú được các thầy cô giáo nhà trường phân công nhau quán xuyến, hỗ trợ và chăm lo cho các em.

Thầy giáo Hồ Văn Hiệp (giáo viên Trường TH&THCS Phước Thành) chia sẻ: “Giáo viên nhà trường cũng như bản thân tôi là quản lý học sinh bán trú ở đây luôn cố gắng giúp đỡ, chăm lo cho cuộc sống của các em. Các thầy cô giáo phân công chăm lo khu vực bán trú để các em ăn ở, nghỉ ngơi và học tập một cách tốt nhất để các em an tâm học tập, không có cảm giác xa gia đình”.

Thầy giáo Trà Văn Nhiều - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Phước Thành cho biết, nhiều học sinh ở xa trường, có nơi hơn 40km và trường không có điểm trường lẻ nên phải linh hoạt tổ chức bán trú cho các em. Nhà trường có 2 nhân viên nấu ăn, hàng ngày phục vụ học sinh bán trú.

Chế độ bán trú của các em được thực hiện theo Nghị định 116 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Việc tổ chức bán trú hiện nay chủ yếu do cán bộ và giáo viên trường linh động tổ chức và tự nguyện chăm nuôi học sinh của các thầy cô giáo.

Không phải trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng tổ chức sinh hoạt, ăn ngủ, học tập của học sinh lại như “nội trú” nên nhà trường gặp không ít khó khăn. Giáo viên phải làm việc gấp đôi, ngoài dạy học còn kiêm nhiệm vụ cô nuôi, chăm sóc học sinh, trực quản lý, đảm bảo an ninh an toàn...

Cần hỗ trợ giáo viên kiêm nhiệm

Cùng với việc chăm lo bữa ăn hằng ngày cho học sinh bán trú, Trường TH&THCS Phước Thành còn quan tâm hỗ trợ bổ sung kiến thức cho các em. Ngoài việc học tại lớp 2 buổi mỗi ngày, các buổi tối từ thứ Hai đến thứ Sáu, các em bán trú được thầy cô giáo nhà trường phụ đạo thêm.

 

“Tổ chức bán trú cho học sinh góp phần nâng cao chất lượng từ kiến thức, kỹ năng sống, sức khỏe cho các em, giúp các em mạnh dạn, tự tin và tự lập. Tình trạng học sinh vắng, bỏ học không còn xảy ra như trước đây.

Năm học 2021 - 2022, Trường TH&THCS Phước Thành huy động học sinh trong độ tuổi vào học lớp 1 đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 cũng đạt 100%. Trường đã phát triển đồng bộ 2 bậc học, không có lớp ghép” - thầy giáo Trà Văn Nhiều nói.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường TH&THCS Phước Thành Trà Văn Nhiều, giáo viên kiêm nhiệm quản lý bán trú được hỗ trợ 20 nghìn đồng/người/ngày đêm, từ nguồn kinh phí hoạt động chung của nhà trường và đã được hội đồng trường thống nhất thông qua chứ không được hưởng chế độ kiêm nhiệm bán trú theo quy định. Nhưng vì học sinh, các thầy cô giáo đã hết mình chăm lo cho các em.

“Thầy cô giáo nhà trường luôn lo lắng, tận tụy quan tâm cho các em từng con chữ. Ở các trường phổ thông dân tộc bán trú thì các thầy cô kiêm nhiệm được hưởng 0,3 lương cơ bản.

Còn Trường TH&THCS Phước Thành không phải là trường phổ thông dân tộc bán trú nên thầy cô không được hưởng chế độ kiêm nhiệm. Chúng tôi mong các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn đến đời sống của các thầy cô ở đây, nhất là các thầy cô kiêm nhiệm công tác bán trú ở trường” - thầy giáo Trà Văn Nhiều đề xuất.

Tổ chức cho học sinh bán trú như Trường TH&THCS Phước Thành là thực tế mà nhiều trường học không phải là phổ thông dân tộc bán trú ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thực hiện. Các trường này đã linh hoạt hỗ trợ giáo viên kiêm nhiệm bán trú từ quỹ hoạt động trường chỉ vài chục nghìn đồng mỗi ngày, nhưng việc thanh quyết toán cũng gặp không ít nhiêu khê...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường TH&THCS Phước Thành (huyện Phước Sơn): Chật vật tổ chức bán trú cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO