Vì sao nhiều giáo viên phải nâng chuẩn?

TƯỜNG VY 19/04/2021 07:14

Sắp tới, nhiều giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, THCS phải tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuẩn đào tạo, nhằm đáp ứng tiêu chí quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Theo quy định mới, nhiều GV phải nâng chuẩn trình độ đào tạo. Ảnh: X.P
Theo quy định mới, nhiều GV phải nâng chuẩn trình độ đào tạo. Ảnh: X.P

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở dĩ nhiều thầy cô giáo phải tiếp tục đi học vì theo Luật Giáo dục năm 2019, Điều 72 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, đối với GV mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, đối với GV tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên.

Như vậy, theo quy định mới, GV mầm non chuẩn trình độ đào tạo phải là cao đẳng; GV tiểu học, THCS, THPT chuẩn trình độ đào tạo là đại học. Trong khi đó, hiện nay chuẩn trình độ GV được thực hiện theo Luật Giáo dục năm 2005, GV mầm non và tiểu học chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên, GV THCS có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và chỉ GV THPT mới quy định có bằng đại học.

Điều này có nghĩa, rất nhiều GV mầm non, tiểu học và THCS dù đạt chuẩn theo quy định cũ nhưng không đáp ứng quy định về chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 nên phải đi học nâng chuẩn.

Để triển khai Luật Giáo dục năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 (30.6.2020) quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS.

Theo lộ trình của Chính phủ, việc thực hiện nâng trình độ chuẩn của GV được triển khai từ 1.7.2020 đến 31.12.2030 và được chia làm hai giai đoạn (2020 - 2025 và 2026 - 2030). Sau đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành kế hoạch lộ trình nâng chuẩn giai đoạn 2020 - 2025.

Thông tin từ Sở GD-ĐT, sau khi rà soát về phạm vi, đối tượng theo quy định, tổng số GV toàn tỉnh phải nâng chuẩn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.179 người, trong đó 119 mầm non, 528 tiểu học, 532 THCS.

Lộ trình thực hiện nâng chuẩn triển khai trong 5 năm, trong đó nhiều nhất là năm 2021 với 855 người, các năm còn lại khá ít, lần lượt năm 2022 là 186, năm 2023 là 89, năm 2024 là 28 và năm 2025 chỉ còn 21 người.

Theo kế hoạch vừa được UBND tỉnh ban hành, tham gia nâng chuẩn trình độ năm 2021 cả tỉnh có 65 GV mầm non, 408 tiểu học và 382 THCS. Tất cả huyện, thị xã, thành phố đều có GV diện nâng chuẩn, trong đó nhiều nhất là Thăng Bình 164, Bắc Trà My 100, Đại Lộc 95, Duy Xuyên 88, Núi Thành 83. Toàn bộ kinh phí thực hiện nâng chuẩn do ngân sách cấp với tổng số tiền lên đến hơn 9,7 tỷ đồng.

Bên cạnh quyền lợi được thực hiện theo Nghị định 71 (được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp), GV phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ sau khi hoàn thành khóa học trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; trong suốt thời gian học vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác theo quy định khi không tham gia các hoạt động đào tạo; tự chi trả các khoản chi phí đào tạo trong thời gian đào tạo kéo dài do không hoàn thành chương trình; tự ý nghỉ học giữa chừng không có lý do chính đáng phải bồi thường kinh phí đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sao nhiều giáo viên phải nâng chuẩn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO